(kontumtv.vn) – Hôm 12/6, theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội.
Các vấn đề lớn của đất nước sẽ được Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời đại biểu Quốc hội như về tình hình Biển Đông, việc hỗ trợ ngư dân, lao động việc làm, an sinh xã hội, quốc phòng an ninh, công tác chỉ đạo, điều hành kinh tế – xã hội của Chính phủ.
Trước đó, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trả lời chất vấn các vị đại biểu Quốc hội các vấn đề được đại biểu và cử tri quan tâm.
Theo Thanh tra Chính phủ, tính đến nay, kết quả kiểm tra, rà soát, giải quyết 528 vụ việc tồn đọng, bức xúc, kéo dài đã giải quyết được 492/528 vụ việc (đạt 93%); hiện còn 36 vụ việc các bộ, ngành, địa phương đang tích cực giải quyết. Trong số các vụ việc đã giải quyết, có 43 vụ việc công dân vẫn tiếp tục đến khiếu nại tại Trụ sở Tiếp dân TW; 53 vụ việc công dân vẫn gửi đơn khiếu nại đến Thanh tra Chính phủ.
Về công tác phòng, chống tham nhũng, hằng năm, Thanh tra Chính phủ hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm đối với thủ trưởng các cơ quan quản lý Nhà nước trong thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng tại các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty 91.
Qua kiểm tra, thanh tra thực hiện các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng đã thu được những kết quả nhất định, cụ thể: Chỉ ra những bất cập, hạn chế, thiếu sót trong việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng của địa phương, bộ, ngành và doanh nghiệp, đồng thời, kiến nghị chấn chỉnh và có biện pháp xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định; Nâng cao nhận thức của người đứng đầu, cán bộ, công chức về công tác phòng, chống tham nhũng; xác định được tầm quan trọng của việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng từ đó nêu cao vai trò, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong công tác phòng, chống tham nhũng…
Về những hạn chế, yếu kém trong công tác này, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra nguyên nhân chính. Đó là, trách nhiệm người đứng đầu trong nhiều trường hợp chưa quyết liệt, chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn yếu.
Công tác chỉ đạo của các cấp, các ngành trong thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng chưa thường xuyên.
Việc thanh tra, kiểm tra chưa nắm bắt được nhiều thông tin phục vụ công tác quản lý Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, đặc biệt chưa phát hiện được những vụ việc, sai phạm có tính chất nghiêm trọng về kinh tế hoặc hành vi tham nhũng.
Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cũng đã ra những số liệu về việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng của lực lượng thanh tra thời gian qua, theo hướng giảm dần. Năm 2011 phát hiện 150 vụ, 320 người có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tài sản là 267,4 tỷ đồng 9,4 ha đất; đã thu hồi 79,5 tỷ đồng, kiến nghị xử lý hành chính đối với 11 tập thể, 134 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 76 vụ, 159 người; xử lý trách nhiệm 32 người đứng đầu.
Năm 2012: phát hiện 89 vụ, 107 người có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tài sản là 104,59 tỷ đồng; kiến nghị xử lý hành chính đối với 02 tập thể, 56 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 24 vụ, 42 người, xử lý trách nhiệm 44 người đứng đầu.
Năm 2013: phát hiện 80 vụ, 90 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tiền 117,5 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 117,5 tỷ đồng; đã thu 59 tỷ đồng, kiến nghị xử lý hành chính đối với 04 tập thể, 28 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 11 vụ, 34 đối tượng; xử lý trách nhiệm 41 người đứng đầu.
Công tác phối hợp giữa cơ quan thanh tra với cơ quan điều tra, viện kiểm sát nhân dân đã đạt được những kết quả nhất định; sau khi phát hiện có dấu hiệu tham nhũng qua thanh tra, cơ quan thanh tra đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra, viện kiểm sát đánh giá cụ thể các dấu hiệu trước khi chuyển hồ sơ, nên phần lớn các vụ việc chuyển hồ sơ được khởi tố, điều tra và xử lý. Kết quả phát hiện các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng và chuyển các vụ việc này từ cơ quan thanh tra sang cơ quan điều tra đã đạt nhiều tiến bộ.
Công tác phòng, chống tham nhũng trong nội bộ ngành Thanh tra được thực hiện nghiêm túc, quyết liệt. Trong 3 năm qua (2011-2013), ngành Thanh tra đã tiến hành xử lý kỷ luật 82 cán bộ, công chức, chiếm 0,3% trên tổng số 28.200 cán bộ, công chức (trong đó: xử lý hành chính 71 người, xử lý hình sự 11 người có dấu hiệu và hành vi tham nhũng).
Riêng Thanh tra Chính phủ đã xử lý kỷ luật 12 công chức (buộc thôi việc 1 công chức do vi phạm pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước, cách chức 1 công chức do vi phạm pháp luật về giao thông và chống người thi hành công vụ, khiển trách 10 công chức do vi phạm về quy trình nghiệp vụ và sinh con thứ ba).
Lê Sơn/Chinhphu.vn