(kontumtv.vn) – Phát biểu tại Hội nghị Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) sáng 21/11, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, cổ phần hoá chỉ là một nhiệm vụ của tái cấu trúc DNNN. Cùng với đó, phải xác định rõ các sản phẩm chủ lực, cơ cấu đầu tư, huy động nguồn lực, nâng cao hiệu quả hoạt động của các DNNN.

NQH_5569
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Khẳng định vai trò quan trọng của DNNN

Theo Phó Thủ tướng, trước hết, phải khẳng định DNNN có vai trò quan trọng, là công cụ kinh tế của Nhà nước để bảo đảm thực hiện có hiệu quả các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đối phó với các biến động của thị trường, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước.

“Thực tế thời gian qua, các DNNN đã có đóng góp quan trọng vào việc xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và các chính sách an sinh xã hội”, Phó Thủ tướng nói.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng và các Nghị quyết Trung ương về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả DNNN, Chính phủ đã tập trung tái cơ cấu nền kinh tế gắn với lựa chọn mô hình tăng trưởng hợp lý nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong đó tái cơ cấu các DNNN mà tập trung là tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã đạt nhiều kết quả quan trọng.

“Số lượng DNNN đã được thu gọn lại, DNNN đã tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt. Cơ chế hoạt động của DNNN đã có nhiều đối mới theo hướng tự chủ kinh doanh hơn; cạnh tranh bình đẳng hơn; tính công khai minh bạch được đề cao; DNNN đã hoạt động thực chất hơn, hiệu quả hơn, bền vững hơn tuy rằng còn nhiều khó khăn”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận xét.

Cũng theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, công tác quản lý doanh nghiệp đã phù hợp hơn với nền kinh tế thị trường. Đã tách biệt quyền của đại diện chủ sở hữu với quyền quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Cũng như tăng cường trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, cũng như quản lý Nhà nước theo ngành, lĩnh vực.

Cổ phần hoá chỉ là một nhiệm vụ của tái cấu trúc DNNN

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, công tác tái cấu trúc DNNN còn những bất cập, hạn chế cần tập trung khắc phục trong thời gian tới.

Trước hết, thể chế liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp nói chung và DNNN còn nhiều bất cập. Chiến lược phát triển của một số tập đoàn, tổng công ty Nhà nước còn chưa rõ, chất lượng đề án tái cơ cấu chưa cao.

“Tái cấu trúc DNNN mới chủ yếu tập trung cổ phần hoá là chính. Trong khi đó, cổ phần hoá chỉ là một nhiệm vụ. Cho dù đã cổ phần hoá thì công ty cổ phần vẫn phải tiếp tục tập trung tái cấu trúc để nâng cao hiệu quả hoạt động”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

“Bên cạnh đó, việc lựa chọn sản phẩm chủ lực, cơ cấu đầu tư, huy động nguồn lực còn lúng túng. Nguồn lực tài chính của các DNNN còn hạn chế. Hiệu quả hoạt động của các DNNN còn thấp, kể cả hiệu quả quản lý, đầu tư, sản xuất kinh doanh. Cùng một dự án như nhau, nhưng DNNN đầu tư thường tốn kém hơn”, Phó Thủ tướng nhận xét.

DNNN phải hoạt động hiệu quả hơn

Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh yêu cầu phải nâng cao hiệu quả hoạt động, tiềm lực của DNNN, nâng cao năng lực cạnh tranh của DNNN, bảo đảm DNNN là công cụ kinh tế quan trọng của Nhà nước.

Trước hết, phải tiếp tục rà soát lại tất cả các đề án tái cơ cấu của các DNNN để điều chỉnh, bổ sung phù hợp với những yêu cầu mới, gắn tái cấu trúc DNNN với thị trường trong nước và thế giới. Gắn tái cơ cấu doanh nghiệp với việc đổi mới sáng tạo, bảo đảm ứng dụng có hiệu quả những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Trong tái cấu trúc, chú trọng tái cấu trúc đầu tư xây dựng và tái cấu trúc quản trị doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, giảm thất thoát trong sản xuất kinh doanh.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu các DNNN phải chủ động hợp tác với các đối tác lớn trên thế giới để huy động nguồn lực đầu tư phát triển các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế.

“Hiện nay nhu cầu đầu tư của Việt Nam là rất lớn, môi trường cho doanh nghiệp là thuận lợi. Tại sao các doanh nghiệp nước ngoài đặc biệt quan tâm đến nhiều lĩnh vực phát triển của Việt Nam, trong khi đó doanh nghiệp Việt Nam lại bị động. Doanh nghiệp phải chủ động liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp lớn của quốc tế trong nhiều lĩnh vực như năng lượng, tìm kiếm – thăm dò – khai thác – chế biến dầu khí, phát triển các nguồn điện…”, Phó Thủ tướng nêu vấn đề.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nêu yêu cầu các bộ, ngành chủ động cùng các doanh nghiệp đề xuất hoàn thiện thể chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nói chung, DNNN nói riêng. Các bộ ngành quản lý kinh tế phối hợp với Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước để xây dựng chíến lược phát triển của các doanh nghiệp.

Xuân Tuyến/Chinhphu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *