(kontumtv.vn) – Ngày 25/3, Bí Thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang chủ trì buổi làm việc giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy với Ban Thường vụ Huyện ủy Đăk Tô. Tham dự có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn cùng các ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Tổ cấp ủy phụ trách huyện Đăk Tô; đại diện lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo huyện Đăk Tô đã cơ bản làm rõ các vấn đề Bí thư Tỉnh ủy gợi mở, cụ thể, đối với đất lâm nghiệp không có rừng, huyện có hơn 900 ha và toàn bộ diện tích này huyện đã lên kế hoạch đăng ký trồng rừng giai đoạn 2021 – 2025. Đối với việc chuyển đổi cây trồng, năm 2021, huyện có kế hoạch chuyển đổi 500 ha sang trồng cây mắc ca, cây dược liệu và cây ăn quả.

Xác định phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, liên kết sản xuất, thời gian qua, huyện duy trì hoạt động của Tổ xúc tiến liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản trên địa bàn; duy trì một số mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật gắn với chuỗi liên kết giá trị cho kết quả tích cực. Các mô hình liên kết này là tiền đề để huyện phát triển các sản phẩm OCOP và Đăk Tô là địa phương đứng đầu tỉnh về số lượng sản phẩm OCOP cấp tỉnh với 8 sản phẩm.

So với nhiều địa phương, huyện Đăk Tô có điều kiện giao thông, địa hình khá thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, trong nhiều năm, phát triển kinh tế của địa phương này được cho là chậm và chưa có nhiều nổi bật. Do đó, trong buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang đặc biệt quan tâm đến định hướng phát triển nông nghiệp của huyện Đăk Tô nói chung; tầm nhìn, định hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với mô hình hoạt động của các hợp tác xã kiểu mới.

Những vấn đề này đã được lãnh đạo huyện Đăk Tô, các sở, ngành phân tích, trao đổi. Qua đó, nổi lên những vấn đề huyện cần tập trung thực hiện trong thời gian tới. Đó là, Đăk Tô là địa phương có độ che phủ rừng thấp, chỉ 35%, thấp hơn nhiều mức trung bình chung của tỉnh. Trong phát triển kinh tế, huyện cần ưu tiên trồng lại rừng, phát huy mô hình liên kết trồng rừng giữa doanh nghiệp và người dân để phát triển kinh tế rừng. Trong kế hoạch, địa phương này dự kiến nhiều vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhưng đến thời điểm này, huyện Đăk Tô chưa có 1 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nào là rõ nét và được công nhận.

Tại buổi làm việc, 9 đề xuất, kiến nghị lớn của huyện Đăk Tô liên quan đến vấn đề thu hồi đất của các doanh nghiệp được nhà nước cho thuê trên địa bàn; việc thành lập Khu Công nghiệp Đắk Tô và Khu Công nghiệp chế biến dược liệu Tân Cảnh; tiến độ thực hiện Nhà máy giấy và tinh bột giấy Tân Mai; cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân trồng rừng; khai thác và phát huy giá trị Di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt Chiến thắng Đăk Tô -Tân Cảnh…đã được các sở, ngành liên quan trao đổi, bàn thảo sôi nổi.

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang ghi nhận những kết quả đạt được của huyện Đăk Tô trong thời gian vừa qua khi có 3/8 xã đạt nông thôn mới; đặc biệt, năm 2021, huyện đặt ra chỉ tiêu xã Ngọc Tụ – xã đặc biệt khó khăn về đích nông thôn mới thì đây là điểm mới. Bí thư Tỉnh ủy biểu dương việc phát hiện, điều tra, truy tố các vụ phá rừng trên địa bàn huyện thời gian qua nhanh, kịp thời. Bí thư Tỉnh  ủy yêu cầu huyện Đăk Tô trong năm 2021, tập trung lãnh đạo để xã Ngọc Tụ về đích nông thôn mới; tập trung lãnh đạo và giảm nghèo đạt 3% /năm để cuối năm 2021 tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện còn hơn 3%. Huyện tiếp tục rà soát, củng cố, nâng cao chất lượng hiệu quả 15 hợp tác xã hiện có; phấn đấu nâng hạng các sản phẩm OCOP. Với hơn 54% ĐBĐTS, huyện Đăk Tô cần chú trọng hình thành, thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã trong vùng ĐBDTTS; đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, hướng đến hình thành khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đối với việc chuyển đổi cây trồng, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, huyện Đăk Tô cần giữ nguyên diện tích cây cao su, cà phê và khuyến khích phát triển cây mắc ca, cây chanh dây;  liên kết với doanh nghiệp phát triển vùng nguyên liệu mía; có quy hoạch và kêu gọi đầu tư, tạo mọi điều kiện cho nhà đầu tư đến đầu tư tại khu du lịch suối nước nóng Kon Đào; quy hoạch, đầu tư hạ tầng và kêu gọi đầu tư vào cụm công nghiệp của huyện, nhất là đầu tư chế biến dược liệu, giải quyết đầu ra cây dược liệu cho các huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Ngọc Hồi; đối với Nhà máy giấy và tinh bột giấy Tân Mai, đến năm 2022 không hoàn thành thì tỉnh thu hồi, giao cho các nhà đầu tư khác; huyện phải hạn chế tình trạng phá rừng làm nương rẫy, khai thác rừng trái phép, xem đây là tiêu chí đánh giá, phân loại tổ chức cơ sở đảng và đảng viên. Bên cạnh đó, huyện cần nghiên cứu cung – cầu để phát triển quỹ đất ở địa bàn thị trấn; hệ thống chính trị từ xã đến huyện nhanh chóng triển khai cuộc vận động làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của ĐBDTTS, để  bà con vươn lên thoát nghèo bền vững; Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc huyện Đăk Tô cần khơi dậy và phát huy truyền thống cách mạng, xây dựng huyện Đăk Tô phát triển.

Như Nguyệt – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *