(kontumtv.vn) – Những năm qua, công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ luôn được các cấp ngành, địa phương tỉnh Kon Tum quan tâm thực hiện. Việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đã góp phần giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế; tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ dân tộc thiểu số đối với thị trường lao động, việc làm; giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị với sự tham gia tích cực của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo. Tại nhiều địa phương, mô hình, câu lạc bộ vì sự tiến bộ của phụ nữ được thành lập, tạo tiền đề vững chắc cho việc thực hiện hiệu quả công tác bình đẳng giới.

Năm 2013, UBND tỉnh chọn xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà là địa phương thực hiện mô hình điểm về ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại bạo lực trên cơ sở giới. Từ đây, Câu lạc bộ ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới tại thôn Bình Minh và thôn 2 được thành lập. 6 năm hoạt động, các câu lạc bộ đã góp phần phòng, chống, giảm thiểu tình trạng bạo lực giới thông qua truyền thông, tổ chức hòa giải thành công các vụ xung đột, mâu thuẫn trong gia đình. Ông Đoàn Văn Chương, Chủ nhiệm Câu lạc bộ ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới tại thôn Bình Minh cho biết, câu lạc bộ có 30 thành viên, tất cả đều tham gia nhiệt tình, trách nhiệm: “Tác dụng của CLB khi hoạt động thì trong địa phương chúng tôi đã giảm đi rất nhiều những trường hợp bạo lực trên cơ sở giới, các gia đình ổn định, gia đình hạnh phúc và có hạnh phúc thì cùng hòa thuận rồi chung tay góp sức phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình, làm giàu cho địa phương, góp phần chung tay cùng xã xây dựng nông thôn mới”.

Hội thi chào mừng Ngày Gia đình Việt Nam
Hội thi chào mừng Ngày Gia đình Việt Nam

Chị Nguyễn Thị Thúy, thành viên sinh hoạt trong Câu lạc bộ cho biết thêm:  “Cũng là tuyên truyền cho bên hội viên phụ nữ của mình. Tuyên truyền với các chị em là làm sao bình đẳng giữa nam giới và phụ nữ. Nam giới rượu chè về thì không đánh đập, chửi bới gì vợ con, phụ nữ gì nữa”.

Câu lạc bộ ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới hoạt động hiệu quả đã tạo tiền đề thuận lợi cho việc triển khai công tác bình đẳng giới tại địa phương. Hiện nay, hơn 50% nữ giới huyện Đăk Hà tham gia các cấp ủy Đảng; tỷ lệ các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội có lãnh đạo nữ từ cấp phó trở lên chiếm 70%; mỗi năm, gần 50% nữ giới trên địa bàn được tạo việc làm mới; gần 98% phụ nữ từ 15 – 60 tuổi biết chữ. Phụ nữ được tạo mọi điều kiện tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, rèn luyện thể dục, thể thao. Ông Lê Lợi, Phó Chủ tịch UBND xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà nói: “Nâng cao được nhận thức của bà con nhân dân về công tác bình đẳng giới nhất là phát huy vai trò của phụ nữ trong tất cả các lĩnh vực, tạo ra sự bình đẳng trong các hộ gia đình, trong đó nâng cao nhận thức của nam và của anh em có ý thức tôn trọng ý kiến chung của các thành viên trong gia đình, ý kiến của chị em và đồng thời cũng có sự chia sẻ cùng với chị em trong phát triển kinh tế cũng như chăm sóc con cái”.

Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, hiện nay, tỉnh Kon Tum có trên 81.900 hội viên, phụ nữ, trong đó, hơn 38.000 hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số. Thông qua tập huấn, tuyên truyền, chị em ý thức hơn về công tác bình đẳng giới; tích cực tham gia các hoạt động giúp nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình, xã hội. Bà Trần Thị Phong Lan, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cho hay: “Thời gian qua, chúng tôi tập trung vào đối tượng phụ nữ dân tộc thiểu số, ở các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Thời gian qua thấy rằng những tác động như vậy, chị em rất mạnh dạn, tự tin, đặc biệt là trong phát triển kinh tế gia đình. Chị em mạnh dạn hơn, bày tỏ chính kiến của mình, quan điểm của mình đối với hoạt động sinh kế của gia đình, đặc biệt là tham gia các chương trình phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương”.

Thực hiện Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020, tỉnh Kon Tum đạt nhiều kết quả tích cực, thể hiện qua những con số ấn tượng như: nhiệm kỳ 2016-2021, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, nữ đại biểu HĐND các cấp chiếm gần 50%, đạt gần 140% chỉ tiêu Chiến lược đề ra. Tỷ lệ phụ nữ được tạo việc làm mới giai đoạn 2016-2020 đạt 50%, vượt gần 6% so với giai đoạn 2011-2015. Năm 2020, tỷ lệ phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp ước gần 30%, đạt trên 116% chỉ tiêu Chiến lược đề ra. Giai đoạn 2021 – 2030, tỉnh Kon Tum xác định tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác bình đẳng giới. Trong đó, tập trung tạo mọi điều kiện để phụ nữ tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe; ngăn ngừa, bảo vệ phụ nữ, trẻ em trước nguy cơ bạo lực và quấy rối; tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động.

Thu Trang – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *