(kontumtv.vn) – Mặc dù điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn, nhưng tỉnh Kon Tum luôn quan tâm đầu tư phát triển mạng lưới giáo dục trong toàn tỉnh. Việc thành lập mới các trường THPT, các phân hiệu và điểm THPT nhô tại các cụm xã vùng sâu, vùng xa đã cho thấy nỗ lực đầu tư phát triển cho sự nghiệp giáo dục.

Mặc dù quy mô còn khiêm tốn, nhưng việc mở lớp nhô cấp THPT tại xã Hiếu, (Kon Plông, Kon Tum) đã tạo được sự chuyển biến lớn trong sự nghiệp giáo dục tại các xã khu vực phía Đông của huyện Kon Plông. Trên 70 học sinh ở các xã đặc biệt khó khăn là Pờ Ê, Ngọc Tem, xã Hiếu và xã Đăk Long được vào học lớp 10 thuận lợi. Em Y Thị (lớp 10E, Điểm lớp Nhô xã Hiếu, Trường PTDTNT huyện Kon Plông) nói: “Mấy năm trước anh chị của em học xong lớp 9 rất ít người lên cấp 3 học vì trường xa nhà quá. Năm nay có lớp nhô ở đây bọn em học xong lớp 9 đều lên lớp 10 học vì trường ở gần. Em sẽ cố gắng học để lên đại học”.

“Có một số em đã nghỉ học sau khi tốt nghiệp cấp 2 do không không có điều kiện ra huyện học, một số nghỉ học 1-2 năm đã đăng ký tham gia học lại. Tỉ lệ học sinh duy trì ở điểm cấp 3 nhô lúc nào cũng trên 95%. Nhân dân ở 4 xã gần đây rất phấn khởi, tạo điều kiện thuận lợi cho con em theo học”.        Bà Nguyễn Thị Thanh Tuyền, Bí thư Đảng ủy xã Hiếu, huyện Kon Plông cho biết.

Học sinh vùng sâu, vùng xa đã được học PTTH tại địa phương
Học sinh vùng sâu, vùng xa đã được học THPT tại địa phương

Để đáp ứng nguyện vọng của các em học sinh vùng sâu, vùng xa, năm học 2017-2018, ngành Giáo dục tỉnh Kon Tum đã tham mưu cho UBND tỉnh mở Phân hiệu Trường PTDTNT tỉnh tại huyện mới Ia HD`rai, mở điểm THPT nhô tại xã Mô Rai, huyện Sa Thầy và tại xã Hiếu, huyện Kon Plông. Theo đó, gần hai trăm em học sinh vùng sâu, vùng xa được tiếp tục học bậc THPT thuận lợi. Đây là nỗ lực lớn của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh trong việc vượt khó đưa cấp THPT đến với vùng sâu vùng xa.Ông Nguyễn Hóa, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum cho biết: “Để các lớp nhô, các phân hiệu đi vào ổn định thì Sở GD&ĐT đã điều động cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên lên các trường đó. Đồng thời cung cấp trang thiết bị, sách giáo khoa, vở cho các em và các phương tiện để nhà trường hoạt động”.

Hiệu quả của việc đưa cấp THPT đến với vùng sâu, vùng xa là khá rõ nét. Đơn cử tại Trường THPT Phan Chu Trinh (Đăk Dục, Ngọc Hồi), sau 7 năm được thành lập, trường đã giúp hơn 1.000 lượt học sinh ở các xã phía Nam của huyện Đăk Glei và phía Bắc của huyện Ngọc Hồi được theo học THPT gần nhà. Kết quả, đã có gần 300 em tốt nghiệp THPT và hiện có nhiều em đã tốt nghiệp đại học, trở về địa phương công tác. Đây là động lực để học sinh Trường THPT Phan Chu Trinh, huyện Ngọc Hồi tiếp tục phấn đấu học tập, rèn luyện.

Với huyện mới Ia H`Drai, mặc dù Phân hiệu Trường PTDTNT vừa đi vào hoạt động, nhưng hiệu quả đem lại là rất lớn. Có trường, trên 70 học sinh của huyện được vào học lớp 10 thuận lợi. Nếu trường chưa được xây dựng, chắc chắn tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học lớp 10 của huyện mới sẽ thấp hơn rất nhiều.

Từ sự nỗ lực của ngành Giáo dục và Đào tạo, cùng sự quan tâm đầu tư của cấp ủy, chính quyền địa phương, hệ thống các trường THPT không chỉ được xây dựng tại trung tâm các huyện, mà còn được bố trí tại nhiều trung tâm cụm xã vùng sâu, vùng xa. Đến nay, toàn tỉnh có 26 trường THPT, 9 trường PTDTBT, ba phân hiệu trường PTDTNT tại các huyện Đăk Glei, Kon Plông và Ia H`Drai. Ngoài ra, còn có các điểm THPT nhô tại xã Mô Rai của huyện Sa Thầy và tại xã Hiếu của huyện Kon Plông.

Tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống trường lớp cấp THPT, đặc biệt là các phân hiệu và các điểm THPT nhô là mục tiêu của ngành Giáo dục tỉnh trong năm học 2017-2018 và những năm tiếp theo. Ông Nguyễn Hóa cho biết: “Về cơ sở vật chất, tiếp tục đầu tư, nhất là đối với các cơ sở còn mượn, còn thiếu thốn ở các huyện. Ngoài ra tiếp tục vận động các nguồn hỗ trợ sách giáo khoa, vở cho các em không có chế độ. Hy vọng với sự nỗ lức đó, các trường sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng đáp ứng nhu cầu học tập tốt hơn”.

Việc nỗ lực đưa cấp THPT đến với vùng sâu, vùng xa của ngành Giáo dục  đã góp phần đáng kể vào việc nâng cao trình độ dân trí, đào tạo nguồn nhân cho tỉnh. Đây là bước cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Kon Tum về phát triển giáo dục giai đoạn 2015-2020 vào thực tiễn.

                                                          Văn Hiển – Tấn Thành

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *