(kontumtv.vn) – Trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp tại lễ khởi động “Sáng kiến quốc gia khởi nghiệp” tổ chức chiều 30/3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần thay đổi cách nghĩ, hướng ra bên ngoài, trở thành một phần của thế giới đang nhỏ lại nhờ kết nối, chia sẻ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Doanh nghiệp khởi nghiệp phải là một phần của thế giới. Ảnh VGP/Đình Nam

Theo Phó Thủ tướng, cơ chế có vai trò quan trọng trong việc tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp (DN), trong đó có cộng đồng DN khởi nghiệp, phát triển. Tuy nhiên, nếu chỉ cởi trói, tháo gỡ vướng mắc là chưa đủ mà cần phải thúc đẩy thực hiện những cơ chế đó để mọi người, mọi DN, trong đó có phong trào khởi nghiệp, phát triển mạnh mẽ.

Nhấn mạnh sự phát triển của công nghệ thông tin đang làm thế giới nhỏ lại nhờ kết nối và chia sẻ, Phó Thủ tướng cho rằng phải thay đổi tư duy để có thể nắm bắt và phát huy được lợi thế của những thành tựu khoa học công nghệ. Một trong những điểm yếu cần khắn phục của các DN, nhà khoa học cũng như cơ quan quản lý là thiếu tập trung nghiên cứu, xử lý đến cùng các vấn đề khoa học, công nghệ. Đây là cơ sở để hình thành đội ngũ chuyên gia giỏi, chuyên sâu về từng lĩnh vực, kết nối lại thành cả bộ máy giỏi.

“Các làn sóng công nghệ mới, xu thế mới thì thế giới ai cũng biết nhưng điểm khác nhau là chúng ta có đi sâu vào để trở thành thật giỏi trong lĩnh vực đó hay không”.

“Dân tộc nào, đất nước nào hay nhỏ hơn nữa là người nào ý thức được những thành tựu khoa học công nghệ mới và phát huy được nó thì sẽ có lợi thế vượt trội. Mỗi người, mỗi DN, nhất là các bạn trẻ khởi nghiệp phải thay đổi cách nhìn, đặt mình là một phần của thế giới kết nối và chia sẻ thay vì thói quen hướng vào bên trong từ cách nghĩ, cách làm đến thị trường, định hướng phát triển DN… Từ đó cổ vũ, ủng hộ những ý tưởng mới mẻ”, Phó Thủ tướng nói.

Đối với cộng đồng khởi nghiệp, Phó Thủ tướng khẳng định yếu tố kết nối đóng vai trò rất quan trọng nhằm tạo ra những hệ sinh thái kết nối với nhau.

“Chúng ta nỗ lực từng người tốt nhưng cần kết nối để tốt hơn nữa”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Lễ khởi động Sáng kiến quốc gia khởi nghiệp. Ảnh: VGP/Đình Nam

Mong muốn từ sáng kiến quốc gia khởi nghiệp, tinh thần khởi nghiệp sẽ được nhen lên trong cộng đồng DN khởi nghiệp và lan tỏa ra toàn xã hội, Phó Thủ tướng nhắn nhủ: “Cộng đồng khởi nghiệp phải dựa vào những gì tốt nhất đang có, với công nghệ bên ngoài và con người Việt Nam. Quan trọng là phải tin tưởng, ủng hộ những ý tưởng mới của các bạn trẻ, của mọi người; ứng dụng khoa học công nghệ, thay đổi tư duy, cách nghĩ để đất nước giàu mạnh lên”.

“Chính phủ sẽ tiếp tục tham gia cùng các bạn xây dựng các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể để cộng đồng DN, các vườn ươm, các thiết chế, các quỹ liên quan đến khởi nghiệp phát triển”, Phó Thủ tướng nói.

Tại lễ khởi động Sáng kiến quốc gia khởi nghiệp, các đại biểu đã nêu nhiều đóng góp thiết thực về các chủ đề như vai trò của mỗi thành tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp, làm thế nào để xây dựng được hệ sinh thái khởi nghiệp dưới góc nhìn khoa học công nghệ, cùng tìm kiếm điểm tối trọng cần tháo gỡ để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của Việt Nam và đưa ra các sáng kiến để Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp.

Cũng trong khuôn khổ chương trình, Tập đoàn FPT và Quỹ đầu tư dài hạn Dragon Capital Group đã ký thỏa thuận hợp tác về việc thành lập Quỹ Tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam (Vietnam Innovative Startup Accelerator, gọi tắt là VIISA).

Mục đích của quỹ là đào tạo, đầu tư, hỗ trợ các nhóm khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mobile, internet, tài chính để trở thành các doanh nghiệp thành công. Dự kiến trong quý 2/2016, khóa đào tạo tăng tốc khởi nghiệp đầu tiên của VIISA sẽ chính thức bắt đầu.

Việc thành lập VIISA hưởng ứng chương trình quốc gia Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam do Bộ Khoa học và Công nghệ khởi động với sự tham gia của nhiều DN nằm trong Top 500 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam cũng như các quỹ, vườn ươm khởi nghiệp khác trên thế giới.

Sau tuyên bố thành lập, các thành viên sáng lập Quỹ Tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam đã ký thỏa thuận ghi nhớ hợp tác về phát triển các hoạt động khởi nghiệp tại các trường đại học và trung học, gồm ĐH Công nghệ- ĐHQG Hà Nội, ĐH Bách Khoa Hà Nội, ĐH FPT và PTTH Chuyên Hà Nội Amsterdam.

Đình Nam/Chinhphu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *