(kontumtv.vn) – Thí sinh đã trúng tuyển NV1, không được đăng ký ở các đợt xét tuyển NV bổ sung.

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm thi THPT quốc gia vào chiều 22/7, thí sinh bắt đầu nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ từ ngày 1/8.

Theo quy định, các thí sinh (TS) dự thi THPT quốc gia sẽ được cấp 4 phiếu báo kết quả, 1 phiếu dành để xét tuyển nguyện vọng (NV) 1 và 3 phiếu xét tuyển NV bổ sung.

Trúng tuyển NV1 không được xét tuyển tiếp

Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng – Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết TS chỉ được sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi dùng để xét tuyển NV1 để đăng ký vào một trường ĐH hoặc CĐ.

Ở mỗi trường, TS được đăng ký tối đa 4 NV vào các ngành xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4. Trong thời gian 20 ngày xét tuyển NV1, ít nhất 3 ngày/lần, các trường sẽ công bố tình hình xét tuyển của trường sau khi đã cập nhật và sắp xếp danh sách TS theo điểm từ cao xuống thấp để TS theo dõi và lựa chọn. TS có thể điều chỉnh NV đã đăng ký ở trường đó hoặc rút hồ sơ để đăng ký sang trường khác.

Các NV (từ 1 đến 4 trong một trường) của TS có giá trị xét tuyển như nhau. TS trúng tuyển NV trước thì không được xét tiếp các NV sau. Tương tự, TS đã trúng tuyển NV1, không được đăng ký ở các đợt xét tuyển NV bổ sung.

Học sinh Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (TP HCM) tra cứu điểm thi THPT quốc gia chiều 22-7Ảnh: TẤN THẠNH
Học sinh Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (TP HCM) tra cứu điểm thi THPT quốc gia chiều 22-7Ảnh: TẤN THẠNH

Tuy có nhiều cơ hội xét tuyển nhưng các chuyên gia tuyển sinh cảnh báo phần lớn các trường dành chỉ tiêu để xét tuyển ngay trong đợt 1 nên việc xét tuyển NV bổ sung không phải là cánh cửa rộng mở.

Chính vì thế, TS cần phải cân nhắc thật kỹ ngay trong đợt xét tuyển đầu tiên để có cơ hội trúng tuyển vào ĐH.

Chọn trường “biết mình biết ta”

Sau mỗi đợt xét tuyển, các trường căn cứ vào chỉ tiêu tuyển sinh đã xác định sau khi trừ số TS được tuyển thẳng, căn cứ vào quy định về khung điểm ưu tiên và vùng tuyển, căn cứ vào kết quả phân tích việc đáp ứng NV đăng ký của TS vào các ngành của trường… để xác định điểm trúng tuyển.

Để có cơ hội trúng tuyển cao nhất, lãnh đạo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng lưu ý TS nên “biết mình biết ta” để chọn trường phù hợp nhất với mức điểm của mình.

“Với những trường tốp trên như ĐH Y Hà Nội, ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Bách khoa Hà Nội…, TS phải cân nhắc thật kỹ vì mức điểm xét tuyển cũng như điểm chuẩn vào các trường này rất cao.

Ví dụ ở Trường ĐH Y Hà Nội, điều kiện để được xét tuyển đối với hệ bác sĩ là phải có tổng điểm 3 môn toán, hóa, sinh từ 21 điểm trở lên ở cả 6 học kỳ THPT; đối với hệ cử nhân, tổng điểm 3 môn toán, hóa, sinh từ 18 điểm trở lên. Thông thường, điểm thi của TS cao hơn điểm xét tuyển từ 3 trở lên thì cơ hội trúng tuyển cao hơn.

Với những trường tốp giữa, TS có mức điểm khá nên quan tâm vì cơ hội trúng tuyển ở đây là nhiều nhất” – một chuyên gia của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng chia sẻ kinh nghiệm.

Một chuyên gia tuyển sinh của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết với cách xét tuyển của năm nay, TS luôn có thông tin để tính toán khả năng đỗ, trượt nhưng cũng không nên tính toán… quá sát.

Ví dụ, ở một trường có 100 chỉ tiêu, nếu ngày gần cuối, TS đứng ở vị trí khoảng 65 thì khả năng đỗ rất lớn. Nhưng TS ở vị trí 98 mà vẫn “gan” không rút thì khả năng trượt sẽ không nhỏ. Vì thế, TS cần thường xuyên cập nhật thông tin để nếu cần có thể rút hồ sơ và đăng ký xét tuyển vào trường có mức điểm thấp hơn./.

Theo Người Lao động/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *