(kontumtv.vn) – Chiến sĩ Nhà giàn DK1 trực tiếp chốt giữ, làm nhiệm vụ trên các Nhà giàn thuộc thềm lục địa phía Nam, đối mặt muôn vàn khó khăn, gian khổ, khắc nghiệt.
Trong lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam, biển, đảo luôn là một phần thiêng liêng không thể tách rời, không thể chia cắt, đó là xương máu, là ý chí và khát vọng từ ngàn đời của cha ông ta. Bằng công sức, mồ hôi, nước mắt và cả tính mạng bao đời, các thế hệ người Việt đã xác lập, quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên Biển Đông; xác lập, quản lý, bảo vệ và khẳng định chủ quyền tuyệt đối, chủ quyền vững chắc của quốc gia dân tộc với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Sau sự kiện ngày 14/3/1988, dự báo trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, ngày 5/7/1989, Nhà nước ta quyết định thành lập Cụm Kinh tế – Khoa học Dịch vụ trên thềm lục địa phía Nam trực thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. 30 năm đã trôi qua, các thế hệ cán bộ, chiến sỹ Quân chủng Hải quân, trực tiếp là cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn DK1 – Vùng 2 Hải quân đã gác lại những tình cảm riêng tư, tình nguyện gắn bó với biển, trực tiếp chốt giữ, làm nhiệm vụ trên các Nhà giàn thuộc thềm lục địa phía Nam, đối mặt với âm mưu, ý đồ của nước ngoài xâm phạm chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc; đối mặt với muôn vàn khó khăn, gian khổ và khắc nghiệt của biển cả.
Trung tá Nguyễn Văn Hiền – Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/18 cho biết: “Nhà giàn là điểm tựa cho ngư dân đánh bắt cá trên biển. Có những lúc họ thiếu nước ngọt, xăng dầu, đồ ăn hoặc ốm đau bệnh tật thì chúng tôi có thể hỗ trợ. Cũng có khi ngư dân cho chúng tôi con cá… Tình cảm quân dân tạo điều kiện cho nhau những lúc khó khăn. Chúng tôi xác định quân với dân là một. Dân ra đây đánh bắt cá cũng là nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền”.
Vào các năm 1990, 1996, 1998 và năm 2000, bão tố và sức tàn phá khủng khiếp đã làm đổ một số Nhà giàn – nơi cán bộ, chiến sỹ Hải quân đang thực hiện nhiệm vụ. Trong thời khắc giữa sự sống và cái chết, các anh đã tỏ rõ lòng trung thành vô hạn với với Tổ quốc, với nhân dân; vẫn bình tĩnh, kiên cường bám trụ với tinh thần “còn người, còn nhà giàn, còn Tổ quốc”.
Tại lễ tưởng niệm các cán bộ, chiến sĩ Hải quân đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ tại Nhà giàn DK1 và trên Thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, Đại tá Phạm Văn Quý – Quân chủng Hải quân đã dẫn lại những tấm gương hy sinh cao cả của cán bộ, chiến sỹ Nhà giàn DK1/2 Phúc Tần, khi cơn bão số 10 đi vào khu vực Nam Biển Đông vào chiều ngày 4/12/1990, với sức gió giật trên cấp 12, tạo ra những cơn sóng dữ, to lớn như muốn nuốt lấy Nhà giàn. Đêm đen ập xuống, sức gió mỗi lúc một mạnh lên, Nhà giàn bị quật đổ và cuốn trôi theo cả 8 cán bộ, chiến sỹ, 3 chiến sĩ đã không trở về. Trong đó không thể quên được tấm gương hy sinh tất cả vì đồng đội của Thượng úy Nguyễn Hữu Quảng – Trạm phó Chính trị Nhà giàn DK1/2 Phúc Tần. Trong cận kề giữa sự sống và cái chết, anh đã nhường chiếc phao cá nhân và miếng lương khô cuối cùng của mình cho người chiến sỹ yếu nhất để rồi thanh thản đi vào lòng biển sâu trong tuyệt vọng của đồng đội.
Mặc dù lực lượng cứu hộ đã làm hết sức mình, nhưng 3 đồng chí là Đại uý Vũ Quang Chương, Chuẩn úy QNCN Nguyễn Văn An, Chuẩn úy QNCN Lê Đức Hồng đã gửi lời chào“Vĩnh biệt đất liền” để rồi thanh thản ra đi, mãi mãi nằm lại với biển khơi. Còn đó, tấm gương dũng cảm của Thượng uý Phạm Tảo, Thượng úy QNCN Trần Văn Là, Chuẩn úy Lê Tiến Cường, chiến sỹ Tạ Ngọc Tú, Hồ Văn Hiền…. những người đã bất chấp hiểm nguy, sẵn sàng vì đồng đội thân yêu mà hy sinh thân mình không một chút đắn đo, suy tính. Các anh đã vĩnh viễn hóa thân vào biển cả để giấc ngủ đồng đội được bình yên; để hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ – Người chiến sỹ Hải quân” sẽ mãi mãi bất tử trong lòng mỗi người dân Việt Nam.Không thể nào quên hành động cao đẹp của Liệt sỹ, Đại uý Trạm trưởng Vũ Quang Chương và 8 cán bộ, chiến sỹ Nhà giàn DK1/16 Phúc Nguyên, trước sự hung dữ và tàn khốc của cơn bão số 8 năm 1998. Nhà giàn bị nghiêng lắc, rung chấn dữ dội.. . nhưng vẫn kiên trì bám trụ, giữ vững thông tin liên lạc với Sở chỉ huy; bình tĩnh, dũng cảm, kiên cường chống chọi với những trận cuồng phong giữa đêm đen mịt mùng; nhưng sức người có hạn, Nhà giàn bị đổ và cuốn đi cả 9 đồng chí.
Đoàn công tác số 9/2019 thăm và làm việc tại Nhà giàn DK1/18. |
Dẫu biết vinh quang nào mà chẳng có mất mát hy sinh; hạnh phúc nào mà không phải đổi bằng mồ hôi, nước mắt. Sự dâng hiến của các anh đã góp phần làm nên giá trị thiêng liêng của non sông đất nước, tinh hoa của dân tộc.
Hương trầm quyện gió tỏa quanh/ Vòng hoa đất mẹ dệt thành huân chương/ Sống không mưu lợi tầm thường/ Hồn thiêng thanh thản ở nơi vĩnh hằng./.
An Nhi/VOV.VN