(kontumtv.vn) – Trải qua 10 năm xây dựng và phát triển, Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Campuchia.

Được thành lập ngày 14/2/2007, ngày đầu đi vào hoạt động, Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum gặp nhiều khó khăn. Về cơ sở vật chất chỉ có 1 khu giảng đường được xây dựng kiên cố, còn lại là nhà cấp 4 xuống cấp. Về đội ngũ, trường chỉ có 3 cán bộ lãnh đạo, quản lý và một vài nhân viên. Trải qua 10 năm xây dựng và phát triển, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao, cán bộ, giảng viên nhà trường đã tranh thủ tốt nguồn đầu tư của Đại học Đà Nẵng, sự hỗ trợ của tỉnh Kon Tum để xây dựng trường phát triển mọi mặt. Đến nay, Phân hiệu có 69 giảng viên, 28 cán bộ quản lý và chuyên viên. Trong đó, có 2 tiến sĩ, 50 thạc sĩ và 38 cán bộ có trình độ đại học. 4 khu giảng đường đáp ứng tốt nhu cầu giảng dạy cho khoảng 1.000 sinh viên. Năm học 2016-2017, Phân hiệu đã phát triển được 18 chuyên ngành đào tạo. PGS,TS Đặng Văn Mỹ, Giám đốc Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum nói: “Qua 10 năm xây dựng và phát triển, đơn vị đã thật sự trở thành cơ sở giáo dục đại học của Đại học Đà Nẵng trên mảnh đất Tây Nguyên. Cơ sở vật chất cũng như đội ngũ cán bộ giảng viên hiện hữu tại Phân hiệu đáp ứng yêu cầu đào tạo đa cấp và đa ngành xoay quanh các lĩnh vực đào tạo về sư phạm, nông nghiệp, kỹ thuật, kinh tế, quản lý và ở cấp đại học và cao học”.

Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum
Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum

Từ năm 2007 đến nay, Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum đã tuyển sinh, phối hợp đào tạo trên 9.200 sinh viên ở các hệ đại học và trên đại học. Trong đó, hơn 700 học viên tốt nghiệp thạc sĩ, trên 1.500 sinh viên tốt nghiệp hệ chính quy, hơn 2.600 sinh viên tốt nghiệp hệ vừa học vừa làm và hệ từ xa. Ngoài ra, Phân hiệu còn đào tạo gần 100 sinh viên cử tuyển là những cán bộ nguồn người dân tộc thiểu số của tỉnh Kon Tum về chuyên ngành Kinh tế phát triển. Đây là nguồn nhân lực chất lượng cao góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng và phát triển tỉnh Kon Tum nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung.

Trong quá trình xây dựng và phát triển, Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum đã phát huy tốt năng lực của một trường đa ngành đạt chuẩn quốc tế thông qua việc liên kết, trao đổi giảng viên với nhiều trường đại học có uy tín của Pháp, Thái Lan, Đài Loan. Ngoài ra, đơn vị còn hợp tác, đào tạo sinh viên quốc tế. Hiện nay, có 80 sinh viên các tỉnh Nam Lào đang theo học tại Phân hiệu.

Có được kết quả tốt trong đào tạo chính nhờ Phân hiệu Đại học Đà Nẵng không ngừng đổi mới trong giảng dạy, năng động trong đào tạo nhằm đảm bảo sinh viên có chất lượng cao về kiến thức, có năng lực tốt về thực hành và có ưu điểm trong ứng dựng kiến thức vào thực tiễn. Nhờ vậy, phần lớn những sinh viên, học viên khi tốt nghiệp tại Phân hiệu đều có việc làm ổn định, trong đó có nhiều người trở thành cán bộ chủ chốt, cán bộ nguồn của địa phương. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lại Xuân Lâm ghi nhận: “Có thể nói rằng, sự hình thành và phát triển của Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum có ý nghĩa lớn về mặt xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh của tỉnh Kon Tum và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ DTTS có cơ hội được học tập, nâng cao trình độ ngay tại địa phương. Phân hiệu còn đào tạo trình độ đại học cho lưu học sinh Lào thông qua sự hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau trong lĩnh vực giáo dục giữa tỉnh Kon Tum với các tỉnh Nam Lào để góp phần vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị. Phải khẳng định rằng Phân hiệu đã góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh và đóng góp một phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trong thời gian qua”.

10 năm, khoảng thời gian không dài, nhưng với kết quả đạt được trong xây dựng và phát triển, Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum là địa chỉ tin cậy trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Tây Nguyên và quốc tế.

                                                  Văn Hiển – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *