(kontumtv.vn) – 3 tháng đầu năm 2018, tỉnh Kon Tum ghi nhận 04 ca tử vong vì bệnh dại, tăng đột biến so với các năm trước đây. Ngành Y tế tỉnh nhận định nguy cơ bùng phát dịch bệnh dại trên địa bàn là rất cao. 

Trường hợp em A Khơ, 7 tuổi (thôn Klâu Ngol Zố, xã Ia Chim, thành phố Kon Tum) là một trong 04 ca tử vong do bệnh dại ghi nhận đến thời điểm hiện nay. Gia đình cho biết, sau 01 ngày phát bệnh với các triệu chứng co giật, khó thở, sợ nước, sợ gió, người bứt rứt, em Khơ tử vong vào ngày 23/3/2018. Trước đó khoảng 02 tháng, em có tiếp xúc với chó dại nhưng không được tiêm phòng. Anh A Thoăn, người nhà nạn nhân nói: “Bệnh chó dại là bệnh nguy hiểm nhất. Mong dân làng, mọi người hiểu để phòng chống bệnh dại. Khi gặp chó dại cắn đi ra tiêm phòng ngay chứ không để lâu”.

Khi bị chó, mèo cào cắn, nên đến cơ sở y tế tiêm phòng
Khi bị chó, mèo cào, cắn, nên đến cơ sở y tế tiêm phòng

Báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kon Tum cho thấy, trong 04 ca mắc bệnh dại, có 03 trường hợp ở các xã Ia Chim, Ngọc Bay, Đăk Rơ Wa của thành phố Kon Tum và 01 trường hợp ở thôn Lanh Tôn, xã Đăk Môn, huyện Đăk Glei. Tất cả đều từ 7 – 11 tuổi, là người dân tộc thiểu số, tử vong do không tiêm phòng vắc xin và điều trị dự phòng sau phơi nhiễm. Ngành Y tế tỉnh cho biết nguy cơ bùng phát thêm ổ dịch trên địa bàn tỉnh là rất cao. Vì đến nay, số lượng người bị chó dại cắn chưa thống kê được. Trong khi đó, việc quản lý, tiêm vắc xin phòng bệnh dại trên đàn chó, mèo hiện nay rất hạn chế. Năm 2017, chỉ khoảng 25% tổng đàn chó toàn tỉnh được tiêm vắc xin. Ông Đào Duy Khánh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kon Tum cho biết: “Khi khảo sát thì thấy rằng, mức độ phơi nhiễm ngoài cộng đồng rất cao. Tức là trong vòng 03 năm trở lại đây, có hiện tượng chó, mèo cắn hoặc cào, số đối tượng này rất nhiều và chưa đi tiêm phòng. Đặc điểm nữa là khi khảo sát ở vùng Đăk Môn, Đăk Glei thì hầu như vấn đề tiêm phòng cho chó là chưa có, nếu có rất ít. Cho nên đánh giá của ngành Y tế, nếu tình hình này mà không có biện pháp ngăn chặn một cách kịp thời thì nguy cơ số lượng tử vong ngoài cộng đồng còn tăng cao trong thời gian đến”.

Trước nguy cơ có thể phát sinh thêm các ổ dịch bệnh dại trên địa bàn, ngành Y tế tỉnh Kon Tum đẩy mạnh triển khai các giải pháp phòng chống. Ông Đào Duy Khánh nói: “Chúng tôi đã thống nhất, tất cả các trường hợp bị phơi nhiễm, tức là bị chó, mèo cắn hoặc cào trong thời gian 03 năm trở lại đây đều phải được tiêm phòng trong thời gian sớm nhất. Số lượng tiêm phòng có thể là 03 – 05 mũi. Chúng tôi trước mắt vận động người dân thực hiện tiêm phòng, bởi vì hiện nay chương trình tiêm chủng không có vắc xin này. Những trường hợp nào thuộc diện hộ nghèo hoặc những đối tượng chính sách khác chúng tôi sẽ sử dụng nguồn kinh phí chống dịch để triển khai sớm”.

Về lâu dài, ngành Y tế tỉnh sẽ triển khai tiêm vắc xin phòng dại tại các cơ sở y tế cùng với thời điểm tiêm phòng những loại vắc xin khác để ngăn ngừa tỷ lệ tử vong do bệnh dại gây ra; phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương thực hiện tiêm phòng bệnh dại trên đàn chó, mèo; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong phòng, chống bệnh dại.

Thu Trang – Ngọc Chí 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *