(kontumtv.vn) – “15 đến 20 năm lại có sự đổi mới SGK. Tại sao giờ lại tiếp tục đổi mới? Chắc đây là điều trăn trở lớn nhất” .

Thời gian qua, Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Rất nhiều ý kiến thuộc mọi tầng lớp đã được đưa ra bàn thảo, trao đổi với mong muốn đổi mới SGK góp phần nâng tầm “sản phẩm giáo dục”- những người chủ tương lai của đất nước. Tuy nhiên, đến thời điểm này, khi mà Đề án và Nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sắp được trình Quốc hội xem xét thông qua, những băn khoăn chưa hẳn đã hết. Và theo chia sẻ của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, chính Chính phủ trong quá trình chuẩn bị, soạn thảo cũng có rất nhiều băn khoăn, thậm chí khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn còn những trăn trở, bởi đây là một đề án khó và còn nhiều việc phải làm tiếp tục để hoàn thiện.

Điều trăn trở lớn nhất

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, việc đổi mới chương trình sách giáo khoa được nhân dân rất quan tâm và thực ra một số công việc đã bắt đầu thực hiện cách đây 1 năm.  Nghị quyết Trung ương cũng đã xác định đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục. Đổi mới từ hệ thống, chương trình, SGK, kiểm định, giáo viên, cơ sở vật chất… và tất cả những nội dung này phải có đề án.

Từ năm 1981 đến bây giờ đã có 2 lần đổi mới. Cứ trung bình từ 15-20 năm có sự đổi mới. Khi đánh giá Nghị quyết 40 thì cũng đã đánh giá những cái cơ bản. Vậy tại sao bây giờ lại tiếp tục đổi mới? Đây là điều trăn trở lớn nhất, bởi sau này thực hiện nghị quyết của Quốc hội về vấn đề này cũng là thực hiện nghị quyết của trung ương

“Vì vậy, chúng tôi cùng các anh em ở Bộ GD-ĐT gặp rất nhiều chuyên gia, nghe riêng ý kiến các đồng chí lão thành đến những cán bộ giáo dục còn rất trẻ- những người có tâm huyết với đổi mới giáo dục. Sau khi nghe ý kiến của mọi người thì thấy rằng cuối cùng cũng phải làm vì trên thế giới, những nước có nền giáo dục phát triển nhất thì hiện tại cũng đặt ra vấn đề thay đổi chương trình, sách giáo khoa”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Phó Thủ tướng cũng cho biết đã đề nghị Bộ GD-ĐT phải có riêng một đề án về hệ thống giáo dục. Chúng ta mới chỉ đề cập đến hệ thống giáo dục phổ thông 12 năm hay 11 năm. Đây là một vấn đề hết sức quan trọng liên quan đến giáo dục sau phổ thông sẽ liên thông dọc, liên thông ngang thế nào, liên thông chéo ra làm sao để vừa đảm bảo theo chuẩn quốc tế để hội nhập đồng thời cũng hướng tới xã hội học tập suốt đời. Điều này cũng liên quan gián tiếp đến chương trình và sách giáo khoa ở bậc phổ thông.

“Tích hợp ở bên dưới là tích hợp đến đâu, đến lớp mấy, rồi đến việc phân luồng bên trên là đến lớp mấy, mức độ phân luồng thế nào. Việc này dẫn tới việc nếu lớp 12 chúng ta còn giữ thì cần học bao nhiêu môn bắt buộc, bao nhiêu môn tự chọn. Thực ra vấn đề này đã được các chuyên gia giáo dục bàn rất kỹ và cuộc bàn vẫn tiếp tục”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Đổi mới SGK có làm cặp học sinh nặng thêm?

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, trước đây vẫn có chương trình và sách giáo khoa. Tuy nhiên, chương trình trước đây rất cô đọng còn chương trình bây giờ cụ thể hơn rất nhiều: “Chương trình bây giờ sẽ là 1 rồi đến a, b, c, rồi đến các gạch đầu dòng. Đó sẽ là cơ sở pháp lý để sau này chúng ta đánh giá, kiểm định. Tôi cho rằng, đó là điểm thay đổi rất mới. Tức là có phần tách bạch giữa chương trình và sách giáo khoa. Trên tinh thần, chương trình là pháp định và rất cụ thể, chi tiết”.

Trước đây, đội viết chương trình và sách giáo khoa cơ bản là một. Bây giờ, theo Phó Thủ tướng, sẽ có sự tách bạch rõ ràng: Ngay cả trong phần về kinh phí, nếu chỉ viết chương trình thì hết bao nhiêu, nếu chỉ viết sách giáo khoa thì hết bao nhiêu. Như vậy, chương trình và sách giáo khoa đổi mới sẽ khác trước.

Theo Đề án, sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa được đưa vào sử dụng với điều kiện được duyệt và các cơ sở giáo dục có quyền lựa chọn. Trước nhiều ý kiến còn băn khoăn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, nhiều bộ sách giáo khoa không phải trong cặp học sinh sẽ nhiều sách hơn mà sẽ được lựa chọn. Tinh thần chung vẫn phải là giảm tải, nhưng kiến thức của thế giới ngày càng nhiều vì vậy muốn giảm tải thì phải thay đổi cách làm.

Đổi mới sách giáo khoa có làm cặp học sinh nặng thêm là vấn đề được dư luận quan tâm

Trước e ngại về việc Bộ GD-ĐT tham gia biên soạn một bộ sách và khuyến khích các tổ chức các nhân cũng soạn sách có tạo sự thiếu khách quan hay công bằng, Phó Thủ tướng cho biết nhiều phương án đã được đưa ra, trong đó có phương án Bộ chỉ soạn chương trình, không soạn sách.

“Khi làm việc với Ủy ban Văn hóa, giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, Ủy ban đã đề nghị Chính phủ nên bàn kỹ. Quan điểm của Ủy ban là nếu để các tổ chức, cá nhân làm mà Bộ GD&ĐT không làm thì sẽ mất đi tính chủ động, trong khi đó, ấn định thời điểm đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Ủy ban đề nghị Chính phủ nên chọn phương án Bộ GD&ĐT cũng được giao làm 1 bộ sách”, ông Vũ Đức Đam cho biết.

“Kinh nghiệm thế giới không phải cái nào hay cũng lấy”

Về kinh phí, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: “Anh em trước đây bàn, thường lo rất nhiều và đưa tất cả các kinh phí kiên cố hòa trường lớp học, cơ bản là kinh phí của 4 – 5 đề án trong số 18 đề án của Chính phủ. Nhưng sau chúng tôi có bàn kỹ với Bộ GD&ĐT là ngay từ ban đầu chúng ta phải xác định rõ, rạch ròi. Việc kiên cố hóa trường lớp học và tiếp tục đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên của các trường sư phạm thì dù có không đổi mới chương trình, sách giáo khoa, chúng ta vẫn phải làm. Liên quan đội ngũ giáo viên, kinh phí trong này chỉ liên quan đến tập huấn chương trình, sách giáo khoa mới, còn đào tạo, nâng cao chất lượng giáo viên thì nằm trong đề án trong số 18 đề án của Chính phủ”.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng không nhất thiết phải đấu giá bản quyền bộ sách giáo khoa. Phương án đưa ra có thể cho không bản quyền hoặc giao cho nhà xuất bản nào có trách nhiệm.

Đề án quy định dành thời lượng (khoảng 20%) để các địa phương (Sở GD-ĐT) bổ sung những nội dung mang tính đặc thù về lịch sử, văn hóa và kinh tế – xã hội của địa phương. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, điều này không có nghĩa là toàn quyền Sở GD&ĐT hay UBND tỉnh phê duyệt mà phần thẩm định này Bộ GD&ĐT vẫn phải có trách nhiệm.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng chia sẻ: Làm chương trình sách giáo khoa là tiếp thu kinh nghiệm thế giới nhưng cũng không có nghĩa mình lấy tất cả những gì tốt nhất, hay nhất vào thành một hệ thống tổng hợp, mà phải có định hướng hết sức rõ ràng. Nghị quyết của Trung ương nói rất rõ về vấn đề xây dựng con người Việt Nam như thế nào với các tiêu chí cụ thể. Điều này được quán triệt khi đổi mới chương trình, sách giáo khoa.

“Trong quá trình làm Đề án này, còn rất nhiều việc phải làm tiếp tục. Chính phủ cũng cố gắng với tinh thần khắc phục được căn bản những bất cập, có một chương trình, bộ sách giáo khoa mới thực sự đáp ứng yêu cầu”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh./.

Ngọc Thành/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *