(kontumtv.vn) – Hiện nay nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Phú Yên đang bước vào vụ thu hoạch mía. Tuy nhiên, giá mía thu mua của các nhà máy lại có sự chênh lệch cao khiến nông dân bức xúc dẫn đến nguy cơ tranh chấp vùng nguyên liệu hoặc vỡ quy hoạch vùng nguyên liệu.

Nông dân Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa đang bước vào kỳ thu hoạch mía. Mỗi tấn mía 10 chữ đường, Nhà máy Đường Tuy Hòa thu mua với giá 750.000 đồng, trong khi đó Nhà máy Đường Vạn Phát mua với giá 820.000 đồng/ tấn, Nhà máy Đường KCP mua với giá 850.000 đồng/ tấn. Trong cùng một tỉnh, sự chênh lệch giá thu mua khá cao khiến nhiều nông dân bức xúc vì thua lỗ. Ông Đinh Ngô Quang (xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa) bức xúc: “Hết đám đây cả công cán, xuống giống hết 50 triệu mà bán có 22 triệu. Tính ra lỗ 28 triệu”.

NGUOI DAN PHU YEN BUC XUC VE GIA MIA

Tại huyện Sông Hinh, giá mía xuống thấp, và chênh lệch lớn về giá thu mua của nhà máy đường Tuy Hòa cũng khiến nhiều nông dân bức xúc. Nông dân đã bán mía cho tư thương mà không qua nhà máy, từ đó xảy ra tranh chấp vùng nguyên liệu. Mong muốn của nông dân lúc này, không phải là giá cao hay thấp, mà phải có sự công bằng giữa các nhà máy và giữa nhà máy với nông dân. Ông Trần Văn Ân, Chủ tịch UBND xã Đức Bình Tây, huyện Sông Hinh nói: “Không trách giá thị trường nhưng mà cơ chế trong 1 tỉnh là phải như nhau”.

Ngay sau khi xảy ra sự việc tranh chấp vùng nguyên liệu, UBND huyện Sông Hinh đã tổ chức đối thoại giữa nhà máy đường Tuy Hòa và nông dân. Nhiều nông dân cho biết, nếu không có sự bình đẳng trong thu mua mía, nông dân sẽ phá vỡ hợp đồng, hoặc phá mía. Ông Nguyễn Đình Chiến, đại diện Nhà máy Đường Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên cho biết: “Tại thời điểm này, giá xăng lên, mua giá này là đã lỗ rồi, mình cũng muốn mua cao, hài hòa, chia sẻ gánh nặng giữa nhà máy và nông dân”.

 “Khó là khó chung nên phải có giá công bằng cho nông dân, giá cả không đồng đều, cạnh tranh không lành mạnh. Ban điều hành chúng tôi đã tiếp thu và mời đại diện Nhà máy Đường Tuy Hòa về để phối hợp giải quyết tránh sự xung đột giữa các nhà máy trong vùng cũng như các tư thương mua bán tranh chấp. Về vấn đề giá cả, chúng tôi đã cập nhật, yêu cầu nghiên cứu, xem xét giữa các nhà máy trong khu vực phải có sự công bằng”. Ông Đinh Ngọc Dạn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh nói.

Hai năm qua, giá mía xuống thấp, nhiều nông dân không có lãi. Nếu giá thu mua không công bằng, khả năng vào vụ tới, nông dân thuộc vùng nguyên liệu của nhà máy đường Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên cũng không còn mặn mà với cây mía.

Huyền Trang – Quốc Hoàn

Đài PT-TH Phú Yến

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *