(kontumtv.vn) – Với giá cả bấp bênh, lại thêm đơn vị thu mua ép phải thu hoạch mía chậm, bà con nông dân trên địa bàn tỉnh Kon Tum đang lao đao vì cây mía.

Ôm mộng làm giàu từ cây mía, ông Trần Đình Hân (thôn Rờ Kơi, xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy) đã đầu tư phát triển trên 200 ha mía nguyên liệu. Thế nhưng với ông Trần Đình Hân, cây mía không hề ngọt. Bởi lẽ, cây mía đã biến ông từ một nông dân giàu có rơi vào cảnh nợ nần. Niên vụ 2017- 2018 ông chỉ còn 17 ha mía. Thế nhưng, với chính sách thu mua chậm của Công ty Cổ phần Đường Kon Tum, một lần nữa ông Hân thất thu từ cây mía. Khi được hỏi vụ sắp tới anh có trồng mía nữa hay không, anh Hân khẳng định: “Tôi trả lời thẳng thắn, dứt khoát là không. Không thể làm được nữa, với tình hình hiện nay, với cách thu mua này không thể làm được nữa”.

Mía thu hoạch muộn gây thiệt hại nặng cho nông dân
Mía thu hoạch muộn gây thiệt hại nặng cho nông dân

Với chính sách chậm rãi, khoan thai trong thu mua nguyên liệu niên vụ 2017-2018, Công ty Cổ phần Đường Kon Tum đã khiến nhiều hộ nông dân lao đao vì phải ăn ngủ ngoài ruộng mía hai ba tháng trời. Bà con lo buồn vì từng ngày, từng giờ nhìn cây mía bị khô héo. Cam chịu là tâm lý của người nông dân khi họ chỉ có một đối tác duy nhất để bán mía. Ông Nguyễn Minh Mẫn (388 Đào Duy Từ, thành phố Kon Tum) nói: “Mía nó khô, chữ đường lại không có. Mía nó quá lứa nên người nông dân chúng tôi thấy rất thiệt thòi”.

Thông thường, 1 ha mía giống cao sản nếu chăm sóc tốt, vào thời điểm chính vụ, năng suất bình quân khoảng 100 tấn mía cây. Trữ lượng đường từ 7-10 chữ. Cũng 1 ha mía này, nếu thu hoạch muộn từ 2-3 tháng, năng suất và trữ lượng đường sẽ giảm từ 20-30%. Như vậy, với chủ trương mua mía chậm, giá mía phụ thuộc vào sản lượng và chữ đường thực tế tại thời điểm thu hoạch, Công ty Cổ phần Đường Kon Tum không hề có trợ giá cho những ruộng mía thu hoạch chậm. Điều này làm cho người trồng mía thiệt thòi mỗi ha mía hàng chục triệu đồng.  Đây cũng là vấn đề mà cấp ủy, chính quyền các địa phương có vùng nguyên liệu mía bức xúc. Ông Nguyễn Văn Luận, Chủ tịch UBND xã Chư Hreng, thành phố Kon Tum nói: “Làm sao người dân phải có lợi từ sản xuất cây mía, bên cạnh đó có chính sách ưu đãi cho người dân. Đối với người thu hoạch trước như thế nào, thu hoạch sau như thế nào. Có như thế chúng ta mới tuyên truyền cho người dân phát triển vùng nguyên liệu mía, cũng như giữ vững vùng nguyên liệu mía cho những năm tiếp theo”.

Vụ mía 2017-2018 đã khép lại với nỗi lo về sự bấp bênh của cây mía đè nặng lên đôi vai của bà con nông dân. Họ chính là đối tác quan trọng để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy của Công ty Cổ phần Đường Kon Tum hoạt động.

                                                Văn Hiển – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *