(kontumtv.vn) – Thời gian qua, tình hình thời tiết diễn biến thất thường, đã gây ra không ít thiệt hại cho các hộ nông dân canh tác cà phê và cây hồ tiêu ở huyện Đăk Hà (Kon Tum). Đặc biệt trong vòng 1 tháng trở lại đây, thiệt hại càng nặng nề hơn.

Chỉ còn nửa tháng nữa là bước vào chính vụ thu hái cà phê. Song, gia đình ông Nguyễn Thanh Tuệ (thôn 4, xã Hà Mòn) đang rất lo lắng vì gần 1.000 cây cà phê của gia đình bỗng có hiện tượng vàng lá, khô cành, khô quả bất thường. Dù đã có thâm niên 20 năm chuyên canh cây cà phê, nhưng đây là lần đầu tiên ông gặp tình cảnh này và không có cách nào cứu chữa. Ông Tuệ nói: “Cà phê như thế này thì nó ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của người dân. Thứ nhất nhân nó lép thì sản lượng nó thấp lại, thứ hai là nó kéo dài đến vài năm vì cà phê như thế này chỉ có thể tái canh trồng lại thôi”.

Nhiều diện tích cà phê bị thối rễ, chết cành
Nhiều diện tích cà phê bị thối rễ, chết cành

Theo kinh nghiệm của người trồng cà phê, nguyên nhân của hiện tượng cây chết là do thời tiết mưa lớn kéo dài, gây ngập úng cục bộ dẫn đến hiện tượng bó rễ, úng rễ. Khi trời chuyển sang nắng nóng bất thường, cây sẽ không kịp thích nghi với thời tiết và chết đi. Ông Tuệ cho biết: “Lo thì lo nhiều vì giờ muốn trồng lại một cây cà phê thì phải mất 3 đến 4 năm sau mới có thu lại. Nhưng giờ do thời tiết thế này thì mình phải chịu chứ biết làm sao”.

Không riêng gì đối với cà phê đang trong thời kỳ kinh doanh, cả những diện tích cà phê tái canh trên địa bàn huyện cũng đang lâm vào tình cảnh tương tự. Hầu hết diện tích cà phê tái canh đều bị bó rễ, úng rễ, vàng lá và đạo ôn. Những diện tích này gần như không thể cải tạo và bắt buộc phải trồng lại. Vì vậy, mỗi ha cà phê tái canh, người trồng cà phê thiệt hại khoảng 20 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Dần, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Đăk Hà cho biết: “Hiện tại đến bây giờ thì diện tích tái canh trên địa bàn thị trấn Đăk Hà như chúng tôi theo dõi thì có một số diện tích không tài nào cây phát triển bình thường như các năm được. Nếu như so sánh với năm 2017, nếu cà phê trồng được ba tháng như bây giờ thì ít nhất cũng đã có 8-9 cặp lá và bắt đầu phát được 1-2 cặp cành. Nhưng đến hiện tại thì có một số diện tích không phát được cành, không phát được là do mưa nhiều quá”.

Cùng chung cảnh ngộ với người nông dân trồng cà phê, trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp đã khiến một số loại cây trồng khác như hồ tiêu, hoa màu của nông dân bị thiệt hại đáng kể. Riêng đối với cây hồ tiêu, hơn 1 tháng nay, khi trời bắt đầu bước sang mùa khô, tiêu bắt đầu khô cành, chết cây. Đến nay, trong tổng số hơn 100 ha hồ tiêu của huyện đã có tới trên 20 ha đang bị bệnh và chết. Ông  Nguyễn Văn Hậu, Phó Phòng NN&PTNT huyện Đăk Hà nói: “Tình hình chung trên địa bàn huyện thì hầu hết các xã có diện tích hồ tiêu đều bị chết. Cụ thể như ở Ngọc Wang, Đăk Long và Hà Mòn là những địa phương có diện tích hồ tiêu lớn cũng đã bị chết rải rác. Với đặc thù thời tiết như thế này thì có thể dự báo trước được là diện tích hồ tiêu còn bị bệnh nữa”.

Đến thời điểm hiện tại, tổng diện tích cây trồng thiệt hại do thời tiết diễn biến bất thường ở huyện Đăk Hà đã gần 70 ha. Trong đó, chủ yếu là hai loại cây công nghiệp cà phê, hồ tiêu. Hiện người dân rất cần ngành chức năng có biện pháp hữu hiệu giúp ngăn chặn và khắc phục thiệt hại trên các loại cây trồng.

CTV Trọng Nghĩa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *