(kontumtv.vn) – Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là xu thế đang được nhiều địa phương trong cả nước hướng tới. Tại Ninh Thuận, một số vùng chuyên canh rau, màu, cây ăn trái, người dân đã chuyển sang sản xuất sạch theo hướng hữu cơ, mang lại lợi nhuận cao và an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. 

 Qua gần 2 năm  liên kết với một doanh nghiệp thực hiện trồng măng tây theo hướng nông nghiệp hữu cơ, ông Hàn Phước Quang ở thôn An Xuân 1, xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận nhận thấy việc áp dụng kỹ thuật sản xuất nông nghiệp sạch đã giúp ông giảm đáng kể chi phí đầu tư và tăng lợi nhuận. Nguyên nhân là do cây măng tây phát triển nhanh, chất lượng măng tốt, ít sâu bệnh, giá bán cao hơn giá thị trường 10% và sản phẩm được bao tiêu hoàn toàn. Trong khi đó, cách thức sản xuất cũng không phức tạp: đất trồng sau khi cày ải được bón vôi khử trùng, trộn phân chuồng ủ hoai rồi xuống giống. Ông Hàn Phước Quang nói: “Cái hữu cơ này nó cũng bình thường chứ có khó gì đâu, tăng trưởng về cây rất là đạt năng suất. Ví dụ thường 15 kg trong ngày thì loại nhất không có nhiều, giờ còn thằng này nhất có thể 6-7kg trong ngày, nhì cũng vậy 5-6 kg nó đạt hơn lúc trước kia chưa vô sinh học”.

Sản xuất rau hữu cơ
Sản xuất rau hữu cơ

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là phương thức sản xuất thân thiện với môi trường, không sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, hóc môn tăng trưởng và không sử dụng giống biến đổi gen. Do đó, việc canh tác theo phương pháp hữu cơ đòi hỏi người trồng phải tuân thủ chặt chẽ quy trình sản xuất, theo dõi sát quá trình sinh trưởng của cây trồng để có chế độ dinh dưỡng thích hợp bằng các loại phân hữu cơ, chế phẩm sinh học. Tuy không phức tạp, nhưng phương pháp hữu cơ đòi hỏi nông dân phải thay đổi thói quen sử dụng các loại phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, cũng như minh bạch trong quy trình sản xuất để đảm bảo chất lượng và sự phát triển bền vững. Ông Nguyễn Trần Ánh, Giám đốc HTX Organic Ninh Thuận cho biết: “Khi nông dân sản xuất theo hướng hữu cơ thì chúng tôi đảm bảo bù lỗ cho họ về năng suất bằng cách nâng cao giá thành sản phẩm và bao tiêu sản phẩm đó. Chúng tôi test kiểm tra bằng máy, thứ hai nữa chúng tôi đi điền dã, chúng tôi kiểm tra đột xuất. Nếu cảm thấy không đạt thì chúng tôi dừng, chấm dứt các hộ sản xuất đó. Chúng tôi chấm dứt không thu mua sản phẩm của hộ đó. Hơn nữa, chúng tôi chấp nhận lỗ và loại hộ đó ra khỏi quy trình chuỗi sản xuất hữu cơ”.

Hiện nay, nhu cầu sử dụng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ ngày càng tăng, tạo cơ hội phát triển cho nhánh sản xuất nông nghiệp sạch. Nắm bắt xu hướng này, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã có một số hợp tác xã và một số thanh niên, doanh nghiệp khởi nghiệp đầu tư sản xuất măng tây xanh và rau màu theo hướng hữu cơ với đầu ra khá ổn định. Ông Thái Bá Trung, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp An Xuân (xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) nói: “Trên cánh đồng của HTX là hướng hữu cơ thì cái sản phẩm đến với người tiêu dùng và khách hàng người ta rất thích, người ta nghe được mình làm sạch người ta rất yên tâm để thu mua sản phẩm của mình. Hiện nay hàng của HTX không có để bán”.

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ không phải là phương thức sản xuất có thể triển khai đại trà trên diện rộng vì đây chỉ là một nhánh mang tính đặc thù trong sản xuất nông nghiệp an toàn, đáp ứng phân khúc thị trường có yêu cầu cao về chất lượng. Tuy nhiên, việc chuyển sang sản xuất rau sạch theo phương pháp hữu cơ bước đầu đã mang lại thu nhập cao cho nông dân trên cùng đơn vị diện tích. Bên cạnh giá trị kinh tế, sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn tạo ra sản phẩm sạch, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ người sản xuất không bị các tác hại của việc lạm dụng phân bón, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời, duy trì sự đa dạng sinh học của môi trường.

Thúy Hằng – Công Phong

Đài PT-TH Ninh Thuận 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *