(kontumtv.vn) – Thực hiện dân chủ cơ sở của ngành y tế không chỉ nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phục vụ mà còn phải vận động người dân có nếp sống, sinh hoạt lành mạnh, chủ động phòng chống dịch bệnh, tích cực tham gia BHYT. Còn đối với các bệnh viện, thực hiện dân chủ cơ sở góp phần đẩy mạnh công khai, minh bạch, tăng cường tự chủ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh thực hiện dân chủ cơ sở tốt sẽ nâng cao chất lượng dân vận nhân dân, dân vận chính quyền. Ảnh: VGP/Đình Nam

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về thực hiện quy chế dân chủ cơ sở đã nhấn mạnh trong buổi làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Y tế về công tác này, chiều 16/11.

Phó Thủ tướng đề nghị Ban cán sự Đảng Bộ Y tế trao đổi rất cụ thể, thẳng thắn, phân tích toàn diện về những kết quả đã đạt được cũng như các vấn đề ngành y tế đang phải giải quyết. Ngoài việc đánh giá việc thực hiện dân chủ cơ sở ở Bộ Y tế và các cơ quan thuộc Bộ thì cần nêu rõ trong quá trình chỉ đạo điều hành, lãnh đạo Bộ Y tế đã làm gì, hướng dẫn ra sao, đôn đốc, kiểm tra chính sách để tạo điều kiện cho các đơn vị trực thuộc bảo đảm dân chủ cơ sở. Quan trọng hơn nữa, trong quá trình hoạch định chính sách, lãnh đạo Bộ Y tế có quán triệt tinh thần tạo điều kiện để nhân dân phát huy quyền làm chủ thực sự.

Sau khi nghe báo cáo của Bộ Y tế, thành viên đoàn công tác cho rằng thời gian qua, ngành y tế đã không ngừng đổi mới, cải tiến nâng cao chất lượng hiệu quả phục vụ người dân, đã phần nào đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân; chất lượng phục vụ được nâng lên; đội ngũ y, bác sỹ được củng cố, kiện toàn; đạo đức nghề nghiệp được nâng lên; chấn chỉnh kịp thời những vấn đề phức tạp phát sinh của ngành Y tế,…

Tập thể lãnh đạo Bộ Y tế chủ động chỉ đạo giải quyết kịp thời những vấn đề xã hội phản ánh như: Quá tải tại một số bệnh viện tuyến Trung ương; người nhà bệnh nhân hành hung y, bác sỹ; tiêu cực trong khám chữa bệnh; bảo đảm vệ sinh và an toàn thực phẩm tại bệnh viện,…

Bộ đã ban hành một số thông tư liên quan đến thực hiện dân chủ như: Quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động làm việc trong các cơ sở y tế; nhiệm vụ và hình thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác xã hội của bệnh viện; trang phục y tế để người dân dễ nhận biết các chức danh của cán bộ y tế; hòm thư góp ý tại các cơ sở y tế. Những quy định này liên quan trực tiếp đến đội ngũ cán bộ y, bác sỹ trong ngành y tế nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân.

Ý kiến của đoàn công tác cũng đánh giá cao sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Y tế khi trực tiếp Bộ trưởng và các thành viên trong Ban cán sự Đảng đã tham gia Ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ cơ sở. các đồng chí lãnh đạo Bộ Y tế đều được phân công nhiệm vụ cụ thể. Ban chỉ đạo được kiện toàn thường xuyên.

Bộ Y tế và các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm túc Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc; rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng và thực hiện các quy chế, quy định; tổ chức Hội nghị cán bộ công chức định kỳ hàng năm.

Cán bộ, công chức, viên chức được bàn, tham gia ý kiến cũng như giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chương trình, kế hoạch công tác dài hạn, hàng năm của Bộ, của cơ quan, đơn vị; sử dụng kinh phí hoạt động, chấp hành chính sách, chế độ quản lý tài chính và tài sản; thực hiện các nội quy, quy chế, quy định, quy trình chuyên môn của Bộ, của cơ quan, đơn vị; thực hiện chế độ, chính sách của Nhà nước liên quan đến quyền, lợi ích của cán bộ, công chức, viên chức; giải quyết kiến nghị, đề xuất, khiếu nại, tố cáo…

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Y tế, các cục, vụ cũng thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề bức xúc của ngành được đoàn công tác nêu lên trong công tác đánh giá, tổ chức cán bộ; xây dựng hệ thống y tế cơ sở, đội ngũ cộng tác viên dân số, y tế thôn bản; bất cập, tồn tại ở một số bệnh viện, cá biệt có nơi còn có đơn thư khiếu kiện, tình trạng mất đoàn kết nội bộ; tụt hạng về cải cách hành chính; chất lượng lấy ý kiến nhân dân khi xây dựng văn bản chưa đạt yêu cầu…

Ảnh: VGP

Phát biểu buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần đánh giá đầy đủ, toàn diện của việc thực hiện dân chủ cơ sở đã tác động tích cực, tạo chuyển biến của ngành y tế thời gian qua và được người dân, xã hội ghi nhận như: Giảm quá tải bệnh viện, tiêm chủng, phòng chống dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, công tác dân số…

“Mục đích thực hiện đầu tiên của việc thực hiện dân chủ cơ sở là nội bộ phải đoàn kết, từ đó giúp ngành y tế làm tốt nhiệm vụ chính trị đó là chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân tốt hơn. Những bức xúc của ngành y tế đã được giải quyết đến đâu bằng dân chủ cơ sở phải được phân tích sâu sắc, toàn diện nhằm nhận thức được các vấn đề tồn tại để tiếp tục nỗ lực”, Phó Thủ tướng nói.

Nhắc lại một số nội dung Nghị quyết của Trung ương về chăm sóc sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới, Phó Thủ tướng lưu ý lãnh đạo Bộ Y tế 3 vấn đề cần đánh giá sâu sắc trong thực hiện dân chủ cơ sở, dân vận chính quyền, đồng thời quán triệt trong suốt quá trình thực hiện.

Thứ nhất là sự thay đổi nhận thức của các bộ ngành, người dân về tầm quan trọng giữa y tế dự phòng và điều trị, giữa phổ thông và chuyên sâu.

Thứ hai là thay đổi nhận thức rất sâu sắc trong đội ngũ cán bộ quản lý và cả ở các bệnh viện trong việc thực hiện tự chủ.

Thứ ba là phải thay đổi mạnh mẽ cơ chế phối hợp có tính liên ngành, liên cấp của công tác chăm sóc sức khoẻ là trách nhiệm không chỉ của riêng Bộ Y tế mà cả những bộ ngành khác (NN&PTNT, Công Thương, GD&ĐT)  cũng như các hiệp hội doanh nghiệp trong công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, chăm sóc sức khoẻ học đường…

Theo Phó Thủ tướng, thực hiện dân chủ cơ sở của ngành y tế không chỉ nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh mà còn phải vận động người dân xây dựng nếp sống sinh hoạt lành mạnh, chủ động phòng chống dịch bệnh, tích cực tham gia bảo hiểm y tế (BHYT).

Còn đối với các bệnh viện, Phó Thủ tướng nhấn mạnh thực hiện dân chủ cơ sở góp phần đẩy mạnh công khai, minh bạch, tăng cường tự chủ. Vì vậy, cùng với việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng nghị định về tự chủ bệnh viện, Bộ Y tế sớm có hướng dẫn các cơ sở y tế xây dựng bộ quy chế mẫu để từng bước chuẩn bị cho tự chủ, trong đó quan trọng nhất phải công khai, minh bạch công tác tổ chức cán bộ, tuyển dụng nhân sự, quy định tài chính…

Lưu ý thời hạn thực hiện liên thông khám chữa bệnh trên toàn quốc đối với người bệnh có thẻ BHYT đang đến gần, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương phối hợp với các bộ ngành, địa phương để xây dựng cơ chế đặc thù, trước hết cho các bệnh viện ở Hà Nội, TPHCM, để bảo đảm quyền lợi của người dân. Cùng với đó Bộ Y tế phải đẩy nhanh việc sửa đổi, xây dựng cơ chế, chính sách để duy trì đội ngũ cộng tác viên dân số, y tế thôn bản, kiện toàn hệ thống y tế cơ sở làm cơ sở nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân, mở rộng độ bao phủ của BHYT.

Đình Nam/Chinhphu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *