Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh VGP/Nguyên Linh |
Lúc 4h sáng nay, bão số 14 với sức gió mạnh cấp 11, giật cấp 13 đổ bộ vào bờ biển Hải Phòng, Quảng Ninh, khi đi sâu vào bờ, bão mạnh cấp 7-8, một số nơi có giông đột biến. Hiện bão đang hoành hành khu vực Đông Bắc, dự báo khoảng 12h trưa nay sẽ ra khỏi Việt Nam. Hiện mưa diễn ra diện rộng, phổ biến ở mức dưới 100mm.
Theo báo cáo nhanh từ các địa phương, đến nay chưa ghi nhận người bị chết trong bão, một số trường hợp bị thiệt mạng trước khi bão đổ bộ do sơ suất khi chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây bị ngã và tai nạn giao thông.
Thống kê sơ bộ tại Quảng Ninh, bão làm gãy đổ cột ăng ten phát thanh truyền hình Uông Bí; 1 tàu cẩu bị trôi dạt; 70 ngôi nhà bị sập, lún sụt, tốc mái, nhiều cây xanh bị gãy đỗ. Tại Hải Phòng, trên đất liền không bị thiệt hại nhiều. Trên biển có trường hợp tàu Fu Cheng 22 quốc tịch Trung Quốc bị hỏng máy, 1 tàu Thanh Hóa bị mắc cạn, một số tuyến đê, kè hư hỏng nhẹ
Dọc tuyến, lưới điện 500kV, 220kV, 110kV vận hành bình thường. Theo Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, bão gây sự cố 46 đường dây, làm mất điện 2.000 TBA. Tại Quảng Ninh, 6 đường dây 110 kV bị sự cố. Tại Nam Định, Thái Bình mỗi tỉnh mất điện 3 huyện. Hiện ngành Điện đang tích cực khắc phục và cơ bản khôi phục các khu vực bị mất điện.
Nhìn chung, các địa phương đã tích cực và cẩn trọng trong việc chuẩn bị phòng tránh, ứng phó với bão. Tổng cộng đã có hơn 800.000 người được sơ tán, riêng khu vực Đông Bắc Bộ đã di dời gần 154.000 người, giảm được tối đa thiệt hại về người do mưa bão gây ra.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao những nỗ lực của chính quyền, nhân dân các địa phương, các lực lượng vũ trang, cơ quan chuyên môn khí tượng thủy văn, các phương tiện thông tin truyền thông, thông tin liên lạc trong việc ứng phó với một cơn bão được đánh giá là có cường độ mạnh nhất trong lịch sử thế giới.
“Trước nguy cơ khó lường của bão, nhìn chung các địa phương, các lực lượng và người dân đã nêu cao tinh thần cảnh giác, thực hiện nghiêm túc, chuẩn bị kỹ các chỉ đạo, Công điện của Thủ tướng Chính phủ. Điều đáng mừng là tính đến thời điểm này đã giảm thiểu được thiệt hại về người và tài sản”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng lưu ý các lực lượng, địa phương cần rút ra những bài học kinh nghiệm quý về phòng chống thiên tai trong điều kiện biến đổi khí hậu, từ việc chỉ đạo, thống nhất ý chí hành động, sự đoàn kết trong các cấp, ngành và người dân, công tác cảnh báo, chủ động chuẩn bị theo phương châm 4 tại chỗ, tuân thủ các hướng dẫn, kiến thức phổ biến trong phòng chống mưa bão, đặc biệt là việc đánh giá, cập nhật lại các phương án phòng chống thiên tai, từ việc đơn giản như chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây mà vẫn để xảy ra những tai nạn đáng tiếc đến việc sơ tán dân, xây dựng, tu bổ các công trình xây dựng, vận hành hồ chứa “sống chung” được với các cơn bão, lũ lớn.
Về thiệt hại do bão gây ra, Phó Thủ tướng chỉ đạo các địa phương áp dụng các chính sách, ứng trước hỗ trợ kịp thời người dân bị thiệt hại về nhà cửa, hoa màu. Nhanh chóng khắc phục những hư hại về điện, đường, giao thông… sớm ổn định đời sống nhân dân.
Theo : Nguyên Linh/Chinhphu.vn