(kontumtv.vn) – Nhận thức được giá trị to lớn của việc bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa trong cộng đồng, xã hội, những năm qua, cùng với chủ trương, chính sách của Đảng, sự nỗ lực của các cấp, ngành, đội ngũ già làng, trí thức, nghệ nhân tỉnh Kon Tum đã có nhiều cố gắng trong việc sưu tầm, gìn giữ và trao truyền những bản sắc văn hóa truyền thống, di sản văn hóa quí báu của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn cho thế hệ trẻ, góp phần làm phong phú hơn kho tàng di sản văn hóa của tỉnh.

Yêu thích tiếng cồng chiêng từ nhỏ, giờ đây khi tuổi đã cao, nghệ nhân A Thoa (làng Peng Prông, Đăk Pét, Đăk Glei) không chỉ dạy cho dân làng biết yêu quí, giữ gìn các bộ cồng chiêng trong thôn, mà còn luôn quan tâm đến việc truyền dạy cồng chiêng cho các cháu trong làng, nhất là truyền lại niềm say mê với văn hoá truyền thống dân tộc cho lớp trẻ. Nghệ nhân A Thoa chia sẻ: “Bây giờ mình già rồi, mình cố gắng dạy cho mấy đứa nhỏ làm sao cố gắng giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc. Mình còn sống là còn dạy thêm nữa”.

Các nghệ nhân truyền dạy đánh cồng chiêng cho thanh niên
Các nghệ nhân truyền dạy cồng chiêng cho thanh niên

Là vùng đất có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, với nhiều dân tộc anh em sinh sống, Kon Tum không chỉ là nơi lưu giữ nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo, đa dạng, mà còn là địa phương có số lượng nghệ nhân tương đối lớn và có mặt đều khắp ở các thôn làng đồng bào dân tộc thiểu số. Đó là Blong Vẻ ở Ngọc Hồi, A Thuk ở Hơ Moong (Sa Thầy), A Thăk ở Đăk Hà, Y Blư ở thành phố Kon Tum và rất nhiều nghệ nhân khác đang ngày ngày say sưa và đem hết tâm huyết của mình để truyền đạt những nét đẹp văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ từ việc làm nhà rông, dệt thổ cẩm, đánh cồng chiêng, múa xoang, đến những làn điệu dân ca, hát kể sử thi… Ông Phan Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Kon Tum nói: “Những đóng góp của đội ngũ nghệ nhân trong việc bảo tồn những giá trị di sản văn hóa trên địa bàn là rất lớn. Đây là linh hồn, là lực lượng nòng cốt trong việc truyền dạy các bản sắc văn hóa cho thế hệ trẻ; truyền dạy sự yêu thích, trân trọng văn hóa truyền thống cho lớp trẻ và có đóng góp rất lớn trong việc bảo tồn những giá trị, di sản văn hóa của tỉnh”.

Thông qua việc truyền dạy của các nghệ nhân, việc khôi phục các lễ hội truyền thống, ngày hội đại đoàn kết các dân tộc, các thế hệ trẻ, thanh niên trong làng giờ đây đã biết yêu quí và tự hào về những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều đội cồng chiêng, múa xoang trẻ đã được thành lập.

Bên cạnh sự đóng góp, tham gia nhiệt tình của đội ngũ nghệ nhân, chính quyền địa phương và ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch luôn chú trọng và đặc biệt quan tâm tổ chức các hoạt động liên hoan biểu diễn cồng chiêng, trình diễn nhạc cụ dân tộc, tạc tượng và nhiều hoạt động văn hóa dân gian khác để tạo điều kiện cho các nghệ nhân và nhất là thế hệ trẻ người dân tộc thiểu số trên địa bàn giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và quảng bá, giới thiệu những nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình. Ông Phan Văn Hoàng cho biết: “Ngành cũng đã thường niên tổ chức các đoàn nghệ nhân tham gia các đợt giao lưu văn hóa vùng miền, tại làng Văn hóa Du lịch các dân tộc ở tại Đồng Mô cũng như Bảo tàng Dân tộc học tại Hà Nội. Ngoài ra  còn tham gia các hoạt động giao lưu tại một số tỉnh. Với những việc làm như thế, đã tạo được cho đồng bào các dân tộc thiểu số có dịp giao lưu, trao đổi học hỏi kinh nghiệm và từ đó họ có ý thức hơn trong việc bảo tồn văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc mình và truyền dạy lại cho các thế hệ trẻ các giá trị văn hóa của đồng bào”.

Không chỉ gìn giữ, phát huy ở cộng đồng làng, thời gian gần đây, những giá trị văn hóa truyền thống đã được đưa vào trường học. Tại một số trường vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã áp dụng việc mặc trang phục truyền thống, đưa việc truyền dạy cồng chiêng, múa xoang, dệt thổ cẩm vào các chương trình ngoại khóa, thu hút các em học sinh tham gia nhiệt tình, thích thú, tạo bước chuyển biến đáng kể trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống, di sản văn hóa độc đáo của tỉnh.

Quang Mẫn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *