(kontumtv.vn) – Khủng hoảng lòng tin và thông tin không còn là những câu hỏi trừu tượng nữa, mà hiện hữu thành những con số chết chóc lạnh lùng đến bàng hoàng.

Những linh hồn non dại

Trong chỉ vài ngày, những con số khô khốc đã và đang tạo ra cơn lốc xoáy bàng hoàng cho hàng triệu gia đình.

Những giọt nước mắt rơi từ gia đình này sang gia đình khác, từ bệnh viện, sân trường đến mạng xã hội… Nỗi xót xa chung.

Liền theo đó là những phát ngôn bất nhất: có dịch/ không dịch, kiểm soát/không thể kiểm soát, tỷ lệ tử vong thấp/tình hình nghiêm trọng… Con số tử vong vẫn tăng khiến người dân bối rối, tức giận chỉ chờ bung ra,

Trong bối cảnh đó, truyền thông đã trở thành một trong những tội đồ bị nhà chuyên môn điểm mặt chỉ tên. Lý do: một trong những nguyên nhân khiến dịch sởi bùng phát dữ dội, ngoài lý do mang tính chuyên môn như chu kỳ 3, 5 năm của dịch; điều kiện thời tiết nóng ẩm… thì lý do lớn nhất là các bà mẹ không cho con đi tiêm chủng ngừa bệnh. Hậu quả của bộ máy truyền thông “kền kền” gây ra, như những ý kiến cáo buộc.

Quay lại thời điểm tháng 7/2003, dư luận bàng hoàng khi cùng lúc có ba đứa trẻ chết sau khi được tiêm vacxin. Dư luận sục sôi, báo chí vào cuộc; cộng thêm việc trước đó có những ca tai biến sau khi tiêm vacxin Quinvaxem, phòng chống mấy chủng bệnh, trong đó có sởi. Kết quả là vacxin trở thành cụm từ đáng sợ, như có người mỉa mai “nên mang đi tiêm cho tử tù”.

Vấn đề ở chỗ, khi bộ máy truyền thông đang lao đi theo hướng “đáng sợ” đó, không có một chuyên gia nào, hay cơ quan y tế nào đủ trách nhiệm, đủ uy tín đứng ra trấn an, điều chỉnh lại để an lòng dân.

dịch sởi, phát ngôn, chuyên gia, truyền thông
Bộ trưởng Y tế Kim Tiến đi thị sát bệnh viện ngày 16/4, sau Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam một ngày. Ảnh: Dân Trí

Trong một xã hội nhiều khủng khoảng, người dân bị nhiễu loạn bởi thông tin, thì cơ quan trách nhiệm lại không có biện pháp ứng phó tích cực và hiểu quả nhất. Như một nhà báo bình luận: cho dù bà Bộ trưởng Y tế không phải là nguyên nhân của mọi sự cố, bà cũng không thể giải quyết được tất cả những vụ việc vừa xảy ra; hoặc có những yếu tố chuyên môn mà người ngoài không thể biết.

Nhưng, có một điều rõ ràng, những lời nói, thông điệp mà người đứng đầu đưa ra không được đón nhận như lẽ ra phải thế; dẫn đến việc mọi tuyên ngôn đều trở thành ngòi nổ đối với dư luận.

Thay vào việc thẳng thắn đối diện với khủng hoảng, quyết đoán, với những hành động cụ thể, đưa thông tin minh bạch, nhất quán tới công chúng; thì ngay khi dịch bệnh mới sơ khởi (khoảng thời gian đầu tháng ba), những gì ngành Y thể hiện qua hành động và phát ngôn lại khiến dư luận càng hoang mang.

“Ngáo ộp” và “kền kền”

Những lúc nước sôi lửa bỏng không thấy các chuyên gia lên tiếng tư vấn cho cấp trên, trấn an dư luận; tạo mối gắn kết thân thiện hơn với truyền thông; đồng thời cảnh báo hậu hoạ, phản biện lại những quan điểm cực đoan.

Quay trở lại với việc báo chí trước sự nhiễu loạn thông tin.

Những trường hợp lạm dụng công vụ, nhũng nhiễu doanh nghiệp, bẻ ngòi bút để làm lợi bất chính nặng thì bị pháp luật trừng trị, nhẹ thì bị tẩy chay. Các nhà báo lao vào làm việc khi tin rằng đang phanh phui những tiêu cực, mờ ám có thể gây hại cho cộng đồng. Trên thực tế, rất nhiều vụ việc và hiểm hoạ đã được báo chí phanh phui và chặn đứng. Cũng như bất kỳ những công dân có trách nhiệm và lý tưởng nào trong xã hội, nhà báo cũng làm việc với niềm tin tốt đẹp.

Sự lúng túng của Bộ Y tế trong các vụ việc đình đám, vốn đã khiến dư luận bức xúc, lại thiếu chủ động và minh bạch khi chia sẻ thông tin, càng khiến sự việc trở nên bí hiểm rối ren không đáng có, công luận nghi ngờ.

Để rồi sự khủng hoảng lòng tin và thông tin không còn là những câu hỏi trừu tượng nữa, mà hiện hữu thành những con số lạnh lùng đến bàng hoàng. Một bác sĩ đã phải kêu lên: “Việc đẩy xa và cắt đứt niềm tin giữa người dân với y tế có thể dẫn đến những hậu quả không thể lường trước được, đó là cái chết của những con người không đáng bị chết“.

Đương nhiên không có bất kỳ ai đáng phải chết, nhất là những đứa trẻ như những bông hoa kia càng không phải như vậy. Nếu trách truyền thông gây scandal, cắt đứt niềm tin người dân vào ngành y tế, thì ngành cũng không có bất kỳ động thái nào để cải thiện tình hình, không hành động để hãm cỗ xe lao nhanh.

Trong thời đại thông tin hiện nay, bất kỳ cá nhân nào cũng có cơ hội cất lên tiếng nói của mình; nhưng những lúc nước sôi lửa bỏng không thấy các chuyên gia ngành Y lên tiếng; không ai trong họ đưa ra tư vấn cho cấp trên, cho bà Bộ trưởng cách phải làm gì, nói gì để trấn an dư luận; tạo mối gắn kết thân thiện hơn với truyền thông. Không ai thấy có trách nhiệm phải cảnh báo hậu hoạ, phản biện lại những quan điểm cực đoan.

Cách đây không lâu, sự kiện máy bay MH370 bị nghi rơi xuống vùng biển Việt Nam. Dư luận hướng chú ý và đủ mọi cung bậc luận bàn, cảm xúc.. Có những lúc truyền thông cũng có dấu hiệu đi quá xa khi chĩa mũi nhọn vào công tác cứu hộ; vào việc Việt Nam “mất cảnh giác” khi cho phép nước ngoài vào vùng biển VN tìm kiếm… vv.. Tiến sĩ Lương Hoài Nam, một cựu lãnh đạo cấp cao trong ngành đã kịp liên tục cung cấp những thông tin, kiến giải từ góc độ chuyên môn; qua đó dư luận cũng nắm bắt vấn đề chính xác, tỉnh táo hơn; hạn chế những cỗ xe chạy quá đà.

Các chuyên gia trong ngành giáo dục như GS. Ngô Bảo Châu, TS. Giáp Văn Dương.. cũng liên tục cập nhật và kiến nghị những góc nhìn, sự khó khăn nội tại của ngành, suy nghĩ.. để truyền thông tiếp sức một cách đúng đắn.

Chắc chắn một điều, bất cứ tờ báo nào, diễn đàn nào cũng có chỗ cho những phân tích hợp lý, có chuyên môn và tâm huyết.

Chỉ cần mỗi cá nhân đều nhìn thấy phần trách nhiệm với cộng đồng.

Hoàng Hường/Vietnamnet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *