(kontumtv.vn) – “Thấy tôi trồng tiêu, ban đầu, không ít người ái ngại. Trước giờ, ở vùng biên giới này, ngoài cao su ra, chưa có loại cây công nghiệp nào được đưa vào trồng. Nhưng qua nghiên cứu điều kiện đất đai, khí hậu và tìm hiểu kỹ thuật trồng, chăm sóc loại cây công nghiệp khá khó tính này, tôi tin mình sẽ thành công…”. Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Sĩ Tuấn, người đầu tiên đưa cây tiêu vào địa bàn huyện mới Ia HDrai, vùng biên giới tây nam của tỉnh Kon Tum.

Xa trung tâm huyện Ia H’Drai và nằm khuất sau những cánh rừng cao su bạt ngàn, vườn tiêu 7,5 sào của ông Nguyễn Sĩ Tuấn đã phủ trụ xanh mướt. Là cán bộ quản lý nông trường cao su, nhưng ông Tuấn đã mạnh dạn đầu tư trồng cây tiêu với mong muốn đa dạng các loại cây trồng, đem lại hiệu quả kinh tế cao ở vùng biên giới. Ông Tuấn nói: “Tôi thấy đất đai và điều kiện khí hậu ở đây rất thích nghị với tiêu và cà phê, nên tôi mạnh dạn đưa cây tiêu vào đầu tư. Qua  2 năm nhìn nhận, thấy cây tiêu rất  thích  hợp với điều kiện khí hậu và đất đai nơi đây”.

Vườn tiêu gia đình ông  Nguyễn Sĩ Tuấn
Vườn tiêu gia đình ông Nguyễn Sĩ Tuấn

Tháng 7 năm 2013, ông Tuấn trồng 1.000 trụ tiêu bằng giống tiêu Lộc Ninh. Trong quá trình trồng và chăm sóc, cây tiêu được đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật. Hệ thống lưới che được lắp đặt để hạn chế nước xối trong mùa mưa và chắn bớt nắng cho vườn tiêu trong mùa khô. Ông Tuấn chia sẻ: “Về nguồn nước thì tại đây rất đồi dào, khe suối rất nhiều. Mình thuê máy đắp hồ trữ nước. Cây tiêu cũng yêu cầu là nước sạch chứ không được bẩn nên mình phải đào hồ riêng chứ không phải nước suối, nhiều lúc nó dẫn đến sâu bệnh”.

Để chủ động phòng bệnh chết nhanh chết chậm, trước hết, ông Tuấn luôn đảm bảo chăm bón hợp lý và chu đáo theo quy trình kỹ thuật, tạo không gian vườn thoáng mát cho vườn tiêu, tránh ngập úng vào mùa mưa, không lạm dụng thuốc hóa học mà sử dụng chủ yếu các loại phân hữu cơ, phân vi sinh và chủ động dùng thuốc bảo vệ thực vật  một cách hợp lý. “Trong quá trình trồng, cây tiêu rất mẫn cảm với bệnh chết nhanh và chết chậm. Bà con mình phải lưu ý đầu mùa mưa cần phun thuốc kịp thời, giữa mùa phun một lượt và đến cuối mùa mưa, đầu mùa khô chúng ta xử lý lần nữa là đảm bảo”. Ông Tuấn nói.

Hơn 2 năm qua, vườn tiêu của ông Nguyễn Sĩ Tuấn sinh trưởng và phát triển rất tốt. Vụ thu bói năm 2015, vườn tiêu 7,5 sào đạt 8 tạ hạt. Giá bình quân hơn 170.000 đ/ kg, ông Tuấn thu 150 triệu đồng. Với đà phát triển của vườn tiêu, năm 2016, nếu giá cả vẫn ổn định, khả năng hoàn vốn đầu tư của ông Tuấn khoảng 700 triệu đồng nằm trong tầm tay. Không chỉ thử nghiệm thành công mô hình trồng tiêu, ông Nguyễn Sĩ Tuấn còn chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn anh em công nhân trồng và chăm sóc cây tiêu; mở ra triển vọng giảm nghèo, tăng thu nhập cho công nhân và bà con nông dân tại địa bàn huyện mới Ia H’Drai.

                                                                     Nghĩa Hà – Duy Phong

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *