(kontumtv.vn) – Hơn 40 năm đã trôi qua, nhưng trong ký ức của người cựu binh này vẫn chưa thể phai mờ về một thời đất nước Ăng Ko tươi đẹp của dân tộc ông bỗng chốc chìm trong khói lửa, khắp nơi chỉ có loạn lạc, ẩn náu, tháo chạy và chết chóc… dưới bàn tay của bè lũ phản động Pol pot, Ieng sary… nhưng ông đã sống và gần 2.000 người dân của 12 làng thuộc huyện Vơn Say và Tà Ven đã sống trong sự cưu mang, đùm bọc đầy nghĩa tình của người dân Việt Nam.

Ông là Đại tướng Bu Thoong, nguyên Phó Thủ tướng, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Vương Quốc Campuchia. Vào thời điểm đó, khắp nơi trên đất nước ông chỉ có đau thương, máu và nước mắt … Vốn có mối quan hệ đặc biệt từ trước, ông cảm nhận được tấm lòng bao dung, độ lượng của người dân Việt Nam, nên đã vận động dân làng chạy sang lánh nạn. Tại đây tỉnh Kon Tum đã tạo điều kiện bố trí cho bà con tạm cư ở địa bàn Ya Poóc. Rồi không lâu sau đó, Ya Poóc vinh dự trở thành một trong những căn cứ kháng chiến của lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia. Từ đây Bu Thoong cùng nhiều đồng đội được sự giúp đỡ của lực lượng vũ trang Việt Nam đã trở về quê hương chiến đấu, đập tan chế độ diệt chủng Khmer Đỏ vào năm 1979… Ông luôn trân trọng sự hy sinh xương máu, sự giúp đỡ chí nghĩa, chí tình của Việt Nam dành cho Campuchia. Đại tướng Bu Thoong xúc động nói: “Nhân dân Campuchia nói chung và nhân dân Rattanakiri nói riêng tình cảm với Ya Poóc là tình cảm đậm đà nhất. Chúng tôi rất khó khăn, nhưng Quân đội Nhân dân Việt Nam, nhất là Bộ đội Biên phòng đã tạo mọi điều kiện để chúng tôi được sống như ngày nay, tất cả những hình ảnh đó không bao giờ quên”.

SSại twowngd BU Thoong về thăm căn cứ Ya Pook
Đại tướng  Bu Thoong về thăm căn cứ Ya Poóc

Dưới tán rừng đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ, ít ai biết rằng ẩn sâu trong những mái nhà rông đầy kiêu hãnh là những câu chuyện vô cùng cảm động về tình láng giềng anh em. Cách đây ít năm, người dân ở làng Đăk Ba (huyện Đăk Chưng, tỉnh Sekong, Lào) trong quá trình qua lại thăm thân, vì mến yêu đất nước, con người Việt Nam, bà con có nguyện vọng lưu lại cư trú lâu dài. Sau một thời gian xem xét, Chính phủ hai nước đã đồng ý tạo điều kiện cho nhập quốc tịch Việt Nam. Hiện nay, 205 hộ, gần 1.000 nhân khẩu người Giẻ-Triêng và người Lào kết đoàn anh em trong cùng mái nhà Đăk Ba (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum), cùng nhau xây dựng làng Đăk Ba trở thành khu dân cư văn hóa cấp tỉnh. Anh A Bân, Thôn trưởng thôn Đăk Ba nói: “Được Đảng, Nhà nước Việt Nam nhập quốc tịch, gia đình tôi với 60 hộ đến nay ổn định. Chúng tôi xác định đây là quê hương của mình. Chúng tôi vẫn giữ đoàn kết với các hộ Đăk Ba bên Lào và Đăk Ba Việt Nam”.

Tình đoàn kết, hữu nghị giữa các tỉnh Sekong, Attapư và Rattanakiri với tỉnh Kon Tum còn được thể hiện rõ nét trong hành trình tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trên đất bạn trong kháng chiến chống Mỹ và trong thực hiện nhiệm vụ quốc tế. Với sự giúp đỡ đầy tinh thần trách nhiệm của các tỉnh bạn, Đội K53 tỉnh Kon Tum đã tìm kiếm, quy tập, hồi hương được 1.259 hài cốt liệt sĩ, trong đó có 872 hài cốt liệt sĩ ở nước bạn Lào và 387 hài cốt liệt sĩ ở Campuchia. Chị Sôm Phia (làng Tà Ngà, tỉnh Ratanakiri, Campuchia) nói: “Gia đình tôi coi bộ đội Việt Nam như người thân trong gia đình, nên Đội K53 tìm kiếm được hài cốt nào gia đình cũng yêu cầu đưa về nhà tôi để có nơi thờ cúng cho ấm cúng, không bị mưa nắng”.

Và còn rất nhiều nữa những câu chuyện lay động lòng người mà mỗi khi nhắc tới, bất cứ ai trong chúng ta đều cảm nhận sự sâu sắc và đậm chất nhân văn của mối tình đoàn kết láng giềng ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia, được vun đắp từ thế hệ này đến thế hệ khác. Những câu chuyện đó đang thực sự tạo sức lan tỏa rộng lớn trong quân đội và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ của ba nước ngày càng hiểu đúng đắn về mối quan hệ đặc biệt này, góp phần quan trọng xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

                                                                                                      Văn Hiển

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *