(kontumtv.vn) – Năm mới Canh Tý đã về, năm ghi dấu kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 45 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum tự hào đã có nhiều đóng góp, hy sinh trong hai cuộc kháng chiến vẻ vang của dân tộc, cùng cả nước giành thắng lợi hoàn toàn vào ngày 30/4 năm 1975 lịch sử. Đón mừng xuân mới, chúng tôi về thăm lại những vùng căn cứ kháng chiến năm xưa, trong niềm phấn khởi, lạc quan trước những đổi thay ở những nơi này.

Công việc cuối năm thật bộn bề, nhưng Y Mỹ Hạnh, Giám đốc Trung tâm VHTT&DL huyện Đăklei vẫn thu xếp cùng chúng tôi “về nguồn”, thăm lại Di tích lịch sử Ngục Đăk Glei. Đường về xã Đăk Choong thênh thang, râm mát. Đứng trong sân khu di tích trên đồi cao, gió vi vút thổi. Ngược dòng thời gian để nhớ về một chặng đường đã qua, lưu lại nơi này.

Năm 1927, âm mưu thôn tính toàn bộ Tây Nguyên nên thực dân Pháp mở đường 14 từ Kon Tum lên Đăk Tô – Đăk Pek – Đăk Glei. Năm 1932, Pháp xây dựng nhà tù Đăk Glei, ban đầu giam giữ thường phạm người địa phương, sau giam giữ tù chính trị ở Kon Tum bị bắt lên làm đường 14. Sau năm 1939, nơi này được biến thành “căng an trí” để giam cầm các chiến sĩ cộng sản mang án chung thân. Các chiến sĩ Cộng sản, các nhà hoạt động cách mạng đã bị giam cầm tại đây như ông Lê Văn Hiến, Chu Huy Mân, Trần Văn Trà, Tố Hữu… đã thắp lên ngọn lửa của tinh thần đoàn kết, ý chí giải phóng dân tộc ở vùng cực bắc Tây Nguyên. Di tích lịch sử Ngục Đăk Glei được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL) công nhận ngày 30/12/1991, là một trong số di tích đầu tiên được công nhận sau ngày tỉnh Kon Tum được thành lập lại. Di tích lịch sử Ngục ĐăkGlei đã được trùng tu, tôn tạo, trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng của tỉnh Kon Tum. Ông A Nhã, Chủ tịch UBND xã Đăk Choong chia sẻ: “Nhân dân xã Đăk Choong rất tự hào có Di tích Ngục Đăk Glei. Đảng ủy trong thời gian qua cũng chỉ đạo đoàn thể, mặt trận ra sức tuyên truyền, giáo dục cho con em trên địa bàn phát huy tinh thần yêu nước, phát triển kinh tế – xã hội”.

Khu căn cứ cách mạng năm xưa đang ngày càng khởi sắc
Khu căn cứ cách mạng năm xưa đang ngày càng khởi sắc

Qua trung tâm xã Đăk Choong chưa đầy 10 cây số, đường vào xã Xốp xe bon bon chạy. Qua đông, màu vàng của hoa dã quỳ còn vương lại cho lòng thêm phấn chấn. Xốp Nghét là  một trong số 7 thôn, làng của xã. Rất tiếc vì con trai của Anh hùng lực lượng vũ trang Đinh Môn (A Mét) đi vắng, nhưng chúng tôi đã may mắn gặp ông A Nghem, thân nhân một cán bộ của làng kháng chiến Xốp Dùi năm xưa. Cuộc trò chuyện tình cờ, ngắn ngủi với ông thực sự là thông tin, tư liệu quý lần đầu tiên chúng tôi được chia sẻ: “Ông nội được cán bộ chọn là gia đình tiêu biểu của thôn làng, được chọn là cán bộ nuôi dưỡng cách mạng thời điểm đó. Sau đó rồi cán bộ tăng cường được ông nội huy động và chọn những thanh niên hỗ trợ giúp đỡ  làm chòi trong rừng rồi tối về họp thôn. Nhà chính là trong rừng, còn đi về họp thôn, nắm tình hình trong thôn, tất cả định hướng”.

Được biết, làng kháng chiến Xốp Dùi là mô hình làng kháng chiến đầu tiên được hình thành ở Tây Nguyên nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng và trở thành hình mẫu trong phong trào đấu tranh giữ làng của đồng bào các dân tộc thiểu số địa phương trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Từ mô hình điểm này, sau đó, nhân dân và LLVT xã Xốp, huyện Đăk Glei đã xây dựng 09 làng kháng chiến, đóng góp nhiều công sức trong hai cuộc kháng chiến. Làng kháng chiến Xốp Dùi và người du kích huyền thoại Đinh Môn đã trở thành nguyên mẫu trong truyện ngắn “Rừng xà nu” của nhà văn Nguyễn Trung Thành. Nhân dịp kỷ niệm 71 năm ngày truyền thống Quân đội Nhân dân Việt Nam, ngày 22/12/2015, lễ công bố quyết định xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh đối với Di tích làng kháng chiến Xốp Dùi đã được tổ chức. Xã Xốp tự hào về những đóng góp, hy sinh của cán bộ, nhân dân địa phương trong kháng chiến đã được ghi nhận và quyết tâm phát huy truyền thống của cha ông, đoàn kết xây dựng vùng căn cứ cách mạng năm xưa ngày càng ổn định và phát triển. Tâm sự với chúng tôi, ông A Nghem nói: “Tôi được sinh ra tại làng Xốp Dùi. Tự hào thôn làng, xã nhà, mong muốn làm sao tuyên truyền cho thế hệ sau tiếp nối để xây dựng xã nhà, thôn làng tốt hơn”.

Và đây là chia sẻ đầy phấn khởi của ông A Ruổi, Chủ tịch UBND xã Xốp về nỗ lực của cán bộ, nhân dân vùng căn cứ kháng chiến năm xưa: “Trong nhiệm kỳ qua thì Đảng bộ, chính quyền đã tập trung chỉ đạo bà con trồng cây cà phê và cây bời lời, rồi một số cây khác như cây dược liệu, chỉ đạo tập trung để bà con xóa đói giảm nghèo. Đây chủ yếu xã Xốp mũi nhọn là cà phê, bời lời, đời sống của bà con đã từng bước nâng lên. nhờ Chương trình 135, rồi các chương trình khác, bà con áp dụng khoa học kỹ thuật mà sản xuất, tăng thu nhập”.

Song song với ổn định canh tác khoảng 500 ha cây lương thực, thực phẩm các loại, xã Xốp hiện đã trồng được 190 ha cây cà phê xứ lạnh, 02 ha cây sâm dây và khoảng 2 sào cây sâm Ngọc Linh. Trên cơ sở tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng vặt nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá mà trọng tâm là phát triển cây cà phê xứ lạnh và cây dược liệu, xã phấn đấu trong nhiệm kỳ công tác khóa mới ( 2020-2015), từng bước kéo giảm gần 40% hộ nghèo hiện còn, gắn với xây dựng nông thôn mới.

Năm nay, hoa đào nở sớm. Chưa đến Tết, Măng Đen đã thắm tươi sắc hoa mùa lạnh. Thẳng hướng Quốc lộ 24 dưới rừng thông xanh vi vút, xe chúng tôi bon bon một mạch, rẽ theo đường Đông Trường Sơn về xã vùng sâu Ngọc Tem. Nơi đây ảnh hưởng nhiều của khí hậu vùng đồng bằng thuộc tỉnh Quảng Ngãi giáp ranh nên ban ngày không lạnh nhiều như ở thị trấn Măng Đen và các xã Pờ Ê, xã Hiếu của huyện Kon Plông. Trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã được xây thêm một dãy nhà làm việc mới, đang trong giai đoạn hoàn thiện. Chúng tôi theo vợ chồng ông A Chuốc, bà Y Xai ở thôn Điêk Lò 1, lên khu vực rẫy mì của gia đình ông A Đing người cùng thôn. Đây là vị trí đứng chân cơ quan làm việc của H29 ngày trước. Bà Y Xai nói: “Ở đây, khu làm việc của H 29 thời chiến tranh thì họ lấy đá kè để đắp, lấy đất lên đắp thành nền để dựng nhà làm việc của huyện H29. Các phòng ban của huyện đều nằm ở đây. Rồi an ninh. Chỉ có bộ đội là ở làng cũ”.

Tiếp lời vợ, ông A Chuốc kể: “Bố là bí thư xã Hà Lò huyện H9, vừa là bí thư, vừa là chủ tịch. Tên ông già là A Bang. Ai cũng biết ông già hết, những người lão thành biết hết. Hồi đó lãnh đạo thì bí mật mà. Họp bà con này, ủng hộ cho bộ đội này. Có sắn, có bắp ủng hộ cho bộ đội”.

Xã Ngọc Tem là nơi cơ quan H29 gây dựng căn cứ, công tác trong khoảng  15 năm kháng chiến chống Mỹ, từ 1960 đến 1975. Riêng thôn Điêk Lò 1 hiện nay là nơi H29 hoạt động trong thời gian từ năm 1972 đến 1975. Đồng bào dân tộc địa phương đi du kích, vào bộ đội, tham gia xây dựng lực lượng kháng chiến, đồng thời tận dụng địa hình rừng núi, nơi có sông suối để trồng tỉa, đóng góp lương thực (gạo, bắp, mì) nuôi cán bộ, bộ đội. Phát huy truyền thống cách mạng kiên cường trong kháng chiến, sau ngày giải phóng, đồng bào đoàn kết một lòng theo Đảng theo cách mạng, chăm lo sản xuất, chung tay xây dựng cuộc sống mới. Bà Y Xai phấn khởi khoe: “Xã chọn làm mô hình nghệ làm dược liệu thì gia đình tôi cũng làm. Xã hỗ trợ giống, còn công hai vợ chồng bỏ ra trồng và chăm sóc. Sau 1 năm chăm sóc thu hoạch thì 2 vợ chồng cũng thu nhập được 70 triệu đồng”.

Năm 2019, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn đạt gần 970 kg lương thực có hạt – tăng hơn 130 kg/ người so với năm 2015. Xã đạt 15/19 tiêu chí nông thôn mới. Tất cả 12 thôn đều có nhà văn hóa gắn với bảo tồn nét đẹp truyền thống của người Ka Dong, H’Rê trong sinh hoạt cộng đồng. Những năm qua, mỗi năm, bình quân xã giảm hơn 5% hộ nghèo, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 25% vào năm 2020. Bà Y Hiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Tem khẳng định: “Đảng bộ và chính quyền đã lãnh đạo các dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Ngọc Tem chăm lo sản xuất để xóa đói giảm nghèo, rồi giữ vững an ninh chính trị  tại địa bàn và đưa xã Ngọc Tem ngày một phát triển, đi lên”.

Khu Di tích lịch sử cách mạng Căn cứ Tỉnh ủy tại xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông nằm trên điểm cao 1900 m so với mặt nước biển. Vượt qua đoạn đường dốc hơn 3 cây số để đến nơi, nhưng nơi đây luôn là điểm đến có sức hút đối với các cựu chiến binh, du khách gần xa và nhất là đối với các em học sinh với mong muốn trở về nguồn cội của cách mạng, tìm hiểu truyền thống, khám thiên nhiên đã hình thành và gắn bó với mảnh đất và con người qua nhiều giai đoạn lịch sử. Chúng tôi may mắn gặp ông A Duân – già làng Pu Tá, xã Măng Ri, nguyên là giao liên  làm liên lạc cho Tỉnh ủy Kon Tum trong giai đoạn từ tháng 4/1964 đến đầu năm 1965. Cho đến giờ, một thời gian khổ, khó khăn ông A Duân vẫn không quên:

“Khi ông già đi, họ giao cho ông già một khẩu cacbin. Ông già đi  tới đâu ngủ đó, không có cơm gì đâu, Hai ba bốn người gặp lính đi sửa súng sửa đạn  cho Tỉnh Đội. Tôi nhai một miếng, họ nhai một miếng mì tươi. Vùng này có trồng mì đâu, phải mang từ xa”.

Ở khu căn cứ Tỉnh ủy năm xưa, khu vực rừng rậm vẫn được giữ gìn, bảo vệ cẩn thận. Một số điểm đã được quy hoạch để trồng sâm Ngọc Linh. Loài “thuốc giấu” của đồng bào Xê Đăng thủa nào đã trở thành “sản phẩm quốc gia”, kỳ vọng được đầu tư bằng nhiều nguồn lực và theo lộ trình để giúp người dân địa phương giảm nghèo, phát triển kinh tế. Trong đó, mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và các hộ dân, người lao động địa phương được bà con nhiệt tình ủng hộ. Năm nay,  gia đình A Diệp, người làng Đăk Dơn, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông đón Tết vui hơn, vì anh đã trở thành công nhân của Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh, một trong số doanh nghiệp đầu tư phát triển loài dược liệu quý hiếm này tại địa bàn: “Diệp vào làm công ty mới có hai tháng. Bởi vì là họ cho mình  một năm 100 gốc  để làm giống. Mong muốn làm giống để mình trồng, trồng lại để sau này nó có nhiều nữa. Mình trồng lại mình bán đi. Có thu nhập”.

Anh A Đôi, Thôn trưởng thôn Đăk Dơn cho biết thêm: “Thôn Đăk Dơn làm cho công ty hơn 50 hộ, 1 năm, công ty cấp giống 100 gốc, còn lương tháng làm theo công. Đủ công là 1 tháng 3 triệu, còn không đủ thì  tính theo công thôi. Cơm nước thì công ty lo hết. Quần áo đồng phục 1 năm công ty cấp hai bộ. Một năm hai đôi ủng”.

Kon Tum, vùng Bắc Tây Nguyên kiên cường trong kháng chiến là nơi ghi dấu nhiều di tích lịch sử cách mạng. Cùng với Ngục Kon Tum, Ngục Đăk Glei, căn cứ Tỉnh ủy, căn cứ H29; có thể kể đến di tích lịch sử chiến thắng Đăk Tô- Tân Cảnh,chiến thắng Plei Kần,chiến thắng Măng Bút, chiến thắng Đăk Pek, di tích lịch sử và danh thắng Măng Đen, di tích lịch sử cách mạng căn cứ kháng chiến Đăk Ui, làng kháng chiến Xốp Dùi, di tích lịch sử phân xưởng luyện gang – quân giới khu 5 tại xã Đăk Côi – Kon Rẫy… Có dịp đến những nơi này, chúng ta càng cảm nhận một cách chân thực và sâu sắc sự đổi thay rất đỗi tự hào, sức sống mới vô cùng đáng trân trọng từ những mảnh đất đầy gian khổ, hy sinh năm xưa.

          Nghĩa Hà – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *