(kontumtv.vn) – Do ảnh hưởng khó khăn của nền kinh tế, đà phục hồi chưa bền vững, một số mặt hàng nông sản xuống thấp đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, với sự tìm tòi và có hướng đi riêng, sản xuất nông nghiệp của tỉnh Kon Tum năm 2015 đã để lại nhiều dấu ấn khá đậm nét.

Sau khi trồng thành công các loại rau quả như cà chua, cà rốt, bắp cải và các loại hoa, bà Nguyễn Thị Thiện Mỹ (thôn Kon Tu Rằng, xã Măng Cành, huyện Kon Plông) quyết định trồng thêm nhiều loại cây có giá trị kinh tế khác, vì khí hậu, thổ nhưỡng ở đây rất phù hợp để phát triển các loại rau hoa. Đặc biệt gần đây nhất, gia đình bà đã đầu tư hàng tỉ đồng lầm gần 3.000 m2 nhà kính để trồng dâu tây Nhật Bản theo công nghệ cao bằng quy trình khép kín. Tất cả hệ thống tưới nước đều được áp dụng theo công nghệ nhỏ giọt của Israel, rất nhiều nước trên thế giới hiện đang thực hiện. Sản phẩm cho ra thị trường đảm bảo sạch và được người tiêu dùng ưa chuộng. Bà Mỹ cho biết: “Hiệu quả của dâu tây Nhật này rất cao. Trồng trong nhà kính thì mình điều chỉnh được lượng nước, không phụ thuộc thiên nhiên, có thể cho trái quanh năm nên hiệu quả cao”.

Trồng rau quả trong nhà kính
Trồng rau hoa trong nhà kính

Hiện nay, rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã tìm đến huyện Kon PLông để đầu tư phát triển các loại rau hoa. Hiện tại một số doanh nghiệp rất thành công và đang tiếp tục mở rộng cả quy mô lẫn diện tích. Đến nay, trên địa bàn huyện đã triển khai trồng được 50 ha rau, hoa xứ lạnh. Trong đó tập trung sản xuất các loại hoa có giá trị như hoa ly, hoa lan, hoa cúc, lay ơn, đồng tiền, tu lip và các loại rau, quả khác… Nhìn chung các loại rau, hoa quả xứ lạnh đều phù hợp, phát triển rất tốt. Đây là một tín hiệu vui để tập trung phát triển theo hướng đa dạng hóa, xây dựng thương hiệu cạnh tranh và mở rộng thị trường. Ông Võ Đình Viết, Trưởng Phòng NN & PTNT huyện Kon PLông nói: “Các dự án rau hoa có nhiều nhà đầu tư, như trong khu 37 hộ đã tổ chức sản xuất thành công bí Nhật và hiện nay đang phát triển khoảng trên 5 ha. Có một số nhà đầu tư khác như công ty Ánh Dương đã sản xuất khoai tây rất có năng suất”.

Mặc khác, người sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã không cam chịu với những phương thức canh tác truyền thống, đã tìm tòi, học hỏi, áp dụng kỹ thuật cao vào sản xuất. Với ông Dương Kim Lâm(thôn Hải Nguyên, xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà) mặc dù có 4 ha đất ở vùng chuyên canh cà phê, nhưng ông không trồng hết cà phê mà chuyển sang mô hình đa canh, đa con. Theo ông, nếu trồng hết cà phê thì cũng có nhiều yếu tố rủi ro như được mùa mất giá, được giá mất mùa, do đó ông chỉ trồng 2 ha cà phê, còn lại chuyển sang mở trang trại nuôi cá, gà, chim bồ câu và các loại vật nuôi khác. Với mô hình này, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng và rất ổn định.

Trang trại trồng nấm của HTX Cựu quân nhân Đăk Hring, huyện Đăk Hà tuy mới đưa vào sản xuất từ cuối năm 2014, nhưng các sản phẩm như nấm linh chi, nấm mèo và nấm mỡ của HTX này cung không đủ cầu. Có được như vậy là nhờ HTX thực hiện tốt trong quy trình sản xuất, từ việc lựa chọn, xử lý mùn cưa, đến khâu thanh trùng, cấy giống, chăm sóc và thu hái, đảm bảo các điều kiện vệ sinh, phát triển của các loại nấm. Ông Lê Ngọc Khanh, Chủ nhiệm HTX Cựu quân nhân Đăk Hring, huyện Đăk Hà cho biết: “Dự kiến của HTX đầu năm 2016 sẽ mở rộng ra 1000 m2 trang trại nữa để sản xuất, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, thu hút một số nhân lực tại địa phương. Hiện tại sản phẩm của mình làm ra chưa đủ để cung ứng cho thị trường”.

Do sản phẩm sau khi thu hoạch đưa ra thị trường mới chỉ ở dạng thô, giá cả thấp, bị tư thương ép giá, người nông dân đã nhận thấy sự cần thiết trong liên kết sản xuất. HTX Nông nghiệp – Sản xuất và Thương mại Sáu Nhung ở huyện Đăk Hà ra đời đã nâng cao giá trị cho chuỗi sản xuất nông nghiệp. Sau khi cam kết với các thành viên để có sản phẩm đạt chất lượng cà phê sạch theo tiêu chuẩn 4C, HTX đầu tư công nghệ chế biến, tìm đầu ra cho sản phẩm. Sau hơn một năm, đến nay, thương hiệu cà phê của HTX Sáu Nhung đã có mặt trên tất cả các thị trường lớn.

Năm 2015, mặc dù giá nông sản như cao su, cà phê xuống thấp, nhưng diện tích, năng xuất, sản lượng các loại cây trồng đều tăng so với năm 2014. Đề án hỗ trợ phát triển cây cà phê xứ lạnh tại 3 huyện vùng Đông Trường Sơn và Đề án hỗ trợ phát triển cây cao su tiểu điền tiếp tục được các địa phương, sở, ngành quan tâm thực hiện đúng tiến độ. Các loại cây có giá trị kinh tế cao như sâm Ngọc Linh, các loại cây dược liệu đã được đưa vào trồng và phát triển. Ông Trần Văn Chương, Phó Giám đốc Sở NN & PTNT tỉnh Kon Tum nói: “Tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tái cơ cấu nông, lâm, nghiệp và thủy sản đã được triển khai mạnh mẽ. Các cây trồng chủ lực của tỉnh cũng đã được phát huy, năng suất, chất lượng, giá thành sản phẩm nông nghiệp ngày càng được quan tâm chú trọng. Như trong lĩnh vực sản xuất lương thực, áp dụng được nhiều giống mới và các kỹ thuật mới nên năng suất, sản lượng năm 2015 này tăng 2,4% so với năm 2014”.

Có thể nói, ngành nông nghiệp tỉnh Kon Tum trong năm qua đã gặt hái được rất nhiều thành công, đặc biệt là sự hình thành các nông trại hữu cơ, các HTX, gắn với sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đây là một hướng đi đúng để sản xuất nông nghiệp phát triển mang tính chất sản xuất sạch, bền vững, có sức cạnh tranh trên thị trường.

                                                                   Duy Phong – Quang Mẫn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *