(kontumtv.vn) – Bước vào cao điểm thu hoạch, ngoại trừ sắn đang rơi vào tình cảnh khó khăn, phần lớn các mặt hàng nông sản giá vẫn ổn định. Đặc biệt, giá một số nông sản như cà phê, cao su tăng mạnh trong quý IV năm 2016, mang lại niềm vui cho người sản xuất ở Kon Tum.

Hiện giá sắn xuống thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Sắn được thu mua tại các nhà máy là 1.380đ/kg tươi loại 30% chữ bột. Sắn bán cho tư thương tại rẫy chỉ khoảng 800đ/kg. Người trồng sắn và các doanh nghiệp chế biến tinh bột sắn trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn.

Gía sắn vẫn còn thấp so với các nông sản khác
Gía sắn vẫn còn thấp so với các nông sản khác

Trong khi đó, giá cà phê mang lại niềm vui cho người nông dân. Bước vào vụ thu hoạch cà phê năm nay, điểm chung là ai nấy đều phấn khởi vì giá cà phê ở ngưỡng khá cao so với các niên vụ trước và có xu hướng tăng lên từng ngày. Giá cà phê hiện nay dao động từ 43.000đ – 45.000đ/kg nhân, cao hơn khoảng 5.000đ – 8.000đ/kg so với thời điểm này năm trước. Theo bà con, thông thường vào đầu vụ, giá cà phê ở mức thấp, sau đó mới dần nhích lên vào giữa hoặc cuối vụ. Song năm nay, mới chớm vụ thu hoạch, giá đã lên cao. Ông Đặng Văn Sán (thôn 5, xã Đăk Mar, Đăk Hà) nói: “Bây giờ so với năm ngoái giá có tăng nên bà con cũng rất phấn khởi, từ đầu vụ nó đã đội lên rồi.  Xác định năm nay cà phê sản lượng ít, nhưng bù lại giá  tăng lên nên bà con cũng rất phấn khởi”.

Sau nhiều năm giảm sâu, giá mủ cao su bắt đầu có dấu hiệu phục hồi. 3 quý đầu năm 2016, giá cao su ở mức 26 – 27 triệu đồng/ tấn. Sang quý IV, giá tăng đều, từ 30 – 35 triệu đồng, lên 40 triệu/ tấn. Giá mủ cao su tại vườn hiện nay đạt 350đ/độ, cao hơn khoảng 140đ/độ so với thời điểm cuối tháng 9 vừa qua. Giá mủ cao su tăng trở lại giúp người trồng và doanh nghiệp phấn khởi, lạc quan vào thị trường cao su ngay trong những ngày đầu năm 2017. Ông Lê Đức Thông (thôn 1, xã Đăk Cấm, thành phố Kon Tum) phấn khởi: “Hồi đầu năm thì giá mủ thấp, đời sống của bà con gặp nhiều khó khăn. Khó khăn thứ nhất ngày công lao động không đạt, thứ hai là tái đầu tư cho cây cao su là không có,  bà con thấy cũng buồn. Kể từ khi giá mủ cao su tăng lên thì bà con phấn khởi lắm. Bà con có tiền đầu tư cho cây cao su để tăng sản lượng mủ. Như trước đây, ngày thì chỉ thu  khoảng 300.000đ -400.000đ, đến thời điểm hiện tại ngày đạt từ 700.000đ – 800.000đ. Trong thời điểm giáp Tết này, bà con phấn khởi, có tiền sắm sửa cho ngày Tết”.

“Cùng thời điểm năm nay giá mủ tăng gấp rưỡi, gấp đôi năm ngoái. Phần đa bà con ở đây rất phấn khởi để đi khai thác mủ. Giá cao mủ và sản lượng lại đảm bảo, nên rất đạt ngày công, bà con rất vui, bà con cũng có đồng vô đồng ra. Tết năm nay là hơn mọi năm”. Bà Trần Thị Thủy (thôn 2, xã Đăk Cấm, thành phố Kon Tum) chia sẻ.

Sau thời gian giá tăng cao, vài tuần trở lại đây, giá rau, củ, quả tại các chợ trên địa bàn tỉnh đã giảm và đi vào ổn định, đảm bảo nhu cầu thực phẩm Tết của người dân. Nguồn hàng khá dồi dào, việc xuất bán đi các tỉnh miền Trung cũng không nhiều như trước. Bà Phan Thị Lý, tiểu thương Trung tâm thương mại Kon Tum nói: “Hồi tháng trước, giá rau tăng cao lắm, giờ giảm rồi, nhìn chung là ổn định, so với năm ngoái thì không cao hơn là mấy. Bữa nay không xuất đi đâu nữa nên giá cả nó giảm”.

Trước thềm Tết Nguyên đán Đinh Dậu, giá cao su, cà phê và các mặt hàng nông sản khác tăng trở lại là tín hiệu vui để người dân ổn định cuộc sống, sản xuất,  và góp phần đón xuân mới vui tươi, đầm ấm.

Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *