(kontumtv.vn) – Vào tháng 4/2016, Công ty Cổ phần Fococev Tây Nguyên đã khởi công xây dựng Nhà máy chế biến tinh bột sắn tại thôn 11 (Đăk Ruồng, Kon Rẫy, Kon Tum). Mặc dù nhà máy chưa đi vào hoạt động, nhưng đã gây nhiều nỗi lo cho người dân ở đây về nguy cơ môi trường bị ô nhiễm.

Theo Quyết định số 248, ngày 18/3/2016 của UBND tỉnh Kon Tum, Nhà máy chế biến tinh bột sắn Kon Rẫy được xây dựng trên diện tích gần 35 ha, với công  suất thiết kế 40.000 tấn thành phẩm/năm. Việc xây dựng nhà máy ở đây đã làm cho người dân lo lắng. Chị Y Hương (làng Kon Slạt, thôn 12, xã Đăk Ruồng) nói: “Họ xây nhà máy mì ở đây chúng tôi vừa mừng, vừa lo. Mừng vì có việc làm cho bà con, lo là bà con ở dưới bị ô nhiễm môi trường”.

Vị trí xây dựng Nhà máy chế biến tinh bột sắn huyện Kon Rẫy
Vị trí xây dựng Nhà máy chế biến tinh bột sắn huyện Kon Rẫy

Căn cứ theo Quyết định số 209 ngày 9/3/2017 của UBND tỉnh Kon Tum thì nước thải Nhà máy chế biến tinh bột sắn Kon Rẫy sau khi xử lý phải đạt cột A Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về nước thải công nghiệp.Đại diện Công ty Cổ phần Fococev Tây Nguyên, chủ đầu tư Nhà máy chế biến tinh bột sắn Kon Rẫy cho biết: Với công nghệ châu Âu, nên quy trình sản xuất của nhà máy sẽ hạn chế mùi hôi, đồng thời nước thải sẽ được xử lý theo đúng quy định. Ông Trần Văn Thoại, đại diện nhà máy nói: “Bên cạnh việc tuân thủ theo nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường thì doanh nghiệp không vì lợi nhuận mà đánh đổi môi trường, làm ảnh hưởng đến sinh thái và môi trường người dân xung quanh”.

UBND huyện Kon Rẫy cùng Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum cũng đã cam kết sẽ thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời ngăn chặn, xử lý nếu doanh nghiệp vi phạm. Ông Huỳnh Minh Chương, Chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy cho biết: “Chúng tôi sẽ giám sát thường xuyên thông qua thông tin phản ánh của nhân dân, thông qua các chỉ tiêu sinh hóa của nguồn nước thải và thông qua quan trắc tự động, đề nghị nhà máy thực hiện nghiêm cam kết với chính quyền địa phương và với tỉnh”.

Mặc dù được nghe cam kết của nhà máy về bảo vệ môi trường, nhưng người dân ở xã Đăk Ruồng nói riêng và người dân sử dụng nguồn nước sông Đăk Bla nói chung vẫn cảm thấy không an tâm.

Theo thiết kế, nước thải sau xử lý của Nhà máy chế biến tinh bột sắn Kon Rẫy sẽ được đưa ra suối Đăk Năng. Trên đoạn suối này công ty sẽ xây dựng đập tràn để nuôi cá, nuôi bèo  kiểm chứng chất lượng nguồn nước.

Nước thải của nhà máy sẽ theo suối Đăk Năng chảy ra sông Đăk Bla và người dân ở đây lo lắng suối Đăk Năng và môi trường xung quanh bị ô nhiễm là có cơ sở. Bởi lẽ trong thực tế nhiều nhà máy cam kết bảo vệ môi trường, tuy nhiên trong quá trình hoạt động lại làm môi trường bị ô nhiễm.

                                                          Văn Hiển – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *