(kontumtv.vn) – Có những đôi vợ chồng cùng là nhà giáo, tình nguyện gắn bó, xây dựng tổ ấm lâu dài tại vùng sâu, vùng xa. Đối với họ, được sống, công tác tại đây chính là cái duyên, niềm hạnh phúc khi được dạy dỗ, nâng cánh ước mơ cho những trẻ em ở vùng khó khăn.

Cùng là giáo viên trẻ tình nguyện công tác tại Trường Phổ thông DTBT Tiểu học xã Ngọc Lây (Tu Mơ Rông, Kon Tum) tình cảm giữa thầy giáo Hà Văn Sang và cô giáo Nguyễn Thị Phương Thúy đã bén duyên vợ chồng. Trong ngôi nhà còn nhiều thiếu thốn, họ đã có với nhau 2 con nhỏ xinh xắn và kháu khỉnh. Cả hai cùng xác định sẽ tiếp tục gắn bó với sự nghiệp trồng người tại vùng đất còn rất nhiều nghèo khó này đến suốt cuộc đời. Thầy Hà Văn Sang chia sẻ: “Vợ chồng chúng tôi công tác ở đây gần 6 năm rồi. Trong quá trình công tác thì cũng gặp chút ít khó khăn, lâu rồi cũng quen dần. Tình cảm của học trò và đồng nghiệp giúp mình thêm động lực để cố gắng hơn nữa. Học sinh cũng quý thầy, mến thầy, đấy là niềm động viên lớn nhất đối với giáo viên công tác ở vùng sâu, vùng xa như chúng tôi”.

Thăm gia đình nhà giáo xã vùng sâu Ngọc Lây
Thăm gia đình nhà giáo xã vùng sâu Ngọc Lây

Đến nay, tại xã đặc biệt khó khăn Ngọc Lây, đã có nhiều cặp gia đình giáo viên sinh sống và định cư lâu dài. Gia đình thầy giáo Trần Đình Huy và cô giáo Trần Thùy Trang đang công tác tại Trường THCS xã Ngọc Lây cho biết: Sự chân thành, hiền hòa và nhiệt tình của người dân và học sinh nơi đây chính là động lực thôi thúc thầy cô cố gắng hơn nữa trong quá trình dạy hoc. Thầy Trần Đình Huy tâm sự: “Khi vào ngành giáo dục, mình cũng muốn mang tâm huyết của mình để dạy dỗ các thế hệ trẻ. Khi được phân công ở vùng sâu, vùng xa, trong quá trình công tác thì thấy học sinh gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, từ đó tình cảm của mình nâng cao hơn nữa, chính vì vậy mình gắn bó lâu dài với vùng sâu, vùng xa”.

“7 năm công tác ở vùng khó khăn, mình thấy các em ở đây thua thiệt rất nhiều so với học sinh ở vùng thuận lợi. Từ đó mình  cố gắng giúp các em, dành tình cảm cho các em nhiều hơn. Học trò của mình có nhiều đứa ra trường, giờ đi làm giáo viên, cũng đi dạy trong xã này, mình thấy như thế thì rất là vui mừng”. Cô giáo Trần Thùy Trang nói.

Không quản ngại gian khổ, khó khăn, những thầy cô giáo lập nghiệp tại vùng sâu, vùng xa đã góp phần tích cực nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo ở địa phương. Thầy giáo Nguyễn Minh Nguyên, Trường THCS xã Ngọc Lây nói: “Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai vào năm 2008, tôi tình nguyện lên đây làm việc. Tính đến nay đã khoảng 8 năm rồi và tôi cảm thấy ở vùng đất này đó là truyền thống hiếu học của các em, các em rất chăm ngoan, bà con thì sống rất chan hòa và giúp đỡ đội ngũ giáo viên của chúng tôi rất nhiều. Từ đó tôi có rất nhiều động lực để phấn đấu trong nghề nghiệp cũng như thương yêu các em”.

Đóng góp tích cực, thầm lặng của đội ngũ thầy giáo, cô giáo gắn bó với vùng sâu, vùng xa thật sự rất đáng trân trọng. Họ đã góp phần ươm mầm, nâng cánh ước mơ cho các em ở những vùng đất còn nhiều nghèo khó này.

  Tấn Thành

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *