(kontumtv.vn) – Trong điều kiện  một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn như Kon Tum, chính sách BHYT đóng vai trò rất quan trọng trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Những năm qua, tỉnh Kon Tum đã nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao tỷ lệ người dân tham gia BHYT, với mục tiêu ngày càng có nhiều người  dân được thụ hưởng chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước.

Năm 2016, anh Phan Trần Điệp (12, đường Sư Vạn Hạnh, thành phố Kon Tum) bắt đầu tham gia BHYT tự nguyện. Trước đây, anh không hề nghĩ mình sẽ mua BHYT cho bản thân. Thế nhưng, sau một vụ tai nạn giao thông, anh đã thấy được lợi ích thiết thực của BHYT. Giờ đây, nhờ có thẻ BHYT mà anh yên tâm thực hiện phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng, một loại phẫu thuật kỹ thuật cao, chi phí phẫu thuật lên đến hàng chục triệu đồng. Anh Điệp cho biết: “Lúc mới bị tai nạn thì mổ đợt đầu chi phí 30 triệu đồng. Từ khi có BHYT, mổ chỉ tốn 5 triệu đồng. Bác sỹ nói nếu không có BHYT tiền viện phí của tôi đợt này lên tới 25 triệu đồng”.

Chăm sóc bệnh nhân BHYT
Điều trị bệnh nhân BHYT

Chị Võ Thị Vân (77, đường  Nguyễn Văn Trổi, thành phố Kon Tum) là người nhà của bệnh nhân Trương Thị Thơ – bệnh nhân đã thực hiện phẫu thuật thay khớp háng toàn phần tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Chị Vân chia sẻ, dù biết chi phí của ca phẫu thuật rất cao, nhưng nhờ có BHYT nên gia đình cũng đỡ lo gánh nặng về kinh tế: “Theo như gia đình được biết thì ca phẫu thuật thay khớp háng phải mất chi phí từ 50 đến 60 triệu đồng, nhưng nghe các bác sỹ nói BHYT sẽ thanh toán 80%, khoản còn lại gia đình thanh toán cho bệnh viện rất là ít. Như vậy thì mình tiết kiệm được rất nhiều”.

Trong những năm gần đây, đặc biệt từ khi Luật BHYT sửa đổi, bổ sung có hiệu lực, việc mở rộng quyền lợi hưởng BHYT đã giúp cho người có thẻ BHYT tiếp cận tối đa các dịch vụ kỹ thuật y tế tiên tiến. Hiện nay, hầu hết thuốc, dịch vụ kỹ thuật đều được Quỹ BHYT chi trả. Các loại thuốc thuộc Quỹ BHYT thanh toán cũng được mở rộng. Điều này đồng nghĩa quyền lợi của người tham gia BHYT ngày càng được nâng lên. Thầy thuốc ưu tú, Bác sỹ CKII  Trần Ái, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kon Tum cho biết: “Luật BHYT sửa đổi bổ sung có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 bổ sung thêm một số bệnh, một số trường hợp BHYT sẽ thanh toán. Đó là tự tử, tự gây thương tích, tai nạn giao thông, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Và cùng với việc thông tuyến, đặc biệt là tuyến huyện, BHYT sẽ thanh toán 100% ở tuyến huyện, trước đây chỉ 70%. Hay là ở tuyến tỉnh 50% trước đây thì bây giờ 60%, đó là một số quyền lợi cơ bản mà người tham gia BHYT được hưởng”.

Đến thời điểm hiện nay, tỷ lệ người dân tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh đạt trên 85%. Để thực hiện mục tiêu đạt trên 90% tỷ lệ người dân tham gia BHYT vào năm 2020, ngành BHXH tỉnh đang nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trọng tâm, thiết thực. Bà Nguyễn Thị Thoi, Phó Giám đốc  BHXH tỉnh Kon Tum nói: “Về giải pháp của BHXH tình, trước hết tham mưu cho UBND tỉnh giao chỉ tiêu phát triển BHYT cho các huyện, thành phố, gắn trách nhiệm của Chủ tịch UBND huyện với tỷ lệ tham gia BHYT trên địa bàn. Thứ hai là xây dựng qui chế phối hợp với các sở, ban, ngành để thực hiện chính sách BHYT. Thứ ba là tham mưu cho UBND tỉnh dùng nguồn quỹ kết dư BHYT được để lại tại địa phương để hỗ trợ cho nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần, giúp cho nhóm đối tượng này có được BHYT”.

Thực hiện BHYT toàn dân là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, có ý nghĩa an sinh rất to lớn đối với đời sống cộng đồng. Người tham gia BHYT có điều kiện được chăm sóc sức khỏe tốt hơn, góp phần nâng cao đời sống, phát triển kinh tế gia đình.

                                                                 Thanh Tùng – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *