(kontumtv.vn) – Sự kiện lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 2/9/1945 không chỉ khẳng định tầm vóc thời đại của cách Mạng Việt Nam trên thế giới trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mà trở thành niềm tin và động lực của bao thế hệ cha ông chiến đấu vì sự nghiệp độc lập, tự do, giải phóng dân tộc, trở thành những ký ức không bao giờ quên.
Sinh năm 1926 tại Bình Định, tham gia cách mạng từ tháng 4/1945, chiến đấu trong cả 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, ông Đào Duy Tồn, tên thật là Đào Duy Kiểu (phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum) vẫn còn minh mẫn kể lại nhiều câu chuyện ác liệt trong những năm tháng chiến tranh. Đối với một người là cán bộ tiền kháng chiến như ông, cảm xúc khi nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập vào ngày 2/9/1945 vẫn giữ nguyên sự xúc động cho đến hôm nay: “Được Bác Hồ nói là nước Việt Nam có quyền độc lập, rồi người dân có quyền đi lại tự do, có quyền phát biểu, có quyền nói, không có gì sướng bằng hết, cho nên cái Tuyên ngôn Độc lập của Bác mà đọc ra cố gắng là phải nhớ hết, cho nên chết sống cũng phải giữ một lòng. Anh em coi như là vũ khí trang thêm, người được tự do, đất nước có chủ quyền, không ai được đàn áp, cho nên là thế nào cũng phải làm cho được như lời Bác Hồ”.
Bản Tuyên ngôn Độc lập trở thành lời kêu gọi, động viên toàn dân tộc Việt Nam đấu tranh giữ vững chính quyền cách mạng, tiến hành kháng chiến ở miền Nam và chuẩn bị kháng chiến toàn quốc. Giữ vững lời thề ngày 2/9, nhân dân đã đoàn kết thực hiện nhiệm vụ, phong trào thi đua yêu nước, diệt giặc đói, diệt giặc dốt và diệt giặc ngoại xâm, đẩy mạnh cuộc kháng chiến đi tới thắng lợi. Bà Y Xuôi, nguyên Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Kon Tum nói: “Khi nghe tiếng gọi của Đảng thì bà con làng nào cũng đi tham gia cách mạng, làng nào cũng tích cực tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến. Sau khi giải phóng thì bà con cũng lại tiếp tục thực hiện sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nghe lời kêu gọi của Đảng là phải đoàn kết. Cái thứ hai là phải có sự thay đổi cuộc sống mới, nhận thức mới, nhận thức về trong Đảng, nói chung mục đích, động cơ vào Đảng thì bà con, một số thanh niên có nhận thức được thì họ đều có cái tự hào vì được đứng trong hàng ngũ của Đảng”.
Ông Ka Ba Tơ, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh Kon Tum, khi đất nước còn chia cắt vì chiến tranh, những học sinh, sinh viên miền Nam như ông từng học tập, công tác ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa vẫn luôn cảm thấy tự hào vì được cách mạng nuôi dưỡng, dạy dỗ và trưởng thành. Từ đó kế thừa, phát huy truyền thống yêu nước trong xây dựng và phát triển của tỉnh. Ông Ka Ba Tơ cho biết: “Nay ngày 2/9, cái thứ nhất cũng là ôn lại một cái truyền thống lịch sử vẻ vang, cái thứ hai là giữ lại tinh thần cách mạng của nhân dân cả nước, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc, đem lại ánh sáng văn minh, tiến bộ và vươn lên trong giai đoạn mới. Nó là một kỷ nguyên hết sức quan trọng cho đất nước, cho dân tộc và cho mọi người, đây là một ngày có ý nghĩa mà không thể quên được, đó là những ngày làm cho chúng ta càng ghi nhớ, càng thấy trách nhiệm nặng nề đối với đất nước. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, thực hiện công cuộc đổi mới phát triển và vươn lên trở thành một đất nước mang tính chất, không những đối với đất nước ta mà còn có ý nghĩa đối với quốc tế”.
Qua 75 năm lịch sử Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đã tạo tiền đề khẳng định vị thế, tiềm lực của đất nước nói chung và của tỉnh Kon Tum nói riêng. Từ đó thực hiện nhiệm vụ chính trị phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền an ninh quốc gia, xây dựng niềm tin của quần chúng nhân dân trên địa bàn vào sự lãnh chỉ đạo của Đảng, Nhà nước theo con đường cách mạng mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn.
Hơ Jan – Thanh Thái