(kontumtv.vn) – Đồng bào dân tộc Giẻ – Triêng ở xã Đăk Blô (Đăk Glei, Kon Tum) rất tự hào với sự tích núi Nồi Cơm. Theo những người già kể lại, hạt gạo của người Giẻ – Triêng trước đây rất khác biệt so với các vùng khác. Mỗi hạt gạo có thể nấu được một nồi cơm to cho 5- 6 người cùng ăn. Hạt gạo có hương thơm nồng và rất dẻo, ngọt. Cũng nhờ hạt gạo này, đời sống của người Giẻ – Triêng trước đây rất sung túc, luôn no đủ quanh năm.

Ông A Mi, già làng ở thôn Bung Koon, xã Đăk Blô cho biết, sự tích núi Nồi Cơm có tên gọi là Peng Por đã có từ rất lâu rồi, được truyền lại qua nhiều thế hệ cha ông đi trước: “Theo ông già, bà cụ kể lại núi Nồi Cơm là ngày xưa có 1 gia đình, mùa đi làm rẫy, mùa làm cỏ lúa, thì mẹ cứ ngày nào tối nào cũng đi về trước để nấu cơm cho con cháu đi từ rẫy về ăn. Đến một ngày, mẹ bảo con dâu đi về nấu cơm thay mẹ, mẹ dặn rằng con đi về nấu cơm, nếu có khách thì mình nấu 1 hạt rưỡi, nếu không có khách thì nấu 1 hạt thôi. Thế là con dâu đi về, dọc đường con thằn lằn ở bên dọc đường nó chạy xẹt vào rừng, con dâu quên mất, quay lại hỏi mẹ cũng nghe nói giống như lần trước. Đến 2 lần, 3 lần, 4 lần, bà mẹ mới bực mình quá, nói là thôi kệ, con cứ nấu bao nhiêu nấu. Con dâu về đến nhà, nấu cả 1 lon gạo, trong 1 lon gạo đó có cả trăm hạt, cả ngàn hạt. Thế là cơm đã sôi thì nở lên, nở lên dần, nó cứ lên cao dần. Thế là bắt cái ghế, lấy đũa bếp quậy quậy cũng không ăn thua gì, rồi leo lên giàn để củi, để phơi củi trên giàn bếp cũng không ăn thua gì, cuối cùng nó phụt ra, thủng cả cái nóc nhà luôn, nó nở cao lên thành một quả núi, giống quả núi trên trời, thế là đụng ông trời. Ông trời tức quá mới lấy cái kiếm chém hai phát. Phát đầu tiên, ngọn của cơm văng xa ở chỗ khác, bây giờ ở gần biên giới Lào, gần đường biên, đó là 1 một quà đồi, chém phát thứ 2 nữa cũng thành một khúc, văng gần ở đây, ở cổng trời, gọi là Pêng Hu, cái ngọn kia gọi là Pêng Ai. Peng Ai là ngọn, Peng Hu là ở giữa, cái núi Nồi Cơm là gốc, thành núi Nồi Cơm bây giờ”.

Thôn Bung Koon, xã Đăk Blô
Thôn Bung Koon, xã Đăk Blô

Sự tích núi Nồi Cơm không chỉ nói lên chất lượng hạt gạo của người Giẻ- Triêng trước đây, mà còn hàm ý về tinh thần yêu lao động, sản xuất của cha ông. Ngày nay, tuy hạt gạo của người Giẻ – Triêng không nở to như trước, nhưng bà con luôn gắn bó với ruộng đồng để làm ra nhiều hạt gạo, đảm bảo cuộc sống cho gia đình và cộng đồng. Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ, xã Đăk Blô là cái nôi của cách mạng. Bà con luôn một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ, vì mục tiêu hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước. Già làng A Mi kể: “Ngày xưa (năm 1965- 1966) ở xa, gần đất Lào để phát rẫy làm nương, làm tập thể chứ không làm cá nhân. Có người thì đi dân công, đi công tác, tham gia cách mạng, người ở nhà thì làm rẫy. Thế là gom góp lúa chia bà con ăn, còn 1 phần nữa thì làm kho rồi lấy một nữa số mình làm ra hằng năm dồn lại thành một kho để nuôi cách mạng. Cán bộ cachs mạng đi đến làng nào thì làng đó sẽ bí mật nuôi dưỡng để hoạt động”.

Ngày nay, xã Đăk Blô dù còn nhiều khó khăn nhưng đã có nhiều khởi sắc. Từ sự quan tâm, đầu tư của Đảng và Nhà nước, đồng bào Giẻ – Triêng đã dần thoát khỏi đói nghèo; hạ tầng nông thôn được đầu tư đồng bộ, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. Ông A Tĩnh (thôn Bung Koon) cho biết, nhờ sự quan tâm của Nhà nước về đầu tư cây, con giống và nguồn vốn vay, đến nay, dời sống gia đình ông đã ổn định với 1ha cây cà phê catimor, 6 con trâu và 6 sào lúa nước: “Ngày xưa nói chung là rất khó khăn. Nhờ Đảng, Nhà nước hỗ trợ Chương trình 135, 167 hỗ trợ các chính sách cho gia đình hộ nghèo, đến nay thôn cơ bản ổn định. Trâu, cây giống như cà phê, bời lời cũng được Nhà nước hỗ trợ, gia đình cũng làm cái nhà xây, cũng được ổn định, chăn nuôi cũng đảm bảo ổn định, một năm bán được 1- 2 con, 1 con ở đây cũng được 30 triệu”.

Đến nay, xã Đăk Blô đã phát triển được 290 ha cây nông nghiệp; trong đó cà phê 123 ha, cây bời lời 135 ha, một số loại cây ăn quả và cây dược liệu đang được người dân trồng thử nghiệm để phát triển kinh tế gia đình. Đàn gia súc hiện có gần 1.000 con, tạo nguồn thu nhập đáng kể cho nhân dân.

Cơ sở vật chất về giáo dục và y tế tại xã Đăk Blô tiếp tục được quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi về học tập và chăm sóc sức khỏe người dân; nhiều công trình đường giao thông nông thôn, điện chiếu sáng, hệ thống thủy lợi đáp ứng tốt nhu cầu cho bà con. Công tác an sinh xã hội và chăm lo đời sống các gia đình chính sách được thực hiện kịp thời và có hiệu quả. Tỉ lệ hộ nghèo giảm dần qua từng năm, đến nay, xã chỉ còn 156 hộ nghèo và 19 hộ cận nghèo. Ông A Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Blô, cho biết: “Riêng cây trồng hiện nay Nhà nước đầu tư cây cà phê, cây bời lời, con giống như trâu bò đầu tư cho hộ nghèo để phát triển, để sinh sản trên địa bàn và một số cây dược liệu khác hiện nay đang nghiên cứu và chuẩn bị đầu tư. Nói chung là hồi xưa không có cây con giống Nhà nước đầu tư trên địa bàn thì rất nghèo. Hiện nay nhà thì khang trang, xe máy thì bà con đã có”.

Tại khu vực của núi Nồi Cơm, các thế hệ người Giẻ- Triêng vẫn luôn nỗ lực, hăng say lao động sản xuất, hướng đến cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc, chung tay với cộng đồng các dân tộc khác xây dựng tỉnh Kon Tum phát triển ổn định và bền vững.

Tấn Thành – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *