(kontumtv.vn) – Vượt qua mặc cảm, khó khăn của cuộc sống, đồng thời tranh thủ tốt sự hỗ trợ tiếp sức của xã hội, nhiều người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã và đang khẳng định mình trong cuộc sống. Đó là những tấm gương giàu nghị lực đáng được học hỏi, biểu dương.

Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và của cấp ủy, chính quyền địa phương, phần lớn người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Kon Tum được hưởng chế độ chính sách theo quy định, được trợ giúp phát triển sinh kế, trợ giúp pháp luật và được tư vấn để tự tin hòa nhập cộng đồng. Theo đó, người khuyết tật được tạo điều kiện để học nghề, được vay vốn để phát triển sản xuất; được quan tâm, chăm lo về y tế, sức khỏe. Chị Y Thanh ở xã Ia Chim, thành phố Kon Tum chia sẻ, từ bé chị đã sống ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh và bản thân gặp muôn vàn khó khăn khi cánh tay bị liệt. Năm 2011, chị rời Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh để lập gia đình ra ở riêng tại xã Ia Chim, thành phố Kon Tum. Khó khăn càng chồng chất  vì gia đình chị thiếu đất sản xuất, chưa có nhà ở, thiếu vốn làm ăn. Không chịu cảnh nghèo đói, chị Y Thanh cùng chồng từng bước thoát nghèo. Hiện nay, chị Y Thanh mở cửa hàng mua bán nhỏ và mở tiệm Internet tại nhà riêng của mình. Chị chia sẻ: “Vợ chồng lấy nhau không có chỗ mua bán làm ăn nên thu nhập bấp bênh. Từ năm 2011 vợ chồng em được  Hội hỗ trợ cho mái vòm để có chỗ buôn bán nên từ đó vợ chồng đã thoát nghèo và cuộc sống ổn định hơn rất nhiều”.

Tặng quà cho người khuyết tật
Tặng quà cho người khuyết tật

Đồng hành, chia sẻ cùng người khuyết tật, Hội Bảo vệ quyền trẻ em và Bảo trợ người khuyết tật tỉnh Kon Tum đã góp phần không nhỏ trong việc giúp người khuyết tật vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Những năm qua, Hội đã vận động, hỗ trợ người khuyết tật xây dựng hàng chục căn nhà, chăn nuôi nhiều trâu bò, hỗ trợ hàng trăm xe lăn, xe lắc và xây dựng nhiều mô hình sản xuất. Riêng năm 2019, Hội đã vận động được gần 4,3 tỉ đồng để giúp người khuyết tật vượt khó vươn lên. Bà Vũ Thị Minh Huệ, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em và Bảo trợ người khuyết tật tỉnh Kon Tum nói: “Năm 2020 Hội chúng tôi tích cực hơn trong công tác vận động để tạo ra nguồn quỹ lớn hơn để tiếp tục hỗ trợ cho người khuyết tật làm được việc, đó một phần giúp cho người khuyết tật vươn lên hiệu quả, thứ hai là là để tạo lòng tri ân đối với các tổ chức, cá nhân các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đã đồng hành với Hội trong nhiều năm qua”.

Được quan tâm, nhiều người khuyết tật có thể tự nuôi sống bản thân. Một số người khuyết tật đã thoát nghèo, có thu nhập khá. Tiêu biểu  là nhóm khuyết tật Tự Lực ở xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum với 7 thành viên; hiện nay đã có việc làm và thu nhập ổn định. Anh Lê Văn Thạnh (thôn 5, xã Đoàn Kết), nhóm trưởng nhóm khuyết tật Tự Lực chia sẻ: “Nhờ chính quyền địa phương và bên Hội hỗ trợ, rồi có dự án hỗ trợ cho mô hình làm chổi đót. Tới nay nhóm duy trì nhóm được 3 năm rồi. Nói chung khó khăn cũng có nhưng đa số các thành viên giúp đỡ lẫn nhau, tới bây giờ mô hình tương đối ổn định, tạo thu nhập cho các thành viên”.

Tỉnh Kon Tum hiện có trên 6.000 người khuyết tật, gần 2.500 người khuyết tật hoàn cảnh khó khăn và đặc biệt khó khăn. Mặc dù điều kiện kinh tế, xã hội còn hạn chế, nhưng tỉnh luôn quan tâm, chăm lo, hỗ trợ, giúp đỡ người khuyết tật. Đây chính là sự cổ vũ, động viên giúp người khuyết tật tự tin hơn trong cuộc sống. Ông Nguyễn Duy Nam, thành viên nhóm khuyết tật Tự Lực nói: “Tôi thấy chính quyền các cấp, Hội Bảo trợ cũng quan tâm rất nhiều đến người khuyết tật về kiến thức rồi hỗ trợ bò, heo các thứ  để đưa đời sống chúng tôi vươn lên, tôi thấy tự tin nhiều”.

Tinh thần vượt khó, xóa bỏ mặc cảm tự ti để hòa nhập cộng đồng, vươn lên khẳng định bản thân của người khuyết tật trên địa bàn tỉnh rất đáng trân trọng. Họ là những tấm gương tiêu biểu về nghị lực sống.

Văn Hiển – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *