(kontumtv.vn) – Từ nguồn đầu tư của Trung ương, của tỉnh, kết hợp với phát huy thế mạnh của địa phương, công tác giảm nghèo tại huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) đạt được kết quả tích cực trong năm 2015.

Gia đình chị Y Khai (làng Đăk Ríp, xã Đăk Sao, huyện Tu Mơ Rông), sau bão số 9 năm 2009, cũng như nhiều gia đình khác lâm vào cảnh trắng tay. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của cộng đồng, đến nay gia đình chị đã có nhà mới, khôi phục được rẫy mì, rẫy lúa hơn 2 ha. Chồng chị được tạo điều kiện đi xuất khẩu lao động tại Malayxia. Nhờ vậy, đến cuối năm 2015 gia đình Y Khai đã thoát khỏi diện hộ nghèo.  Chị Y Khai phấn khởi: “Nhà nước hỗ trợ cho em 1 cái nhà cho 3 mẹ con ở. Bây giờ chồng em đi xuất khẩu lao động đã được 5 tháng, gửi tiền về hơn 20 triệu rồi. Bây giờ em đỡ nghèo, nuôi 2 đứa con cũng tốt”.

Trung tâm huyện Tu Mơ Rông
Trung tâm huyện Tu Mơ Rông

Năm 2015, huyện Tu Mơ Rông có 470 hộ gia đình thoát nghèo và hơn 200 hộ gia đình thoát khỏi diện cận nghèo. Đây là con số ấn tượng với một huyện nằm trong diện đặc biệt khó khăn. Có được kết quả này, nhờ cấp ủy, chính quyền huyện Tu Mơ Rông đã có những nghị quyết, những giải pháp đúng đắn và phù hợp. Ông A Hơn, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông nói: “Nhờ sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, UBND huyện đã cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng bộ, HĐND huyện để đưa vào phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn. Đặc biệt, huyện đã chỉ đạo các xã quan tâm công tác xóa đói giảm nghèo, xóa nhà tạm bợ. Từ khi thành lập huyện, hộ nghèo từ 70% còn lại 30%”.

Cùng với ưu tiên phát triển mạng lưới giao thông gắn với đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn và đẩy mạnh xuất khẩu lao động, năm 2015 huyện Tu Mơ Rông đã thực hiện tốt việc vận động trên 1.000 hộ dân về định cư tại nơi ở mới. Đồng thời, huyện triển khai nhiều chương trình để giúp người dân phát triển cây dược liệu, cây bời lời và cà phê xứ lạnh. Đến nay, toàn huyện trồng được trên 175 ha cà phê xứ lạnh, hơn 400 ha bời lời, gần 16 ha sâm dây, trên 350 ha bo bo, 2 ha sâm đương quy và 25 ha sâm Ngọc Linh. Đáng phấn khỏi là mô hình phát triển cây dược liệu được nhân dân đồng tình hưởng ứng và bước đầu đem lại hiệu quả tích cực. Như mô hình trồng sâm dây xen bắp và mì của phụ nữ thôn Pu Tá, xã MăngRi. Qua hơn 2 năm thí điểm, bình quân mỗi sào sâm dây chị em của thôn thu được gần 50 triệu đồng.

Xét theo chuẩn nghèo đa chiều, đến đầu năm 2016, huyện Tu Mơ Rông có trên 72% hộ nghèo và hơn 10% hộ cận nghèo. So với những địa phương khác, tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới tại huyện Tu Mơ Rông khá cao. Tuy nhiên, với hướng đi và những giải pháp đúng đắn, phù họp, với kết quả đạt được trong công tác giảm nghèo trong thời gian qua, mục tiêu thoát khỏi huyện đặc biệt khó khăn vào năm 2020 của Đảng bộ, nhân dân huyện Tu Mơ Rông  là hoàn toàn có cơ sở.

                                                          Văn Hiển – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *