(kontumtv.vn) -PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: “Với cách tính như hiện nay, năm nay thi tốt nghiệp THPT có thể học sinh sẽ đỗ 100%”.

Bộ Giáo dục Đào tạo vừa công bố Thông tư về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp Trung học phổ thông. Theo đó, môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông gồm 4 môn; trong đó có  2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn; 2  môn do thí sinh tự chọn trong số các môn: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí, Ngoại ngữ.

Thời gian làm bài đối với mỗi môn thi: Toán và Ngữ văn: 120 phút;  Lịch sử và Địa lí: 90 phút; Vật lí, Hóa học, Sinh học và Ngoại ngữ: 60 phút. Như vậy thời gian làm môn Toán, Ngữ văn đã giảm từ 150 phút xuống 120 phút.

Hoàn toàn chủ động để ra đề phù hợp với 120 phút

Việc ra Quy chế này của Bộ nhận được sự quan tâm của dư luận. PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, ông rất hoan nghênh của trương giảm thời gian làm bài ở 2 môn thi bắt buộc là Toán và Ngữ văn, vì thực tế để đánh giá trình độ học sinh thì 120 phút cũng là đủ, không cần nhiều hơn. “Không cần kéo dài thời gian thi của học sinh đến 150 phút. Với lứa tuổi của các em, 120 phút là vừa phải, nhẹ nhàng, không nên bắt các em phải chịu căng thẳng trong suốt 2 tiếng rưỡi. Việc này giảm được áp lực cho các em. Việc ra đề phù hợp với thời gian thi 120 phút hoàn toàn chủ động được”.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT

Về quy định 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn, 2  môn do thí sinh tự chọn, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng, nếu thi để đánh giá trình độ học sinh, Bộ GD-ĐT nên bắt buộc 4 môn, gồm: Môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Ngoại ngữ. Đây là những môn cơ bản ở phổ thông, còn các môn tự chọn khác thì giao quyền tự chủ cho các trường.

“Đằng nào học sinh cũng thi 4 môn, nên việc thi bắt buộc có cả môn Ngoại ngữ và Lịch sử không ảnh hưởng tới số lượng các môn thi. Nhưng việc đánh giá trình độ phổ thông, phải đánh giá được 4 môn học đó. Như vậy, Bộ GD-ĐT cũng đỡ vất vả hơn. Còn phần tự chọn giao cho các trường, học sinh thi vào ngành nào liên quan đến môn nào thì thi môn đó. Chẳng hạn, sau khi đánh giá 4 môn bắt buộc, em nào thi vào ngành có môn Hóa thì em đó sẽ chọn môn học này… Như vậy, kỳ thi sẽ hiệu quả hơn nhiều, vừa đánh giá được trình độ phổ thông, vừa đạt được tự chủ tuyển sinh của các trường và học sinh được tuyển vào đúng các ngành nghề lựa chọn”.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng, việc tổ chức thi tốt nghiệp như vậy cũng đã có cải tiến. Tuy nhiên, thí sinh thi môn tự chọn nào ở kỳ thi tốt nghiệp THPT thì sau 1 tháng lại thi lại đúng môn đó ở kỳ thi Đại học, như vậy 2 kỳ thi vẫn chưa hiệu quả. “Ví dụ, kỳ thi tốt nghiệp THPT học sinh thi 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn. Em nào ban A thì chọn Lý Hóa, ban B thì chọn Hóa Sinh… thì sau 1 tháng thì các em lại thi lại tất cả những môn như thế”- Ông Nhĩ nói.

Nguyên Thứ trưởng Trần Xuân Nhĩ cho rằng, là người Việt Nam thì Ngữ văn hiển nhiên là môn thi bắt buộc. Còn thi Toán để đánh giá khả năng tư duy của học sinh. Thi Ngoại ngữ và rất cần thiết trong điều kiện hiện nay. Việt Nam đang hội nhập với quốc tế, nếu không có trình độ ngoại ngữ thì không thể nào hội nhập được. “Muốn các nước vào Việt Nam đầu tư và muốn đi ra các nước để học hỏi, đầu tư, bắt buộc phải giao tiếp được bằng tiếng nước ngoài. Vì thế trong thời buổi hội nhập, bắt buộc phải có ngoại ngữ”- Ông Nhĩ nói.

Còn lý giải về việc ông đề xuất Lịch sử là môn bắt buộc, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng, Việt Nam có một lịch sử rất đáng tự hào. Điều đó phải giáo dục cho thanh niên và bắt buộc họ phải học và thi môn Lịch sử. “Vừa qua, học sinh không thích học Lịch sử là vì phương pháp dạy quá nhiều số liệu, không hấp dẫn. Còn nói về sự kiện, thì không ai không tự hào nước ta có Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Điện Biên Phủ, 30/4… Đây là những sự kiện rất đáng tự hào của người Việt Nam và chắc chắn học sinh cũng rất thích tìm hiểu về các sự kiện này”.

100% học sinh sẽ đỗ tốt nghiệp THPT

Trong Quy chế Bộ mới đưa ra quy định, việc xét tốt nghiệp còn xét cả điểm học lực ở lớp 12 của mỗi học sinh. Cụ thể: Điểm xét tốt nghiệp = tổng điểm 4 bài thi + điểm khuyến khích (nếu có) chia cho 4, rồi cộng điểm trung bình cả năm lớp 12 rồi chia 2. Điểm xếp loại tốt nghiệp=Điểm trung bình 4 bài thi+Điểm trung bình cả năm lớp 12 rồi chia 2.

Ông Trần Xuân Nhĩ cho rằng, nếu đánh giá trình độ học sinh và chất lượng đào tạo, không chỉ riêng lớp 12 mà  phải đánh giá quá trình cả 3 năm học PTTH gồm lớp 10, 11, 12. Trong tình hình hiện tại, không nên cơ cấu 50/50 mà chỉ nên cơ cấu 30/70. Nghĩa là cộng điểm của 3 năm lớp 10, 11, 12 sau đó chia trung bình và số điểm này chỉ cơ cấu 30% để đánh giá tốt nghiệp PTTH. Vì nếu Bộ chỉ đánh giá năm học lớp 12 và trong tình hình hiện nay, khi mà hiện tượng tiêu cực ở các nhà trường vẫn còn thì việc tính điểm xét tuyển như vậy sẽ không sát với chất lượng học. Việc chỉ lấy điểm năm lớp 12, nhất là trong thời điểm hiện tại chưa kết thúc năm học, cho nên các trường vẫn có thể “luồn lách” để thay đổi, nâng điểm cho học sinh.

Ví dụ, 1 em học sinh ở mức độ dưới trung bình, các năm lớp 10 nếu đạt 4 điểm, lớp 11 đạt 4 điểm và nếu ở lớp 12, bằng một cách nào đó, em đó được nâng lên 7 điểm. Và khi thi, nếu cộng 7 điểm này với điểm trung bình các môn thi thì học sinh đó chỉ cần 3 điểm. Khi chia trung bình, học sinh này vẫn đạt 5 điểm, nghĩa là vẫn đỗ tốt nghiệp.

Nhưng nếu xét cả quá trình trong suốt 3 năm học cấp PTTH, nếu kể cả khi em đó “chạy” được 7 điểm năm lớp 12, thì trung bình 3 năm mới đạt (7+4+4)/3 bằng 5 điểm. Vậy khi thi tốt nghiệp em đó phải đạt điểm trung bình là 5 mới đỗ tốt nghiệp và điểm 5 này gần với thực chất hơn, kể cả khi có tiêu cực.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng, nếu tính cả quá trình, kể cả trong trường hợp xét điểm tốt nghiệp theo tỷ lệ 50/50 thì việc tính điểm trung bình cả 3 năm học THPT cũng chỉ mới quyết định được 50%, còn điểm thi 4 môn quyết định 50%.

“Còn nếu tính chỉ xét điểm năm lớp 12 và trong tình hình tiêu cực hiện nay, điểm trung bình trong quá trình chỉ nên tính 30%, còn 70% là do điểm thi 4 môn quyết định. Như thế sẽ sát với thực tế hơn”- Ông Nhĩ đề xuất.

“Tôi cũng đồng tình với ý kiến của GS Văn Như Cương cho rằng, với cách tính như hiện nay, năm nay thi tốt nghiệp THPT có thể học sinh sẽ đỗ 100%. Mà một cuộc thi có sự sàng lọc, giống như sàng gạo, nếu tất cả đều rơi xuống hết thì sàng để làm gì?”- PGS.TS Trần Xuân Nhĩ trăn trở./.

Minh Hòa/VOV online

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *