(kontumtv.vn) – Đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa IX về đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, tại tỉnh Kon Tum, các cấp ngành, địa phương tạo mọi điều kiện để tổ hợp tác, các hợp tác xã kiểu mới thành lập và hoạt động. Giai đoạn 2015 – 2020 chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các hợp tác xã cả về số lượng lẫn chất lượng. Phần lớn mỗi hợp tác xã hoạt động trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề, có chỗ đứng vững chắc khi tạo được lợi nhuận, nguồn thu nhập ổn định cho các thành viên, người lao động và bà con nông dân. Từ đó, góp phần xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn.
Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Thương mại ứng dụng công nghệ cao Bắc Tây Nguyên Farm thành lập tháng 6/2020 trên cơ sở hợp nhất 4 tổ hợp tác và 2 trang trại trồng cây ăn quả tại huyện Đăk Hà. Hợp tác xã có 15 thành viên với vốn điều lệ khoảng 1,6 tỷ đồng. Đây là một trong những đơn vị tiên phong trên địa bàn phát triển mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Định hướng của hợp tác xã là hình thành vùng nguyên liệu chuyên canh cây ăn quả trồng theo phương pháp hữu cơ, qua đó, chế biến thành các sản phẩm xuất khẩu. Hiện nay, đơn vị đã liên kết với bà con nông dân trồng, chăm sóc 50 ha bơ, mít, sầu riêng và trên 130 ha chuối tiêu hồng, chuối Tây Thái Lan. Không chỉ ở Đăk Hà, vùng nguyên liệu chuối hiện đã mở rộng sang các huyện Đăk Tô, Kon Rẫy, thành phố Kon Tum và huyện Nam Giang của tỉnh Quảng Nam. Sản phẩm chuối của hợp tác xã được ưa chuộng tại thị trường Nhật, Hàn, Trung Quốc. Anh Vũ Ngọc Hà, thành viên HTX này chia sẻ: “Việc sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm là mục tiêu chính của HTX. Ngoài việc hình thành vùng nguyên liệu lớn đáp ứng yêu cầu đối tác. Thứ hai là mình có được sự lan tỏa trong cộng đồng. Bà con bây giờ có mô hình kinh tế hiệu quả, bà con cứ sản xuất, chúng tôi sẽ hỗ trợ vấn đề kỹ thuật và hỗ trợ vấn đề đầu ra, để làm sao cùng nhau, các HTX, các hộ nông dân cùng phát triển để tránh tình trạng chúng ta trồng những cây không hiệu quả, mang lại kinh tế thấp”.
Mô hình liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm của Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Thương mại ứng dụng công nghệ cao Bắc Tây Nguyên Farm đang gặt hái nhiều thành công. HTX kinh doanh hiệu quả không chỉ giúp các thành viên nâng cao thu nhập mà còn tạo việc làm thường xuyên cho lao động địa phương, giúp bà con nông dân ổn định đời sống. Anh Đặng Văn May (thôn 5, xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà) nói: “Bọn tôi làm ở đây thì anh em cũng tạo điều kiện cho làm công việc như cắt lá, tỉa chồi, vun gốc. Còn hàng tháng, anh em thấy đồng lương nó đủ điều kiện cho mình làm”.
Phát huy vai trò của kinh tế tập thể, các cấp ngành, địa phương tạo mọi điều kiện để tổ hợp tác, các hợp tác xã thành lập và hoạt động. Năm 2013, toàn tỉnh có gần 100 tổ hợp tác. Đến nay, số lượng tổ hợp tác đã tăng trên 200. Mỗi năm, lợi nhuận bình quân của một tổ hợp tác hơn 100 triệu đồng. So với năm 2013, số thành viên đăng ký vào tổ hợp tác tăng lên gần 2.000 thành viên. Tính đến tháng 10 năm nay, toàn tỉnh có trên 160 hợp tác xã với hơn 9.400 thành viên và người lao động tham gia. Hiện thu nhập bình quân của một hợp tác xã đạt hơn 1 tỷ đồng/năm, tăng 500 triệu đồng so với năm 2013. Lợi nhuận bình quân của một hợp tác xã khoảng 250 triệu đồng/năm. Theo đó, thu nhập bình quân của thành viên khoảng 40 triệu đồng/năm và thu nhập của lao động thường xuyên trong hợp tác xã đạt gần 50 triệu đồng/năm, tăng 25 triệu đồng so với đầu năm 2013. Ông Nguyễn Lâm Cảnh, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Kon Tum cho biết: “Các HTX thành lập mới theo Luật HTX 2012 hoạt động ngày càng hiệu quả. Các HTX có sự hợp tác, liên doanh, liên kết trong sản xuất. Hầu hết hợp tác xã đã thực hiện tốt các dịch vụ đầu vào, hỗ trợ kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên; chú trọng giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho thành viên. Các HTX tích cực thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh”.
Phát triển kinh tế tập thể, hầu hết hợp tác xã đều kiện toàn tổ chức bộ máy, chú trọng sử dụng phương thức khoán và hợp đồng dịch vụ trong các khâu để phát huy vai trò làm chủ của thành viên. Trên 60% hợp tác xã nông nghiệp hiện nay đã tích luỹ vốn và thực hiện tái đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Các hợp tác xã này có tốc độ phát triển ổn định, bền vững. Ông Lê Văn Hiền, Chủ tịch UBND xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà cho biết: “Năm 2020 trên địa bàn cũng có thành lập 1 HTX theo mô hình kiểu mới. Đây là HTX hoạt động trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề, tập trung chủ yếu của HTX là lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là cây ăn trái và sản xuất cà phê. Ngoài ra, HTX cũng đang thực hiện tốt mô hình liên kết và kết nạp hội viên, góp phần rất lớn trong vấn đề nâng cao thu nhập cho hội viên tham gia, từ đó, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của địa phương”.
Phát huy hơn nữa hiệu quả kinh tế tập thể tại địa phương, giai đoạn 2020 – 2025, Liên minh Hợp tác xã tỉnh quyết tâm thực hiện tốt vai trò là tổ chức đại diện, hỗ trợ hợp tác xã phát triển. Trong đó, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý, sản xuất kinh doanh cho các hợp tác xã; tăng cường tuyên truyền, vận động bà con nhân dân tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã để tăng quy mô thành viên; tạo điều kiện xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, nhất là thị trường xuất khẩu cho các hợp tác xã; thúc đẩy các đơn vị tham gia chuối liên kết sản xuất, tăng thu nhập cho các thành viên và người lao động.
Thu Trang – Đức Thắng