(kontumtv.vn) – Sau 11 năm không ghi nhận ca bệnh, vào tháng 10 vừa qua, bệnh bạch hầu bùng phát mạnh trở lại tại tỉnh Kon Tum với 02 trường hợp tử vong. Riêng tháng 11, tiếp tục có thêm 10 bệnh nhân nhập viện điều trị bạch hầu, trong đó đã xác định được 7 ca dương tính với bệnh. Huyện Đăk Hà, Đăk Tô và Tu Mơ Rông là các địa phương xuất hiện ổ dịch. Điều đáng nói, không chỉ có các xã, thôn, làng trên địa bàn có bệnh nhân bạch hầu mà hiện nay, ổ dịch đã xuất hiện tại trường học, làm dấy lên nỗi lo ngại về sự lây lan ổ dịch trong cộng đồng.

Hơn 01 tuần kể từ khi phát hiện 7 trường hợp học sinh có biểu hiện mắc bạch hầu, các thầy cô và gần 330 học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Đăk Tô luôn nêu cao tinh thần cảnh giác đối với căn bệnh này. Đội ngũ nhân viên y tế của trường có mặt 24/24 giờ, thường trực nhắc nhở học sinh đeo khẩu trang y tế, chú ý giữ gìn vệ sinh cá nhân và nếu có bất kỳ biểu hiện nào của bệnh bạch hầu như ho, sốt nhẹ, đau họng, họng khó nuốt… cần liên hệ ngay với nhà trường để kịp thời phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Đăk Tô chẩn đoán, điều trị. Bác sĩ A Nhôm, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đăk Tô cho biết: “Các ổ bệnh bạch hầu có thể diễn tiến phức tạp. Hiện tại đã có điểm đầu tiên là xã Đăk Trăm, tại làng Tê Peng. Sau đó một thời gian lại xuất hiện ở xã Kon Đào mà em này là học sinh Trường PTDTNT huyện Đăk Tô. Và sau khi phết họng các em ở trường nội trú thì có 04 người tiếp xúc gần dương tính với bệnh bạch hầu là những em ở xã Văn Lem, Pô Kô và một thôn của người đồng bào dân tộc thiểu số là Đăk Rao”.

Bệnh nhân bạch hầu đang điều trị tại BVĐK tỉnh Kon Tum
Bệnh nhân bạch hầu đang điều trị tại BVĐK tỉnh Kon Tum

Với 05 trường hợp học sinh được phát hiện là dương tính với vi khuẩn bạch hầu thì Trường PTDTNT huyện Đăk Tô đã trở thành một trong những ổ dịch bạch hầu mới xuất hiện trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Để hạn chế sự lây lan của bệnh trong cộng đồng, ngành Y tế tỉnh đã tiến hành cách ly ngôi trường với môi trường xung quanh bằng cách vận động các học sinh hạn chế trở về làng, hạn chế trở về nhà mà ở trực tiếp trong khu tập thể của trường. Hiện tại, ngành Y tế tỉnh Kon Tum đã thực hiện xử lý môi trường ổ dịch bạch hầu tại trường, tiến hành tiêm vắc xin, cấp thuốc phòng bệnh bạch hầu cho tất cả học sinh và giáo viên trong trường. Bác sĩ A Nhôm nói: “Trung tâm Y tế đã phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật của tỉnh phun thuốc, tuyên truyền trong trường vừa là thầy cô giáo, cán bộ công chức, viên chức và học sinh trong trường nắm rõ triệu chứng lâm sàng của bệnh và tầm quan trọng của bệnh, bệnh này lây qua đường hô hấp thành ra trường rất ủng hộ. Sau này khi phát thuốc là Trung tâm đã nhắc cho cô giáo phải phát thuốc cho từng học sinh uống ngay tại lớp vào buổi sáng và buổi chiều chứ không cho học sinh về nhà uống”.

Trước đó, từ tháng 05 đến giữa tháng 10/2018, tỉnh Kon Tum ghi nhận 03 trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu. Trong đó, 02 trường hợp đã tử vong. Ổ dịch bạch hầu xuất hiện đầu tiên ở thôn 7, xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà, tiếp đến là thôn Tê Pên của xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô và xã Đăk Tờ Kan của huyện Tu Mơ Rông. Nay ổ dịch tiếp tục bùng phát tại xã Kon Đào, xã Văn Lem và lây lan thành ổ dịch tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Đăk Tô. Tính riêng trong tháng 11, đã có 10 trường hợp nhập viện điều trị bạch hầu tại Khoa Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum. Hiện 7 trường hợp được xác định dương tính với vi khuẩn bạch hầu. 03 bệnh nhân còn lại đang chờ kết luận xét nghiệm của Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên. Như vậy, kể từ khi bệnh bạch hầu bùng phát trở lại tại tỉnh Kon Tum từ tháng 05 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 10 ca mắc, làm dấy lên nỗi lo về sự lây lan ổ dịch bạch hầu trong cộng đồng. Không chỉ vậy, công tác điều trị căn bệnh này đang gặp rất nhiều khó khăn do chưa có huyết thanh kháng độc tố bạch hầu. Giải pháp tạm thời là sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị. Tuy nhiên, trên thực tế, kháng sinh không có khả năng giảm độc tố gây biến chứng mà chỉ có thể tiêu diệt vi khuẩn bạch hầu, giảm khả năng lây lan bệnh từ người này sang người khác. Bác sĩ Ngô Đây, Trưởng Khoa Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum cho biết: “Tính tới giờ phút này về thuốc kháng độc tố bạch hầu SAD là chúng tôi cũng chưa có. SAD kháng độc tố bạch hầu là không thể thay thế được. Nó phải là thuốc đầu tiên để điều trị bệnh bạch hầu chứ không phải là về kháng sinh hay các thuốc khác”.

Như vậy, cùng với các biện pháp ngăn chặn sự lây lan bệnh bạch hầu sang diện rộng tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, điều cấp bách hiện nay ngành Y tế tỉnh Kon Tum cần làm là chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc men, nhất là huyết thanh kháng độc tố bạch hầu để phục vụ hiệu quả công tác điều trị bệnh.

Thu Trang – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *