(kontumtv.vn) – Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên về công tác phòng, chống dịch, diễn ra vào chiều 3/8, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 yêu cầu 2 địa phương này phải đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm, kết hợp nhuần nhuyễn 2 phương pháp xét nghiệm để tập trung dập dịch dứt điểm, không để dịch bệnh “tiếp tục dây dưa, kéo dài”.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Kiểm soát người trở về từ TP Hồ Chí Minh

Báo cáo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế cho biết, từ ngày 23/6 đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 1.498 ca mắc COVID-19, trong đó chủ yếu phát hiện trong các khu cách ly tập trung, 25% số ca ghi nhận trong cộng đồng và các khu phong tỏa, số ca còn lại chủ yếu từ TP Hồ Chí Minh trở về.

Đáng lưu ý, số lượng người từ TP Hồ Chí Minh về Phú Yên khoảng 20.000 người, nhưng hiện mới kiểm soát được trên 10.000 người, số còn lại chưa xét nghiệm hết. “Do đó, nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng còn nhiều tiềm ẩn”, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết.

Ông Trần Hữu Thế cho biết thêm, trong thời gian đầu, Phú Yên nhận được sự hỗ trợ của các đơn vị Trung ương và địa phương khác như Khánh Hòa, Đà Nẵng, Bệnh viện Trung ương Huế, Viện Pasteur Nha Trang… chi viện, hỗ trợ, năng lực của Phú Yên được nâng lên đáng kể. Tuy nhiên, số lượng y bác sĩ còn ít, không thể tiếp thu kiến thức “một sớm một chiều” nên còn nhiều khó khăn, khiến quá trình truy vết, lấy mẫu còn sót.

“Trong khi đó, thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, tỉnh đã chỉ đạo rất quyết liệt nhưng trên thực tế một số nơi “ngoài chặt, trong lỏng”, còn hiện tượng từ nhà này sang nhà kia… Số ca mắc trong cộng đồng còn rải rác song tỉnh đang cố gắng kiểm soát tình hình dịch”, ông Trần Hữu Thế khẳng định.

Cùng với việc thiếu một số máy móc như máu lọc máu, máy thở, lực lượng y tế của Phú Yên còn mỏng, thiếu trầm trọng, mặc dù đã được chi viện nhưng không đáp ứng được hết các yêu cầu, đặc biệt liên quan đến những vấn đề mới. Hiện Phú Yên chỉ sử dụng xét nghiệm khẳng định Realtime RT-PCR trong các khu phong tỏa.

Đối với tỉnh Khánh Hòa, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tấn Tuân cho biết, trong đợt dịch thứ 4, đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 2.640 ca mắc COVID-19, trong đó có 92% số ca không triệu chứng, triệu chứng nhẹ; 27 ca nặng, 12 ca nguy kịch; 21 ca tử vong. Khánh Hòa có hai khu vực trọng điểm dịch COVID-19 tại thị xã Ninh Hòa (1.301 ca) và thành phố Nha Trang (1.029 ca). Thị xã Ninh Hòa đã khoanh chặt, số ca mắc có chiều hướng giảm rất nhanh. Thành phố Nha Trang đã bắt đầu kiểm soát được tình hình.

Cùng với áp dụng phương châm “4 tại chỗ”, ông Nguyễn Tấn Tuân cho biết, toàn tỉnh đang tập trung xét nghiệm nhanh để sàng lọc sơ bộ tại các khu phong tỏa, sau đó xét nghiệm khẳng định Realtime RT-PCR. Bên cạnh đó, các lực lượng nỗ lực quản lý người dân từ TP Hồ Chí Minh và các địa phương khu vực phía Nam về (trước ngày 1/8 với khoảng 3.000 người).

Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên đề nghị Trung ương hỗ trợ sinh phẩm xét nghiệm, vaccine phòng COVID-19.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, Tổ trưởng Tổ Thông tin đáp ứng nhanh Ban Chỉ đạo cho biết, tỉnh Phú Yên đã quyết liệt thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nhưng một số nơi thực hiện còn chưa nghiêm, trong khi đó số lượng lấy mẫu còn thấp. Phú Yên nên tập trung công tác xét nghiệm. Khu vực thành phố Tuy Hòa và các huyện lân cận nên siết chặt hơn nữa các biện pháp giãn cách xã hội.

“Phú Yên không phải là tỉnh có mật độ dân số quá đông như các địa phương khác, trong khi đó có rất nhiều vùng xanh an toàn, hoàn toàn có thể dập dịch bằng cách thực hiện rất nghiêm các biện pháp giãn cách xã hội, giảm thiệt hại kinh tế-xã hội, hạn chế áp lực lên ngành Y tế”, ông Bùi Thế Duy khuyến cáo.

Đối với tỉnh Khánh Hòa – nơi có mật độ dân cư đông đúc, nhiều giao lưu, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, do chưa giãn cách xã hội sớm nên “bị loang nhanh”, trong khi một số nơi còn chủ quan. Khánh Hòa nên làm mẫu Realtime RT-PCR mẫu gộp cho người dân các vùng xanh; giảm mật độ đi lại giữa các vùng đỏ và vùng xanh trên toàn tỉnh.

Đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa tập trung dập dịch dứt điểm, không để dịch bệnh “tiếp tục dây dưa, kéo dài”.

Qua báo cáo về công tác xét nghiệm của hai địa phương (Phú Yên chưa sử dụng hết công suất xét nghiệm, trong khi Khánh Hòa chủ yếu sử dụng xét nghiệm nhanh), các thành viên Ban Chỉ đạo yêu cầu hai địa phương rà soát lại công tác này, đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm, kết hợp nhuần nhuyễn giữa xét nghiệm nhanh và xét nghiệm Realtime RT-PCR, phát huy những cách làm sáng tạo, hiệu quả, tiết kiệm để vừa đánh giá nhanh nhất tình hình khu phong tỏa đồng thời có thể tách ngay F0 ra khỏi cộng đồng. “Không chỉ vây các vùng đỏ mà phải khoanh, giữ bằng được vùng xanh”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Trong công tác điều trị, Phó Thủ tướng lưu ý, trước hết, Phú Yên, Khánh Hòa phải chú trọng đến các khu tiếp nhận ca F0 không triệu chứng, bố trí tại địa điểm thông thoáng, chăm lo đầy đủ sức khỏe và tinh thần, cấp phát thuốc đông y, tây y để tăng cường thể trạng, giảm tối đa tỷ lệ chuyển sang có triệu chứng. Các cơ sở điều trị F0 có triệu chứng và có dấu hiệu chuyển nặng phải có hệ thống oxy tập trung, máy thở oxy dòng cao… để giảm tối đa tỷ lệ chuyển sang nặng, rất nặng, nguy kịch.

Trước thực trạng người từ TP Hồ Chí Minh và một số địa phương phía Nam trở về, Phú Yên, Khánh Hòa phải thực hiện triệt để “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, không để sót người trở về mà không phát hiện được. Đại diện Bộ Công an cho biết, Bộ đang chỉ đạo công an các tỉnh, thành phố, đặc biệt khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, tham mưu với cấp ủy, chính quyền tổ chức thực hiện “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”.

Liên quan đến việc đóng cửa các chợ để chống dịch tại Khánh Hòa, Ban Chỉ đạo lưu ý, chuỗi lây nhiễm qua chợ, các cảng cá ở đây rất rõ. Trong thời gian đóng cửa, Khánh Hòa cần tổ chức lại hệ thống phân phối hàng hóa, không phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống siêu thị. Cụ thể, các chợ đã đóng phải được khử khuẩn; trước khi mở lại phải xét nghiệm cho tiểu thương; quy định số người mua/bán theo ngày; mở các chợ ngoài trời cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân…

Tại cuộc họp, đại diện Bộ Y tế cho biết sẽ xem xét và cân đối trang thiết bị, vật tư y tế trên cả nước bởi hiện nay trang thiết bị y tế đang chi viện tối đa cho TP Hồ Chí Minh và một số địa phương ở phía Nam; đồng thời đề nghị tỉnh Khánh Hòa (nơi có điều kiện cơ sở điều trị tốt hơn) hỗ trợ Phú Yên còn gặp nhiều khó khăn.

Diệp Trương (TTXVN)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *