(kontumtv.vn) – Nhiều diện tích hoa màu, cây công nghiệp dọc theo sông Đăk Pxi, vị trí tiếp giáp giữa xã Diên Bình, huyện Đăk Tô và xã Đăk Long, huyện Đăk Hà bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở. Vậy đâu là nguyên nhân?

Không khó để nhận ra những điểm sạt lở trên dòng sông Đăk Pxi, đặc biệt là vị trí bị sạt lở là diện tích hoa màu, cây công nghiệp của người dân. Trò chuyện cùng phóng viên Đài PT-TH Kon Tum, bà con cho rằng nguyên nhân dẫn đến những rẫy cà phê, hoa màu bị sông Đăk Pxi nuốt chửng là do việc khai thác cát trước đây và hiện nay. Đáng buồn là có nhiều rẫy cà phê xanh tốt đang nằm trong nguy cơ bị sạt lở. Một người dân thôn Kon Hring, xã Diên Bình cho biết: “Bữa trước đất của nhà có 3 sào giờ còn có 1 sào thôi, sạt lở hết. Nhà cũng làm đơn báo lên xã rồi mà chả thấy giải quyết gì hết. Chỉ có bên Đăk Long họ giải quyết hết. Bên xã Diên Bình chả thấy giải quyết gì hết. Báo lên mấy lần rồi, nhà bức xúc lắm mà không biết làm gì được”.

Bờ sông sạt lở nghiêm trọng do khai thác cát
Bờ sông sạt lở nghiêm trọng do khai thác cát

Cũng theo phản ánh của người dân thôn Kon Hring liên quan đến đất đai, hoa màu ven sông Đăk Pxi bị sạt lở đã có mâu thuẫn xảy ra giữa bên khai thác cát và người dân; sau đó người dân đã bị các đối tượng cộm cán đe dọa, truy đuổi. Vì vậy, quá trình tiếp xúc, tìm hiểu thông tin về tình hình khai thác cát, tình hình sạt lở đất ven sông Đăk Pxi của phóng viên Đài PT-TH Kon Tum gặp nhiều khó khăn do bà con lo lắng bị trả thù.

Trên cơ sở phản ánh của người dân, phóng viên Đài PT-TH Kon Tum đã gặp gỡ lãnh đạo xã Diên Bình và được biết, trên sông Đăk Pxi đoạn qua xã Diên Bình hiện có hai doanh nghiệp được UBND tỉnh cấp phép khai thác cát đó là Doanh nghiệp tư nhân Nhật Mạnh và Công ty TNHHMTV Hoàng Long Hưng. Đối với diện tích đất của dân bị sạt lở, Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó Chủ tịch UBND xã Diên Bình cho biết: “Trước đây người dân cũng có gửi đơn xuống UBND xã, sau khi phản ánh qua tiếp xúc cử tri và gửi đơn đến xã, UBND xã Diên Bình đã tổ chức kiểm tra các nội dung trong đơn đối với nội dung bà con phản ánh thì sau khi kiểm tra thì các diện tích đất bị sạt lở nằm toàn bộ trên địa giới hành chính xã Đăk Long. UBND xã Diên Bình hướng dẫn cho bà con cử tri làm đơn gửi xã Đăk Long để phối hợp giải quyết cho bà con”.

Từ kết quả làm việc với UBND xã Diên Bình, phóng viên Đài PT-TH Kon Tum đã làm việc với UBND xã Đăk Long, huyện Đăk Hà và được UBND xã Đăk Long cho biết, từ năm 2015 đã có khiếu nại của người dân thôn 5 Kon Hring, xã Diên Bình về tình trạng khai thác cát dẫn đến sạt lở đất sản xuất của bà con. Ông Hoàng Công Ái, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Long, huyện Đăk Hà nói: “Qua quá trình kiểm tra, xác minh trên địa bàn khu vực ranh giới giữa xã Diên Bình, huyện Đăk Tô và xã Đăk Long của huyện Đăk Hà cũng phát hiện 1 số điểm sạt lở. Một số điểm nữa có nguy cơ sạt lở cây cối hoa màu của người dân trên địa bàn. Hiện nay xã đang chỉ đạo các phòng ban chuyên môn phối hợp để điều tra, xác minh nguyên nhân rồi xác định lại vị trí sạt lở ở khu vực trên”.

Quá trình tìm hiểu thông tin, phóng viên chứng thực những chiếc máy hút cát được đặt sẵn sàng sát mép bờ, gần diện tích cây trồng của bà con bị sạt lở và có nguy cơ bị sạt lở. Đặc biệt, trong quá trình tác nghiệp, nhóm phóng viên Đài PT-TH Kon Tum liên tục bị một số đối tượng đeo bám, canh chừng, điều này giúp chúng tôi phần nào hiểu được vì sao người dân thôn 5 Kon Hring, xã Diên Bình vừa lo sợ mất đất sản xuất, vừa lo sợ bị trả thù khi gặp các nhà báo.

Văn Hiển – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *