(kontumtv.vn) – Tuy ra đời trong những hoàn cảnh khác nhau của đất nước, nhưng trên hết, báo chí vẫn nhằm mục đích phản ánh mọi mặt của đời sống xã hội, văn hóa…

Nhân kỷ niệm 89 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2014), một triển lãm trưng bày “Những tờ báo Quốc ngữ Việt Nam nổi bật 1865-1965” vừa diễn ra tại Hà Nội đã đem đến cho công chúng một “bức tranh sinh động” về báo chí Việt Nam thuở sơ khai. 43 ấn phẩm, trong đó có những tờ báo “của hiếm” từ đầu thế kỷ 20 lần đầu tiên được giới thiệu, cho thấy nhiều điều thú vị của đời sống xã hội, văn hóa thời bấy giờ. Những ấn phẩm này thuộc sở hữu của ba nhà sưu tập Tạ Thu Phong, Trịnh Hùng Cường và Nguyễn Phát Hà Giang, thành viên của diễn đàn Sách xưa.

Báo chí Việt Nam đa dạng từ thuở khai sinh

Các tờ báo được trưng bày trong triển lãm đều là những bản in cổ, rất quý giá, đã được sưu tầm, lưu giữ cẩn thận. Có những ấn phẩm đã ố vàng, chữ mờ, giấy rách…, nhưng nội dung của các bài vở, tin tức, thậm chí, cả quảng cáo cũng vẫn còn nguyên vẹn. Tại đây, độc giả lần đầu tiên được tận mắt thấy những bản báo Quốc ngữ đầu tiên trong lịch sử báo chí nước nhà như Gia Định báo (số ra năm 1890), Phụ nữ Tân văn, Phong Hóa, Lục tỉnh Tân văn, Trung Bắc Tân văn, Đại Việt tạp chí, Đông Thanh tạp chí, Khai Hóa nhật báo, Đuốc Tuệ… Nhiều tờ ngay cả ở các thư viện cũng chưa chắc đã có.

 

Triển lãm “Những tờ báo Quốc ngữ Việt Nam nổi bật 1865-1965” vừa diễn ra tại Hà Nội đã đem đến cho công chúng một “bức tranh sinh động” về báo chí Việt Nam thuở sơ khai

Báo chí Việt Nam đa dạng từ thuở “khai sinh” là những gì mà người xem triển lãm cảm nhận được khi tận mắt lật giở từng trang báo. Bên cạnh việc theo sát thông tin về những sự kiện quan trọng của đất nước, những đề tài về phụ nữ, thanh thiếu niên, gia đình, lối sống… cũng được nhiều tờ báo khai thác. Phụ nữ Tân văn, Việt Nam phụ nữ, Trong khuê phòng… là những ấn phẩm đầu tiên chuyên dành cho phụ nữ; Thanh niên tạp chí, Khai trí tiến đức tập san… dành cho thanh niên cấp tiến và giới trí thức; Nhi đồng tạp chí, Nhi đồng họa báo, Tuổi thơ… dành cho thiếu niên, nhi đồng; Tiểu thuyết thứ 7, Văn học tạp chí… dành cho người yêu văn chương…

Tiến sĩ sử học Vũ Thế Long cho biết: “Thuở đó, báo chí mới xuất hiện cùng với phong trào truyền bá chữ Quốc ngữ. Tất cả các tờ này đều là báo tư nhân. Mỗi báo có một chủ trương khác nhau. Thời đó, kỹ thuật in ấn còn cổ lỗ chứ không hiện đại như bây giờ. Trình độ nguời làm báo chưa phải chuyên nghiệp nhưng đã làm được như vậy là rất tuyệt vời.

Đặc biệt ngay từ lúc sơ khai đã có những số báo chuyên về phụ nữ. Đó là một sự tiến bộ trong văn hóa và báo chí lúc bấy giờ”, tiến sĩ Vũ Thế Long cho biết.

 

Những tờ báo chuyên về phụ nữ là sự tiến bộ trong văn hóa và báo chí lúc bấy giờ

Đối với chuyên gia truyền thông, dịch giả Nguyễn Đình Thành, “Phụ nữ tân văn” là tờ báo gây ấn tượng nhất khi đến tham dự triển lãm. Theo anh, đây là một tờ báo với đầy đủ kiến thức nuôi dạy con, trang trí nhà cửa, xu hướng thời trang thế giới cho đến thơ văn, giải trí, giải câu đố… dành cho phụ nữ. Ngoài ra, trong đó có nhiều quảng cáo thú vị về mỹ phẩm, về giáo dục, về các vấn đề nữ quyền… như phụ nữ có nên tập thể thao, có nên đánh bạc, có nên xăm mình hay không… “Tờ báo cũng cho thấy mối quan tâm của phụ nữ từ xưa đến nay không thay đổi nhiều về bản chất mà chỉ thay đổi về hình thức thể hiện. Lật giở một tờ Tạp chí Đẹp ngày nay thấy rất nhiều điểm tương đồng”, anh cho biết.

Dịch giả Nguyễn Đình Thành cũng đặc biệt thích thú với câu slogan của tờ báo:

“Phấn son tô điểm sơn hà

Làm cho rõ mặt đàn bà nước Nam”.

Bức tranh sinh động về đời sống văn hóa, xã hội

Có thể thấy những tờ báo Quốc ngữ đầu tiên đã đặt nền móng cho tính đa dạng về thể loại và phục vụ nhiều đối tượng độc giả. Tuy ra đời trong những hoàn cảnh khác nhau của đất nước, nhưng trên hết, báo chí vẫn nhằm mục đích phản ánh mọi mặt của đời sống xã hội, văn hóa…

Theo tiến sĩ Vũ Thế Long, trong 100 năm báo chí ấy, mỗi thời người ta lại viết và làm báo theo các cách khác nhau. Lúc đó, chữ Quốc ngữ đang được phổ cập. Sự ra đời của những tờ báo này là một sự kiện có tính chất cách mạng, đột phá trong văn hóa Việt Nam.

Nhiều tờ báo mang đến những điều bất ngờ, thú vị cho người xem, như trên báoThanh Nghị đăng những bài giáo dục con cái trong gia đình, bên cạnh những bài thường thức gần gũi. Tờ Sống mang đến cho độc giả những câu chuyện về học thuật, văn chương, những chuyện hay- mới- vui, những hình vẽ đẹp đẽ, có ý vị. Hay báo Khoa học phổ thông là những trang tin về cách chữa bệnh, trồng cây, chăn nuôi gia súc. Trên một tờ báo khác lại có những bài giới thiệu về thời trang, có ảnh lớn kèm chú thích “Một kiểu áo sport rất gọn của Mauge Evans”, báo Phong Hóa khiến người xem thích thú với những bức tranh biếm họa được vẽ tay ngộ nghĩnh, hay có nhiều tờ báo đăng tải những mẩu quảng cáo thú vị…

 

Tờ “Sống” mang đến cho độc giả những câu chuyện về học thuật, văn chương, những chuyện hay- mới- vui, những hình vẽ đẹp đẽ, có ý vị

Tiến sĩ Vũ Thế Long cho biết, qua các cách hành văn, sử dụng chữ nghĩa, chính tả, chúng ta cũng thấy sự biến đổi không ngừng của chữ Quốc ngữ trong 100 năm. Về lối sống qua mỗi thời cũng khác nhau; có thời thì vận động tân thời, chạy theo mốt; có thời thì cực đoan, cấm đoán một cách thô bạo như cấm quần loe, tóc dài…

Là người quan tâm đến lịch sử tuyên truyền cổ động, lịch sử nghiên cứu khoa học ở Việt Nam thời canh tân Âu hóa…, nên đối với tiến sĩ Vũ Thế Long, mỗi tờ báo đều chứa đầy ắp những thông tin của quá khứ mà ta có thể so sánh với hôm nay.

“Tôi cho rằng những tờ báo xưa dù nội dung có ra sao, hình thức thế nào, phục vụ ai và có tiến bộ hay không thì bản thân nó chính là những cổ vật văn hóa. Đó là những tư liệu tin cậy và có sức thuyết phục cao khi ta cần nghiên cứu về một vấn đề nào đó trong quá khứ, đặc biệt là lịch sử chính trị và văn hóa. Vì vậy, cần sưu tầm, giữ gìn nó như những cổ vật giá trị và khai thác chúng về nhiều khía cạnh như những nguồn sử liệu chân thực có giá trị”, tiến sĩ Vũ Thế Long khẳng định./.

Hà Phương/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *