(kontumtv.vn) – Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các bộ là thành viên Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia, các địa phương quán triệt phương châm: “Chủ động, quyết tâm, sáng tạo, quyết liệt, hiệu quả” trong xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

 C12A2311
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia chủ trì Phiên họp. Ảnh: VGP/Thành Chung

Chiều ngày 28/2 tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia đã chủ trì phiên họp của Ban chỉ đạo để đánh giá về các kết quả trên và đặt ra mục tiêu tiếp theo của năm 2018, tiến tới thực hiện thành công mục tiêu của cả giai đoạn 2016-2020.

Năm 2017 Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững đã đạt được những kết quả toàn diện, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao, góp phần quan trọng cho cả nước hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2017, đón Tết Mậu Tuất vui tươi, tiết kiệm và an toàn.

Cụ thể, năm 2017 cả nước có 34,4% số xã đạt chuẩn nông thôn mới trong khi chỉ tiêu là 31%. Tỉ lệ hộ nghèo cả nước giảm 1,51% trong khi chỉ tiêu Quốc hội giao năm 2017 giảm từ 1,3-1,5%.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi đánh giá cao thành quả của Chính phủ trong năm 2017, đặc biệt ấn tượng khi Chính phủ đã kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia ủng hộ người nghèo với số tiền lên tới 126.000 tỷ đồng.

Trưởng Ban chỉ đạo Vương Đình Huệ cho rằng kết quả nổi bật là hoàn thiện khung khổ văn bản pháp lý cho cả giai đoạn 2016-2020 với bộ tiêu chí mới về nông thôn mới, tiếp cận đa chiều về giảm nghèo bền vững và theo kế hoạch đầu tư công trung hạn; bộ máy chỉ đạo điều hành hoàn thiện, thông suốt từ Trung ương tới địa phương; nhiều cách làm mới, mô hình hay gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, biến đổi khí hậu và phát triển sinh kế bền vững…

Cả nước cũng huy động được gần 400.000 tỷ đồng (vốn Nhà nước, đóng góp của tổ chức, doanh nghiệp, nhân dân, vốn tín dụng ngân hàng) – con số rất cao so với nhiều năm trước cho 2 chương trình này trong năm 2017, tạo ra nguồn lực lớn để hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Đối với năm 2018, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các bộ là thành viên Ban chỉ đạo, các địa phương quán triệt phương châm: “Chủ động, quyết tâm, sáng tạo, quyết liệt, hiệu quả” trong xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Trong đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Với khung khổ pháp lý chung mà Chính phủ ban hành thì bài học chủ động rất quan trọng đối với thực tiễn sinh động và với nhân dân, các địa phương, đồng thời đặt lên trên hết là tính hiệu quả trong thực hiện, đầu tư”.

Hiện nay Thủ tướng và Chính phủ đang chỉ đạo sửa đổi các Nghị định về đầu tư công, trong đó có các vướng mắc về cắt giảm thủ tục đầu tư công trong xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo, tăng tổng mức uỷ quyền đầu tư của một dự án từ 5 tỷ đồng lên 15 tỷ đồng; phân bổ, sử dụng nguồn lực xã hội để giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới, bảo đảm năm 2018 không phát sinh các khoản này…

Trưởng Ban chỉ đạo yêu cầu các bộ, địa phương tập trung thực hiện Chương trình gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển chuỗi giá trị, làm tốt chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); đẩy mạnh tuyên truyền ý nghĩa của 2 chương trình này tới toàn xã hội, để thu hút sự tham gia và nguồn lực của các tổ chức, người dân trong và ngoài nước cho xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Trong năm nay, để tiếp tục triển khai hiệu quả hơn nữa, Trưởng Ban chỉ đạo yêu cầu hai bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức các hội nghị chuyên đề để thúc đẩy phát triển hạ tầng, mô hình sản xuất các khu vực bãi ngang ven biển, nhân rộng các mô hình nông thôn mới kiểu mẫu; hoàn thành xây dựng tiêu chí huyện nghèo mới để khuyến khích các địa phương vươn lên thoát nghèo, không để tồn tại tâm lý không muốn thoát nghèo như một số nơi hiện nay.

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ tiếp tục hoàn thiện khung khổ thể chế, trong đó đôn đốc để sớm ký văn bản liên quan đến xác định huyện nghèo.

“Cái này đã trên bàn của Thủ tướng. Chúng tôi rất thận trọng. Còn 1 huyện cuối cùng là huyện Thường Xuân (Thanh Hóa), bằng điểm với huyện khác, nếu đưa anh ấy vào thì phải đưa cả các huyện kia mà trước đây các cơ quan xét duyệt chúng tôi không chấp nhận, yêu cầu anh Dung (Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội – PV) về lập hội đồng bỏ phiếu đàng hoàng, vì tình trạng bây giờ các huyện không muốn thoát nghèo”, Phó Thủ tướng cho hay.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2018, cả nước sẽ phấn đấu có ít nhất 39-40% số xã (khoảng 3.530 xã) đạt chuẩn nông thôn mới, tăng khoảng 5-6% so với năm 2017; có ít nhất 54 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng khoảng 10 đơn vị so với năm 2017; bình quân tiêu chí/xã cả nước tăng thêm tối thiểu 0,5 tiêu chí/xã so với năm 2017; giảm số xã đạt dưới 5 tiêu chí xuống dưới 60 xã.Ba trọng điểm xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo

Tiếp tục phấn đấu giảm tỉ lệ hộ nghèo cả nước bình quân 1-1,5%/năm (riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%/năm; hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3-4%/năm) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Phó Trưởng Ban chỉ đạo cho rằng trong xây dựng nông thôn mới cần tập trung trước hết vào cải thiện tiêu chí thu nhập gắn liền với tổ chức sản xuất, thúc đẩy sản xuất; thứ 2 là chỉ tiêu môi trường, thứ 3 là giữ gìn văn hoá, xã hội với đặc thù từng vùng miền. Phấn đấu tới năm 2020 cả nước có 15.000 HTX nông nghiệp. “Đây không phải chỉ là chỉ tiêu mà là bản chất sản xuất nông nghiệp, cần quan tâm đặc biệt”, ông Cường nói.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đề nghị cần làm rõ nguyên nhân giải ngân chậm cho chương trình giảm nghèo bền vững khi nguồn vốn Nhà nước còn khó khăn. “5 tỉnh có mức giải ngân 40%, thì các địa phương làm rõ hơn để khắc phục”.

Cũng trong ngày hôm nay (28/2), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã ký Quyết định công nhận thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2017.

Thành Chung/Chinhphu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *