(kontumtv.vn) – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định quan điểm phát triển của Việt Nam là tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững, khi các yếu tố bền vững chưa được bảo đảm thì cần xem xét lại trước khi thực hiện.

 DDN_2534
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững phải được định lượng, công khai, giám sát. Ảnh: VGP/Đình Nam

Sáng 7/7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (Kế hoạch hành động). Không chỉ có đại diện các bộ ngành liên quan, hội thảo có sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các tổ chức trong nước và quốc tế.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định phát triển bền vững là vấn đề của mọi quốc gia, mọi dân tộc và của từng người dân, liên quan đến việc gìn giữ hoà bình, tương lai của trái đất.

“Không phải bây giờ Việt Nam mới quan tâm đến vấn đề này nhưng với cam kết của mình thì yêu cầu phát triển bền vững là một trong những ưu tiên hàng đầu và được khẳng định trong văn kiện của Đảng, Nhà nước; các chiến lược, kế hoạch, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”, Phó Thủ tướng cho biết và so sánh “trước đây sức ép về tốc độ tăng trưởng ở Việt Nam bao giờ cũng đặt ra rất lớn nhưng bây giờ những yếu tố, những chỉ số liên quan đến xã hội, môi trường được chú ý nhiều hơn. Ngay trong các phiên chất vấn của Quốc hội, các vấn đề liên quan đến khía cạnh bền vững, môi trường, xã hội được các đại biểu Quốc hội quan tâm hơn”.

Phát triển bền vững không thể chạy theo quy hoạch

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương, Kế hoạch hành động được xây dựng dựa trên quá trình tham vấn rộng rãi của tất cả bên liên quan và là căn cứ pháp lý để Việt Nam thực hiện cam kết với cộng đồng quốc tế, đóng góp trách nhiệm vào các nỗ lực chung của toàn cầu về phát triển bền vững.

Kế hoạch hành động của Việt Nam gồm 17 mục tiêu chung và 115 mục tiêu cụ thể, các nhiệm vụ chủ yếu được phân kỳ thực hiện theo 2 giai đoạn 2017-2020 và 2021-2030. Đặc biệt kế hoạch nhấn mạnh vai trò của tất cả bên liên quan, từ các bộ ngành, địa phương đến tổ chức chính trị xã hội, nghề nghiệp, tổ chức trong nước và quốc tế trong việc tham gia, đóng góp tiếng nói và hành động vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến 2030.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu nêu những khó khăn, thách thức khi triển khai Kế hoạch hành động trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình thấp, nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi bắt đầu giảm mạnh.

Bên cạnh việc huy động nguồn lực trong nước, Việt Nam cần sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế về nâng cao năng lực, thể chế cũng như nguồn lực tài chính, đặc biệt những mục tiêu liên quan đến bất bình đẳng về thu nhập và điều kiện sống, tạo việc làm, y tế, giáo dục, phát triển kinh tế và môi trường bền vững…

Từ góc nhìn thể chế, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan băn khoăn khi phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong các chủ trương, chính sách nhưng thường mang tính lồng ghép trong khi phải coi đây là một trong những ưu tiên hàng đầu.

“Phát triển bền vững phải được đo đếm cụ thể xem chúng ta làm được gì qua từng năm. Đồng thời phải minh bạch trách nhiệm đến cùng chứ không thể nói chung chung là của cả hệ thống chính trị. Đơn cử trong phiên họp thường kỳ Chính phủ vừa qua, Thủ tướng đã nêu thực tế chúng ta đang có tới 20.000 quy hoạch, và phải rà soát lại xem bao nhiêu quy hoạch đã đưa phát triển bền vững thành nhu cầu bức thiết. Chúng ta không thể cứ làm quy hoạch và phát triển bền vững lại lẽo đẽo chạy sau”, bà Lan bày tỏ quan điểm.

Đồng tình với ý kiến này, nhiều đại biểu cho rằng những thách thức đối với sự phát triển bền vững của Việt Nam, điển hình trong lĩnh vực môi trường, đã trở thành vấn đề bức thiết, hiện hữu chứ không còn là mối đe doạ, hay nguy cơ khi nhiều sự cố môi trường xảy ra, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long.

Cùng với đó, việc sử dụng các nguồn lực, vốn có hạn, của Việt Nam vào mục tiêu phát triển bền vững đang gặp phải sự chồng chéo, trùng lặp, thiếu phối hợp. Một đại biểu nêu thực tế nhiều tiêu chí được nêu trong chiến lược tăng trưởng xanh không khác gì những kế hoạch hành động bảo vệ môi trường bền vững, chống biến đổi khí hậu.

Nhiều ý kiến đóng góp cho chương trình phát triển bền vững nhấn mạnh vào các mục tiêu liên quan đến phát triển kinh tế, xã hội, giáo dục… gắn với bảo vệ tài nguyên môi trường, hành động ứng phó biến đổi khí hậu, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tạo điều kiện để mọi người trong xã hội có cơ hội bình đẳng để phát triển, được tiếp cận các nguồn lực chung, nhất là nhóm đối tượng yếu thế…

Trao đổi với các đại biểu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng phát triển bền vững ở Việt Nam được tiếp cận theo hướng phương pháp luận, xác định cách làm từ đó đề ra nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ ngành, địa phương đến mọi tầng lớp, tổ chức xã hội, người dân cùng thực hiện.
Phối hợp để sử dụng nguồn lực hiệu quả nhất

“Quan trọng nhất cần có cơ chế theo dõi, đánh giá, định lượng các kết quả phát triển bền vững những tiêu chí cụ thể, đo đếm được để xem những gì làm tốt thì phát huy, những gì chưa tốt thì làm rõ nguyên nhân, có cách khắc phục. Chúng ta nên có cơ chế gồm Chính phủ, đại diện các tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội tiến hành đánh giá định kỳ đánh giá việc thực hiện Kế hoạch hành động”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Về những lo ngại tình trạng chồng chéo, thiếu phối hợp sẽ gây lãng phí nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững vốn còn rất hạn chế, Phó Thủ tướng khẳng định “muốn làm gì thì cũng phải có sự phối hợp”.

“Không chỉ giữa các bộ ngành, giữa trung ương và địa phương mà còn nữa là giữa nhà nước với các tổ chức, với cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, với nhân dân. Và giữa Việt Nam với các tổ chức quốc tế và giữa Việt Nam với các nước cũng không thể không có sự phối hợp. Chúng ta phối hợp để sử dụng các nguồn lực hiệu quả nhất”.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý đến yêu cầu phải công khai, minh bạch tất cả những vấn đề liên quan tăng trưởng, phát triển nhằm bảo đảm bền vững.

“Chúng ta làm được đến đâu, trách nhiệm đến đâu, có chỉ tiêu định lượng rõ ràng thì phải công khai, minh bạch để tất cả các bên giám sát. Với sự phát triển của công nghệ thông tin mọi người đều có thể tham gia vào quá trình này”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Vấn đề cuối cùng được Phó Thủ tướng nêu lên tại hội nghị là khả năng tận dụng cơ hội từ sự phát triển mang tính bước ngoặt của khoa học công nghệ, để Việt Nam có thể tăng trưởng nhanh hơn bình thường nhưng vẫn bền vững, không phải sử dụng nhiều nguồn lực, tài nguyên.

“Công nghệ đang thay đổi rất nhanh và các nước đều muốn tận dụng cơ hội này. Việt Nam đang ở giai đoạn dân số vàng nhưng sẽ nhanh chóng bước vào giai đoạn già hoá dân số điển hình. Vì vậy, phải làm sao tranh thủ tối đa những yếu tố đổi mới sáng tạo, khuyến khích sáng  hình ở tất cả mọi người để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Chúng ta chỉ có 15 năm và sau năm 2030 Việt Nam sẽ phải đối mặt với vấn đề lớn hơn là già hoá dân số”, Phó Thủ tướng chia sẻ và mong muốn các tổ chức quốc tế, các quốc gia tiếp tục hỗ trợ Việt Nam nhằm xác định được những bước đi phát triển bền vững trong tương lai.

Đình Nam/Chinhphu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *