(kontumtv.vn) – Tính đến chiều 29/7, Bộ Y tế ghi nhận có 34 ca nhiễm trong cộng đồng kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện trở lại tại thành phố Đà Nẵng, Quảng NamQuảng Ngãi, Đăk Lăk, TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Kon Tum là một trong những tỉnh nguy cơ lây nhiễm có thể xảy ra. Vậy tỉnh Kon Tum có những biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh như thế nào trong thời điểm hiện nay, phóng viên Đài PT – TH Kon Tum đã có cuộc trao đổi với ông Võ Văn Thanh, Bác sĩ CKII, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh về vấn đề này.

 PV: Thưa ông, hiện nay các tỉnh lân cận tỉnh Kon Tum như thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi đã xuất hiện ca bệnh tại cộng đồng. Đây cũng là các tỉnh có lưu lượng người qua lại với tỉnh Kon Tum rất lớn, ông có thể cho biết là ngành Y tế đã tham mưu cho UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh triển khai các biện pháp cấp bách nào?

Bác sĩ CKII Võ Văn Thanh: Đây là một đặc thù riêng của tỉnh Kon Tum, cho nên là khi nghe được thông tin xuất hiện ca bệnh Covid-19 trong cộng đồng, thì ngành Y tế đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh triển khai một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, như là công văn chỉ đạo của UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo Covid-19 như Công văn 2666 về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19, hay Công văn 2668 về thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ và đặc biệt là tham mưu UBND tỉnh thành lập lại các chốt chặn ở các tuyến để giám sát người dân từ các tuyến, đặc biệt là ở vùng Đà Nẵng, các tỉnh lân cận về tỉnh Kon Tum. Qua đó mục đích là để phối hợp với các sở, ngành địa phương sớm phát hiện các đối tượng có nguy cơ đi từ vùng dịch trở về, có nguy cơ mắc để phân lập, thực hiện cách ly sớm, kịp thời, tránh việc phát tán ra cộng đồng.

Bác sĩ CKII Võ Văn Thanh trả lời phỏng vấn của PV
Bác sĩ CKII Võ Văn Thanh trả lời phỏng vấn của PV

PV: Thưa ông, còn đối với việc tổ chức cách ly tập trung người nhập cảnh từ nước ngoài đến tỉnh Kon Tum, cũng như là người trở về từ vùng có ca bệnh trong cộng đồng thì đã được thực hiện như thế nào?

Bác sĩ CKII Võ Văn Thanh: Những người nhập cảnh vào tỉnh Kon Tum thì được cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh quản lý, qua đó ngành Y tế phối hợp với  Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cử nhân viên để thực hiện công tác chăm sóc y tế, như theo dõi sức khỏe của những người được cách ly tại khu cách ly tập trung. Tại những khu này nếu người được cách ly có biểu hiện về bệnh hô hấp hay những bệnh lý khác kèm theo, thì được đưa về các cơ sở điều trị để vừa thực hiện cách ly, vừa thực hiện công tác điều trị kịp thời. Hiện nay đã xuất hiện những trường hợp Covid-19 trong cộng đồng và có những đối tượng, những trường hợp có nguy cơ mắc và họ tiếp xúc với những trường hợp mắc như thế, thì theo chỉ đạo của UBND tỉnh, các địa phương tiếp tục thực hiện tổ chức cách ly tại địa phương với 03 nhóm đối tượng cách ly. Thứ nhất là những trường hợp có biểu hiện nghi ngờ hoặc là mắc bệnh thì đưa về các cơ sở y tế để thực hiện cách ly và điều trị. Đối với những trường hợp có tiếp xúc gần hoặc đi từ vùng dịch tễ có ca bệnh, thì được thực hiện cách ly tại địa phương. Những trường hợp có tiếp xúc hoặc tiếp xúc gần hoặc từ những địa phương các khu vực như  Đà Nẵng, Quảng Ngãi…thì được hướng dẫn cách ly tại nhà và được giám sát của cơ quan y tế địa phương.

PV: Để có thể phát hiện sớm những bệnh nhân nhiễm Covid – 19 cũng như thu dung và điều trị, thì ngành Y tế tỉnh đã có sự chuẩn bị như thế nào?

Bác sĩ CKII Võ Văn Thanh: Trong thời gian qua, ngành Y tế vẫn chỉ đạo tiếp tục duy trì các phân luồng, thực hiện cách ly tại cơ sở điều trị. Phân luồng là để giúp cho cơ sở y tế phát hiện sớm những ca, những người bệnh đến khám có nghi ngờ mắc Covid-19, để sớm cách ly, tránh chuyện lây lan trong cơ sở điều trị. Hiện nay với tình hình như vậy thì ngành Y tế cũng đã tiếp tục có những chỉ đạo thực hiện quyết liệt hơn nữa trong công tác giám sát, phân luồng tại các cơ sở điều trị, để đảm bảo công tác khám chữa bệnh, hoạt động và đảm bảo công tác trực giám sát 24/24 tại các cơ sở điều trị. Bên cạnh đó, tất cả các đơn vị, cơ sở điều trị của các đơn vị trực thuộc Sở Y tế đều có tổ chức các khu vực cách ly cho những bệnh nhân mắc Covid-19, đây là một vấn đề mà hiện nay ngành Y tế cũng rất chủ động. Những trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19 cách ly tại cơ sở điều trị mà có biểu hiện nặng hơn hay những bệnh lý nặng hơn mà cơ sở điều trị đó không thể tiếp nhận điều trị được, thì thực hiện công tác chuyển tuyến, đảm bảo công tác kiểm soát, chống lây lan ra cộng đồng, đặc biệt là chú trọng kiểm soát nhiễm khuẩn trong quá trình vận chuyển người bệnh. Ngành Y tế cũng đã chỉ đạo các đơn vị y tế chủ động rà soát, thiết lập lại các cơ sở điều trị cho bệnh nhân Covid-19, trang bị đầy đủ phương tiện, dụng cụ phòng hộ cũng như thuốc sát khuẩn, môi trường để chủ động trong công tác tổ chức điều trị và tổ chức kiểm soát được đối với những bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh Covid-19.

PV: Thưa ông, với tình hình diễn biến của dịch Covid – 19 như hiện nay, thì ngành Y tế có những khuyến cáo gì đối với người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh?

Bác sĩ CKII Võ Văn Thanh: Với tình hình diễn biến của dịch bệnh Covid-19 như hiện nay, đối với tỉnh Kon Tum diễn biến sắp tới cũng khó lường. Để đạt được mục tiêu trong phòng, chống dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, thì khuyến cáo đối đối với những người dân trong 14 ngày vừa qua có đi, đến, ở tại các địa phương hoặc là địa điểm có ca bệnh hoặc tiếp xúc gần với ca bệnh, thì liên hệ ngay với cơ quan y tế gần nhất tại địa phương để được tư vấn và cung cấp thông tin của người tiếp xúc gần, thực hiện ngay việc cách ly tại nhà. Tiếp nữa là thực hiện khai báo y tế trực tuyến hay ứng dụng phần mềm NCOVI để cập nhật tình hình sức khỏe của bản thân thường xuyên. Đối với những người dân trong 14 ngày vừa qua không đi đến ở tại những địa phương, địa điểm có ca bệnh thì cần phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hay là dung dịch sát khuẩn, đeo khẩu trang, đặc biệt là khi đến những nơi công cộng, đông người. Tránh, hạn chế tụ tập nơi đông người, giữ khoảng cách khi tiếp xúc, rồi tăng cường công tác vệ sinh nhà, bàn ghế bằng dung dịch sát khuẩn. Nếu có các biểu hiện như là ho, sốt, đau họng, tức ngực thì nên đến các cơ sở y tế để được khám và tư vấn. 

PV: Xin cám ơn ông đã tham gia cuộc trao đổi hôm nay.

                                                                                        Hơ Jan – Văn Hiển

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *