(kontumtv.vn) – “Không phải không có chuyện mượn tự phê bình và phê bình để khen ngợi, thậm chí không phải không có ý kiến có tính chất nịnh nọt trong đó”.

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI chính thức được ký ban hành ngày 16/1/2012. Sau 3 năm, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 được các cấp ủy đảng từ Trung ương đến địa phương chỉ đạo khá chặt chẽ, cụ thể, có nhiều chuyển biến tích cực.

Ngăn chặn bước đầu về tình trạng suy thoái

Ông Nguyễn Đức Hà

Theo ông Nguyễn Đức Hà, Vụ trưởng – Ban Tổ chức Trung ương, thành viên Tổ giúp việc Bộ Chính trị, Ban Bí thư thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), khi nói về thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 thì Trung ương đặt ra 4 nhóm giải pháp: Phê bình và tự phê bình, nêu cao tính tiền phong gương mẫu của cấp trên; Tổ chức cán bộ và sinh hoạt Đảng; Tập trung bổ sung, hoàn thiện lại hệ thống cơ chế, chính sách; Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, trong đó cốt lõi là học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Đức Hà khẳng định, 4 nhóm giải pháp mà Trung ương đặt ra cho Nghị quyết được chỉ đạo triển khai khá đồng bộ, khá tích cực. Những nội dung mà Nghị quyết đặt ra đã được thể chế hóa, cụ thể hóa tương đối đồng bộ. Từ khi Nghị quyết Trung ương 4 ban hành đến nay, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các ban Đảng Trung ương đã thể chế hóa, cụ thể hóa trên 50 văn bản để chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức thực hiện, tạo thuận lợi cho việc thực hiện ở các cấp.

Ông Nguyễn Đức Hà cho rằng, cuối năm 2012, chúng ta thực hiện một đợt sinh hoạt chính trị rất sâu rộng trong toàn Đảng, đó là phê bình và tự phê bình theo 3 vấn đề cấp bách gắn với 19 điều đảng viên không được làm. Qua đợt kiểm điểm tập thể, cá nhân theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 có tác dụng cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe và phòng ngừa sai phạm, thấy được khuyết điểm để tổ chức, cá nhân đề ra kế hoạch thực hiện.

“Thực chất có thể nói rằng, chúng ta tuy chưa đẩy lùi được tình trạng suy thoái nhưng rõ ràng đã ngăn chặn bước đầu về tình trạng suy thoái. Có thể nói, qua kiểm điểm phê bình và tự phê bình, kiểm tra, thanh tra của Đảng, thanh tra, kiểm tra của Nhà nước, điều tra, khởi tố, truy tố, xét xử những vụ án tham nhũng lớn rõ ràng có tác dụng răn đe khá lớn”- ông Hà nói.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Bí thư huyện ủy Phúc Thọ, Hà Nội cũng cho rằng, để thực hiện được Nghị quyết Trung ương 4, trước hết, cần đánh giá thêm về bối cảnh. Về mặt thuận lợi, có thể khẳng định xây dựng, chỉnh đốn Đảng là một nhu cầu tự thân của Đảng. Đây cũng là một nhu cầu trước thời kỳ đẩy mạnh công cuộc đổi mới hiện nay. Ngoài ra, có thể thấy quyết tâm chính trị rất cao của Đảng. Cũng ít có Nghị quyết Trung ương nào mà ngay sau khi ra đời, Đảng ban hành ngay Chỉ thị thực hiện Nghị quyết, cụ thể là đối với Nghị quyết Trung ương 4, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 15. Cùng với đó là việc tổ chức triển khai thực hiện hết sức bài bản: Hội nghị toàn quốc triển khai, sau đó đến các địa phương, các ngành đều tổ chức triển khai. Trong bối cảnh đó, được sự quan tâm ủng hộ và kỳ vọng của nhân dân – đây là yếu tố rất quan trọng cho việc triển khai thực hiện Nghị quyết. Nhân dân mong đợi Nghị quyết Trung ương 4 như một luồng sinh khí mới để đi vào đời sống chính trị, đời sống của Đảng và của nhân dân.

Có chuyện phê bình lãnh đạo, nhưng là “phê bình khen ngợi”

Tuy nhiên, khi thực hiện Nghị quyết TW4, có những khó khăn phải đối mặt trên phạm vi cả nước cũng như ở từng cơ sở.

“Bên cạnh những kết quả bước đầu đạt được, nhưng nhìn lại một cách nghiêm túc thì chúng ta cũng thấy rằng, còn bộc lộ một số hạn chế. Theo tôi, mặt hạn chế có thể nói là phổ quát nhất, cấp nào  cũng có, ở đâu cũng có, chính là việc tự phê bình và phê bình chưa thật sự mang tính chiến đấu cao”- ông Nguyễn Đức Hà nhận định.

Theo ông Hà, việc tự phê bình và phê bình của các tập thể và cá nhân thì vẫn còn tình trạng nói ưu điểm nhiều, nói khuyết điểm ít. Nếu có nói về khuyết điểm thì cũng cố gắng né tránh một số từ có tính nhạy cảm.

“Không phải không có chuyện mượn tự phê bình và phê bình để ca ngợi, để động viên, khen ngợi, thậm chí không phải không có ý kiến có tính chất nịnh nọt trong đó. Tôi cũng từng được nghe những chuyện phê bình lãnh đạo, phê bình người khác nhưng đó lại là sự “phê bình khen ngợi”. Và việc này tôi cũng phải nói thật là ở cấp nào cũng có, từ Trung ương đến các địa phương”- ông Hà nói.

Ông Hà cho rằng, việc tự phê bình và phê bình trong Bộ Chính trị và Ban Bí thư là thực sự nghiêm túc, thực sự là gương  mẫu để cho các cấp noi theo. Nhưng quá trình thực hiện xuống từng cấp đã phôi phai, không còn nguyên vẹn như tinh thần Nghị quyết Trung ương 4.

“Tôi thấy đây là vấn đề phổ quát nhất. Bản kiểm điểm cuối năm của mấy nghìn đảng viên của địa phương hầu như đều có một khuyết điểm giống nhau là đôi khi còn nể nang, né tránh, ngại va chạm. Tôi cho đây là khuyết điểm lớn nhất mà có thể nói tự phê bình và phê bình là vũ khí sắc bén nhất về xây dựng Đảng, nhưng chính cái sắc bén nhất thì chúng ta lại đang yếu”- ông Hà nhận xét.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Bí thư huyện ủy Phúc Thọ, Hà Nội

Ông Ngọ Duy Hiểu cũng cho rằng, khó khăn khi thực hiện Nghị quyết TW4 là thói quen ngại nói về nhược điểm của nhau, đã tồn tại trong rất nhiều người, nhiều năm.Một khó khăn nữa là quyết tâm chính trị, sự thiếu gương mẫu của một số cấp ủy đảng và người đứng đầu. Yếu tố này là một sự trở ngại rất lớn trong quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4. Cùng với đó là sự chống phá của các lực lượng thù địch, lợi dụng Nghị quyết Trung ương 4 – Nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng – để xuyên tạc, gây nên sự hoài nghi, băn khoăn của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

“Ngoài ra, tâm lý “dĩ hòa vi quý” trong Đảng, nhân dân và trong hệ thống chính trị vẫn đang là vấn đề làm cho Nghị quyết đi vào đời sống gặp nhiều khó khăn”- ông Hiểu nói.

Ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng, để Nghị quyết Trung ương 4 đã đi vào đời sống chính trị, đời sống nhân dân thì phải thực hiện được 3 vấn đề  mấu chốt. Đầu tiên là  quyết tâm chính trị của tập thể cấp ủy và sự gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu.

“Có thể nói là người đứng đầu đang thực hiện chức năng lái một con tàu, và những người trên tàu phải ủng hộ, đưa con tàu đi đúng hướng. Ở nơi nào mà Nghị quyết Trung ương 4 không thành công thì phải xem xét lại quyết tâm chính trị của cấp ủy”- ông Hiểu nói.

Theo ông Hiểu, vấn đề thứ hai là kế hoạch khắc phục các hạn chế phải giàu sức chiến đấu. Kế hoạch đó phải chỉ ra những vấn đề mà lâu nay ta không có thói quen nhìn, tiếp cận nó; và phải rõ người, rõ việc, rõ lĩnh vực và rõ trách nhiệm. Kế hoạch đó đang thiếu chỗ nào, yếu chỗ nào, sau đó ai phải làm việc đó?  Lĩnh vực đó cần phải thực hiện bằng cách nào?

“Theo tôi giải pháp thứ 3 nữa là công tác kiểm tra, giám sát và tự kiểm tra lại chính mình về việc khắc phục các hạn chế. Đó là 3 yếu tố mà từ thực tiễn của Phúc Thọ tôi khái quát lại và thấy rằng nó trở thành yếu tố quyết định thành công bước đầu của việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4”- Ông Ngọ Duy Hiểu chia sẻ./.

Minh Hòa/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *