(kontumtv.vn) – Sau gần hai tháng kể từ khi diễn ra vụ cá chết hàng loạt tại lòng hồ thủy điện Plei Krông (Đăk Hà, Kon Tum), người dân nuôi cá lồng, bè tại đây đã bắt đầu thực hiện những biện pháp khắc phục thiệt hại, tiến hành thả nuôi  trở lại để ổn định cuộc sống.

Vụ cá chết bất thường ở huyện Đăk Hà vừa qua đã gây thiệt hại lớn. Mặc dù vậy, người dân vẫn cố gắng khắc phục thiệt hại, tiến hành thả nuôi trở lại với hy vọng mùa cá mới sẽ hiệu quả hơn. Ông Lê Khả Tuyên, một chủ hộ nuôi cá bè tại đây nói: “Thực tế là gia đình rất khó khăn, công việc chăn nuôi không thể dừng lại được, hiện nay nguồn nước đã ổn định nên gia đình đã chạy vạy khắp nơi để đem con giống về tái đàn trong 6 lồng. Đợt tái đàn này, chúng tôi nuôi khoảng 500 con cá trắm từ 1kg, 50 cân cá trê giống, cá diêu hồng khoảng 9 vạn con”.

Nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Plei Krông
Nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Plei Krông

Nguyên nhân cá chết hàng loạt được xác định do hàm lượng oxy hòa tan trong nước thấp vì mực nước lòng hồ thủy điện Plei Krông xuống thấp khiến cá bị chết ngạt. Để khắc phục tình trạng này, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Hà đã tư vấn một số phương pháp kỹ thuật nuôi cho người dân. Ông Lê Thế Cương, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Hà nói: “Về việc tái đàn, huyện cũng khuyến cáo người dân sau khi mực nước nâng lên thì mới tái đàn, nuôi trên mật độ thưa hơn, các lồng bè đặt ở các vị trí cách nhau ở mức cần thiết, thiết kế hệ thống sục khí bằng máy nổ. Các lồng, bè cần sát khuẩn lưới nuôi, xử lý nguồn nước. Trong những ngày thời tiết bất lợi, giảm lượng thức ăn vào buổi tối”.

Đây là thời điểm người dân rất cần sự quan tâm, hỗ trợ từ các cấp chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan để khắc phục những khó khăn, an tâm tổ chức thả nuôi trở lại. Ông Lê Khả Tuyên đề nghị: “Chúng tôi mong muốn có sự hỗ trợ của Nhà nước, các cấp chính quyền để có tiền đầu tư trong đợt tái đàn. Về phía Nhà máy thủy điện có tháo nước phải thông báo bà con biết đường xử lý chứ như đợt vừa rồi bị thiệt hại. Để hạn chế tình trạng cá thiếu oxy, khi có nguồn kinh phí chúng tôi sẽ bắt đường ống phun xả có công suất lớn hơn”.

Đồng hành cùng người dân vượt qua khó khăn, một số trung tâm cá giống trên địa bàn đã có hướng hỗ trợ thiết thực. Ông Nguyễn Hữu Tá, Giám đốc Trung tâm Cá giống Tá Tiến, thị trấn Đăk Hà nói: “Hiện Trung tâm động viên bà con đầu tư tiếp giống, thức ăn cho cá để thu nợ từ từ cho bà con. Trung tâm động viên bà con vẫn chăn nuôi, chúng tôi đã đầu tư xuống giống cho 4 hộ, còn 1 hộ đang chuẩn bị xuống giống”.

Nuôi cá lồng, bè, ngoài yếu tố ngoại cảnh, còn đòi hỏi nhiều yêu cầu, vừa phải có kinh nghiệm, vừa am hiểu các phương pháp kỹ thuật chăm sóc đối với từng loại cá, quan trọng nhất là việc đảm bảo lượng oxy cần thiết trong các lồng nuôi. Hy vọng trong vụ mùa mới, người dân nuôi cá lồng, bè tại Đăk Hà sẽ gặp nhiều thuận lợi, đạt hiệu quả cao.

Diệp Hoàng – Quang Mẫn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *