(kontumtv.vn) – Gia nhập ASEAN, thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 15 nước và quan hệ đối tác toàn diện với 10 nước đã mang lại nhiều cơ hội phát triển cho đất nước ta, cho cuộc sống người dân. Hội nhập quốc tế không hề là một khái niệm trừu tượng.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh. Ảnh; VGP/Hải Minh

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng điều này khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo điện tử Chính phủ nhân dịp đầu năm mới 2016.

Thưa Phó Thủ tướng, xin Phó Thủ tướng đề cập cụ thể hơn về cơ hội cho đất nước ta khi Cộng đồng ASEAN chính thức hình thành?

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Tôn chỉ, mục đích của Cộng đồng ASEAN là “hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm”. Đó không phải là khẩu hiệu suông mà sẽ được chứng minh bằng thực tế.

Mỗi người dân đều thấy chặng đường Việt Nam tham gia ASEAN 20 năm qua thực sự ích nước, lợi nhà trên tất cả các phương diện từ chính trị-an ninh đến kinh tế, văn hóa-xã hội. Do đó, Cộng đồng ASEAN với mức độ hợp tác, liên kết sâu rộng hơn sẽ mở ra ngày càng nhiều cơ hội cho đất nước cũng như mỗi người dân.

Cơ hội rõ ràng nhất là từ khía cạnh kinh tế. Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ tạo ra một thị trường chung rộng lớn với 625 triệu người, tổng GDP gần 3.000 tỉ USD. Ước tính, việc thực hiện đầy đủ AEC và các Hiệp định thương mai tự do (FTA) ASEAN+1 vào năm 2018 sẽ giúp GDP các nước ASEAN tăng thêm 4,5% so với năm 2007, tạo việc làm, tiền lương của lao động giản đơn tăng hơn 7,6%, riêng lương của lao động lành nghề có thể tăng tới 9,6%.

Doanh nghiệp của chúng ta sẽ hưởng lợi từ một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn với việc xóa bỏ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan. Còn người dân thì có thêm nhiều lựa chọn về hàng hóa và dịch vụ với giá cả thấp và chất lượng cao hơn.

Theo ước tính, việc tham gia AEC dự kiến sẽ giúp GDP Việt Nam tăng trưởng thêm 14,5% và việc làm tăng thêm 10,5% đến năm 2025. Lao động có tay nghề sẽ được tự do di chuyển và tìm việc làm thuận lợi hơn trong khu vực. Điều này rất quan trọng đối với chúng ta, bởi miếng cơm manh áo của hàng trăm nghìn người Việt Nam trông vào xuất khẩu lao động.

Bên cạnh các lợi ích đo đếm được nói trên, người dân cũng sẽ được thụ hưởng những giá trị văn hóa, tinh thần phong phú hơn.

Cộng đồng văn hóa-xã hội ASEAN sẽ mở ra các cơ hội cho người dân Việt tiếp xúc, học tập, giao lưu, du lịch, qua đó cảm nhận sự đa dạng văn hóa trong đại gia đình ASEAN.

Chẳng hạn, việc lập Cổng xuất nhập cảnh ASEAN tại các cửa khẩu sẽ rút ngắn thời gian chờ đợi làm thủ tục tại sân bay khi đi du lịch hay công tác. Điều kiện để người dân được hưởng thụ các dịch vụ y tế, giáo dục, chăm sóc sức khỏe… cũng ngày càng cao hơn trước.

Thưa Phó Thủ tướng, chúng ta đã chuẩn bị như thế nào để “bắt kịp” Cộng đồng kinh tế ASEAN?

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Nhiều người trong chúng ta hẳn sẽ ngạc nhiên nếu biết Việt Nam là nước “đi sau, về trước” trong xây dựng AEC.

Mặc dù gia nhập ASEAN muộn hơn và có khoảng cách phát triển so với một số nước thành viên khác, nhưng Việt Nam đã cùng Singapore nằm trong nhóm nước dẫn đầu về các biện pháp xây dựng AEC, đạt tỉ lệ tới 94,5%. Nếu không có sự chuẩn bị tương đối bài bản, chúng ta khó có thể đi nhanh đến thế.

Ngay từ năm 1998, Chính phủ đã lập Ban Chỉ đạo quốc gia về AEC do một Phó Thủ tướng đứng đầu. Còn kể từ khi bắt đầu triển khai Kế hoạch tổng thể xây dựng AEC từ năm 2008 đến nay, chúng ta đã chủ động cải cách hệ thống thể chế và pháp luật trong nước, tạo nền tảng cho hội nhập ASEAN.

Sau đó trong các năm 2014 và 2015, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Chính phủ ban hành và quyết liệt triển khai 2 Nghị quyết và một Chỉ thị về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Kết quả là theo xếp hạng của các tổ chức quốc tế, năm 2015, Việt Nam tăng 12 bậc về năng lực cạnh tranh toàn cầu, tăng 19 bậc về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu – lần đầu tiên vươn lên TOP 3 ASEAN…

Chúng ta đã bám sát lộ trình thực hiện các cam kết trong khuôn khổ ASEAN.

Về hàng hóa, dự kiến Việt Nam sẽ tự do hóa 98,01% tổng số dòng thuế vào năm 2018.

Về dịch vụ, Việt Nam đã cùng các nước ASEAN ký kết 9 gói cam kết về thương mại dịch vụ trong khuôn khổ Hiệp định khung ASEAN về thương mại dịch vụ và tiến tới xây dựng gói cam kết thứ 10 vào cuối năm 2015.

Về đầu tư, chúng ta đã tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ của Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN được ký năm 2009 và có hiệu lực vào năm 2012.

Ở trong nước, công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ASEAN và AEC đã được tăng cường triển khai rộng khắp. Nội dung và hình thức tuyên truyền đa dạng nhưng phù hợp với từng đối tượng, từ doanh nghiệp đến người dân, thậm chí cả các em học sinh.

Dĩ nhiên còn rất nhiều việc phải làm, nhưng đến thời điểm này, tôi lạc quan rằng cả về đường lối, chính sách, cơ chế và nhất là tâm thế, chúng ta đã sẵn sàng cho AEC.

Năm 2015, Việt Nam đã nâng cấp khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược với Malaysia và Philippines, đưa tổng số đối tác chiến lược lên 15 nước, đối tác toàn diện lên 10 nước. Xin Phó Thủ tướng cho biết ý nghĩa của việc thiết lập các khuôn khổ quan hệ hợp tác như vậy. Việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với các nước mang lại những lợi ích cụ thể gì cho người dân?

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Mức độ thân, sơ trong quan hệ giữa các quốc gia cũng giống như trong quan hệ giữa con người với nhau. Cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn khi ta có nhiều bạn thân, bạn tốt. Với việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Malaysia và Philippines, chúng ta đã cơ bản hoàn thành chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về xây dựng khuôn khổ quan hệ với các đối tác ưu tiên, quan trọng.

Có thể thấy 15 đối tác chiến lược và 10 đối tác toàn diện của chúng ta đều là những nước có “vai vế” hoặc trực tiếp tác động đến các lợi ích an ninh và phát triển của Việt Nam. Trong số đó có tất cả các nước lớn; 5 nước thành viên thường trực HĐBA/LHQ; nhiều nước có vị thế và tầm ảnh hưởng lớn ở khu vực và thế giới như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Anh, Pháp… hay các nước chủ chốt trong ASEAN như Indonesia, Malaysia, Singapore, Philippines, Thái Lan.

Bên cạnh việc củng cố được môi trường hòa bình, ổn định và nâng cao vị thế đất nước, thì lợi ích nhiều mặt trong quan hệ với các đối tác trên là vô cùng lớn.

Về kinh tế, mạng lưới đối tác đã gắn Việt Nam chặt chẽ hơn với thị trường trên 3,5 tỉ người có tổng GDP khoảng 34.000 tỉ USD, tức là gấp hơn 200 lần GDP của nước ta.

Trong số các đối tác của ta thì có 15 nước là thành viên G20; 9 nước là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và 8 nước là nhà đầu tư nước ngoài hay những nước cung cấp ODA lớn nhất cho Việt Nam.

Như vậy, kinh tế Việt Nam có phát triển, đời sống người dân đi lên được, một phần quan trọng cũng là nhờ các mối quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư thuận lợi giữa chúng ta và các đối tác nói trên.

Bên cạnh đó, gần 100.000 du học sinh Việt Nam (trong tổng số khoảng 120.000) đang học tập tại các nước này. Ở chiều ngược lại, gần 7 triệu khách du lịch (trong tổng số 7,8 triệu khách năm 2014) đến từ các đối tác này.

Vừa qua, việc Indonesia, Philippines thả nhiều ngư dân ta bị bắt giữ do đánh bắt trái phép trong các vùng biển của nước bạn cũng cho thấy quan hệ đối tác chiến lược không chỉ là khái niệm trừu tượng mà đã mang lại lợi ích rất thiết thực.

Tựu trung lại có thể thấy việc xây dựng các mối quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện là xuất phát từ chính lợi ích sát sườn của người dân cũng như lợi ích chung của đất nước.

Hội nhập sâu rộng dẫn đến việc ngày càng nhiều công dân Việt Nam ra nước ngoài công tác, học tập, lao động và số lượng các vụ việc liên quan đến công dân Việt Nam ở nước ngoài thời gian qua cũng tăng lên. Xin Phó Thủ tướng cho biết Bộ Ngoại giao đã có những biện pháp nào nhằm tăng cường hiệu quả công tác bảo hộ công dân?

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Bản chất của Nhà nước ta là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Với tinh thần đó, Bộ Ngoại giao luôn xác định bảo hộ công dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu với phương châm “Chủ động, kịp thời, nhanh chóng, hiệu quả”.

Ngay từ đầu năm 2015, Bộ Ngoại giao đã đưa vào hoạt động Tổng đài bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài hoạt động 24/7. Từ khi đi vào hoạt động, Tổng đài đã tiếp nhận 6.700 lượt thông tin. Năm 2015, Bộ Ngoại giao đã bảo hộ cho 2.655 công dân với nhiều vụ việc tại các địa bàn Malaysia, Thái Lan, Nga, Lebanon, Syria, Saudi Arabia… Bộ Ngoại giao cũng phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết 129 vụ liên quan 200 tàu và 1.471 ngư dân.

Để triển khai hiệu quả khối lượng công việc lớn nói trên, từ lãnh đạo Bộ cho đến cán bộ nhân viên đều phải trực tiếp “xắn tay áo” vào cuộc.

Với nhiều Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện, việc đích thân đến tận nơi có công dân đang gặp nạn hay vướng mắc thủ tục pháp lý đã trở nên thường xuyên như chuyện hằng ngày. Chẳng hạn, chúng ta đã đến những nơi xa xôi như Micronesia để giúp đưa ngư dân ta bị giam giữ do vi phạm vùng biển của nước bạn về nước hoặc tới các địa phương của Indonesia, Philippines vận động chính quyền sở tại đối xử nhân đạo, sớm trả tự do cho ngư dân ta…

Bộ Ngoại giao cũng đã chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài “trực chiến” 24/7, nâng cao tinh thần trách nhiệm. Việc hoàn thành tốt công tác bảo hộ công dân được Bộ Ngoại giao coi là một tiêu chí trong việc đánh giá hiệu quả công việc của cơ quan đại diện.

Trong quan hệ với các nước và các chuyến trao đổi đoàn cấp cao, Bộ Ngoại giao tích cực thúc đẩy quá trình đàm phán, ký kết các thỏa thuận hợp tác lao động, nhất là với các địa bàn trọng điểm như Malaysia, Thái Lan nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của lao động ta ở nước ngoài.

Với các địa phương, Bộ Ngoại giao đã đẩy mạnh phối hợp, trao đổi thông tin thường xuyên, từ đó tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân kịp thời, chính xác, bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp của bà con ta.

Xin Phó Thủ tướng đánh giá các kết quả của công tác hỗ trợ doanh nghiệp và người dân hội nhập trong năm 2015 – một năm sôi động với rất nhiều sự kiện hội nhập? Sang năm 2016, ngành ngoại giao sẽ tiếp tục hỗ trợ hội nhập kinh tế như thế nào?

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Xác định rõ tâm thế luôn đồng hành với doanh nghiệp và người dân, ngành ngoại giao luôn sát cánh, thúc đẩy các địa phương, doanh nghiệp, người dân trong triển khai hội nhập quốc tế. Chúng tôi luôn tâm niệm rằng thước đo thành công của hội nhập kinh tế là sức sống của doanh nghiệp và sự ấm no, hạnh phúc của nhân dân.

Năm 2015, Bộ Ngoại giao đã phối hợp tổ chức hiệu quả các hoạt động xúc tiến kinh tế trong và ngoài nước. Chúng ta đã tích cực vận động các doanh nghiệp lớn của nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Kết quả đạt được là vốn FDI thực hiện 11 tháng đầu năm 2015 là 13,3 tỉ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2014.

Bộ Ngoại giao cũng chỉ đạo các cơ quan đại diện hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, kinh doanh tại các thị trường truyền thống và tiềm năng; giúp tháo gỡ các vướng mắc trong hợp tác với đối tác nước ngoài, chẳng hạn liên doanh của Viettel tại Cameroon, dự án Junin-2 của Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) tại Venezuela…

Bên cạnh đó, Bộ cũng giao nhiệm vụ cho các cơ quan đại diện phải trực tiếp giúp tìm đầu ra cho các sản phẩm của Việt Nam.

Vừa qua, nhờ nỗ lực, quyết tâm của các Đại sứ mà trái xoài Cát Chu, quả thanh long, vải thiều Việt Nam đã “chen chân” được vào những thị trường rất khó tính như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Australia…

Để thúc đẩy sự chuẩn bị bên trong cho quá trình hội nhập, Bộ Ngoại giao đã tổ chức hàng chục lớp tăng cường đào tạo kiến thức và kỹ năng về hội nhập kinh tế quốc tế và ngoại giao kinh tế cho hàng nghìn lượt cán bộ của các địa phương trong cả nước.

Công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về Cộng đồng Kinh tế ASEAN và các FTA lớn mà Việt Nam tham gia cũng được triển khai hiệu quả.

Trong năm 2016, trên cơ sở nhiệm vụ và lợi thế so sánh của ngành ngoại giao, Bộ Ngoại giao sẽ tập trung vào những nhiệm vụ chính sau:

Một là, tranh thủ điều kiện thuận lợi từ các mối quan hệ chính trị đối ngoại với các đối tác lớn, các đối tác có tiềm năng để thu hút FDI, ODA, vận động thêm các nước công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam. Đồng thời, chúng ta sẽ đẩy mạnh việc vận động các nước phê chuẩn các FTA thế hệ mới, các FTA lớn mà Việt Nam đã tham gia, ký kết.

Hai là, tăng cường hơn nữa tuyên truyền về Cộng đồng Kinh tế ASEAN và các FTA thế hệ mới để người dân hiểu được những thời cơ và thách thức, từ đó tận dụng tốt nhất các lợi ích của hội nhập kinh tế quốc tế. Trong hội nhập, dân có giàu, doanh nghiệp có làm ăn phát đạt, thì nước mới mạnh.

Ba là, chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài làm tốt hơn nữa chức năng “tai mắt”, nghiên cứu, dự báo chuẩn xác tình hình để tham mưu đúng và trúng cho doanh nghiệp và các địa phương trong làm ăn, giao dịch với các đối tác nước ngoài.

Xin trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng./.

Hải Minh (thực hiện)/Chinhphu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *