(kontumtv.vn) – Mặc dù có xu hướng giảm nhưng số vụ bạo lực gia đình, bạo hành trẻ em, vi phạm bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh Kon Tum vẫn còn cao.

Sau hơn 1 tuần bị chồng bạo hành dã man, trên khuôn mặt chị Y Thâm (làng Đăk Tăng, xã Ngọc Tụ, huyện Đăk Tô) vẫn còn nhiều vết thâm tím. Đáng quan tâm là con trai chị, cháu Hủn Vi Tuấn Vương, 6 tháng tuổi cũng bị bố bạo hành dẫn đến móp sọ não gây nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, hai mẹ con chị Y Thâm phải nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum trong nhiều ngày. Rất may, sức khỏe cháu Hủn Vi Tuấn Vương hồi phục tốt. Tuy nhiên, dấu vết bạo hành của người bố thì vẫn còn rõ nét trên cơ thể bé bỏng của em. Đáng quan tâm là khi bị chồng bạo hành trong những lần trước đây, chị Y Thâm đã có báo cho cơ quan chức năng, đoàn thể địa phương, song các biện pháp ngăn chặn bạo hành đã không được thực hiện nghiêm túc. Chị Y Thâm nói: “Báo Công an thôn, Công an thôn báo lên xã , báo 4 lần rồi. Công an xã cứ phạt ông thế thôi”.

Chị Y Thâm được chăm sóc y tế sau khi bị bạo hành
Mẹ con chị Y Thâm được chăm sóc y tế sau khi bị bạo hành

Mặc dù công tác bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình và trẻ em được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, đầu tư. Tuy nhiên, trong thực tế chuyện bất bình đẳng giới, chuyện phụ nữ và trẻ em bị bạo hành vẫn còn xảy ra ở nhiều địa phương trong tỉnh. Hệ lụy của các vụ bạo hành này đã và đang để lại lâu dài trong đời sống gia đình và xã hội. Bên cạnh đó, câu chuyện bình đẳng giới bên trong từng gia đình vẫn còn nhiều điều đáng quan tâm. Chị Y Thủy Tiên,  Huyện Đoàn Kon Plông lý giải: “Theo tôi có 2 nguyên nhân chính. Một là do quan điểm phụ nữ thì cam chịu, ngoài xã hội người ta ít quan tâm tới, nói chung người đàn ông là trụ cột gia đình, đàn ông họ làm ra tiền thì làm gì cũng được, kể cả bạo lực cũng thế”.

“Cái suy nghĩ cố hữu trong đầu của người đàn ông là đi về phải có cơm ngon, canh ngọt sẵn ra cho mình ăn, người ta suy nghĩ như thế. Khi về nhà chưa thấy nhà mình có gì hết thì bực lên. Nói chung vợ đi làm suốt ngày phải vào bếp còn chồng ngồi xem điện thoại hoặc xem ti vi”. Chị Huỳnh Thị Cẩm Trang,  Huyện Đoàn Đăk Tô nói.

Quá trình thực hiện công tác bình đẳng giới, một số nơi vẫn cho rằng công tác này là việc của Hội LHPN. Vì vậy, công tác tập huấn, tuyên truyền về Luật Bình đẳng giới chưa được coi là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của các cấp, các ngành. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền pháp luật về bình đẳng giới ở cấp cơ sở chưa phong phú, chưa thường xuyên, chủ yếu tổ chức lồng ghép trong các cuộc họp, chưa phù hợp theo nhóm đối tượng. Hệ lụy là nhận thức về bình đẳng giới của phụ nữ và trẻ em gái, nhất là phụ nữ vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn hạn chế. Nhận thức, định kiến về giới vẫn còn tồn tại trong bộ phận cán bộ, công chức và nhân dân, nhất là vùng nông thôn. Đáng buồn là tình trạng bạo lực gia đình vẫn xảy ra và nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.

Văn Hiển – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *