(kontumtv.vn) – Hôm nay, ngày 24/8/2021, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris bắt đầu các hoạt động trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam từ ngày 24 đến 26/8/2021.

Đây là chuyến công du nước ngoài thứ hai của bà Harris trên cương vị Phó Tổng thống Hoa Kỳ và là chuyến thăm khu vực Đông Nam Á đầu tiên của một quan chức cấp cao nhất trong chính quyền Tổng thống Joe Biden. Chuyến thăm góp phần khẳng định khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng tiếp tục là trọng tâm ưu tiên hợp tác trong chính sách đối ngoại của chính quyền Hoa Kỳ hiện nay.

Chú thích ảnh
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris lên máy bay tại căn cứ Andrews ở bang Maryland, khởi hành chuyến thăm Singapore và Việt Nam ngày 20/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

26 năm hợp tác và phát triển

Cách đây hơn một phần tư thế kỷ, ngày 12/7/1995 đã đi vào lịch sử quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ khi Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton và Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt lần lượt tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao hoàn toàn trước toàn thế giới. Với nỗ lực không ngừng của hai quốc gia, hai dân tộc, sau hơn một phần tư thế kỷ, Việt Nam và Hoa Kỳ đã xây dựng được lòng tin, trở thành bạn bè và Đối tác toàn diện của nhau trên tất cả các lĩnh vực. 26 năm qua, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đã phát triển mạnh mẽ cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, trên tất cả các lĩnh vực và cấp độ, thể hiện đúng tinh thần quan hệ Đối tác toàn diện.

Trong 26 năm qua, quan hệ chính trị-ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ từng bước được mở rộng. Trao đổi đoàn cấp cao song phương diễn ra thường xuyên và liên tục. Từ năm 2000, Lãnh đạo cấp cao hai nước đã thực hiện nhiều chuyến thăm lẫn nhau, trong đó, phía Việt Nam có 3 chuyến thăm Hoa Kỳ nổi bật là chuyến thăm năm 2013 của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, xác lập quan hệ Đối tác toàn diện; chuyến thăm năm 2015 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, lãnh đạo Đảng cao nhất lần đầu thăm chính thức Hoa Kỳ và chuyến thăm năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của một nước ASEAN tới Washington sau khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức.

Về phía Hoa Kỳ, các Tổng thống đương nhiệm đều đã thăm Việt Nam, như chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tới Việt Nam (tháng 5/2016), được đánh giá là đã “thể hiện một bước tiến dài trong tư duy của các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ với Việt Nam”. Tổng thống Barack Obama trong chuyến thăm này đã tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, xóa bỏ rào cản cuối cùng trong quan hệ song phương, đánh dấu sự bình thường hóa hoàn toàn quan hệ hai nước. Đến nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, ông đã trở thành Tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên thăm Việt Nam hai lần trong một nhiệm kỳ, đó là vào năm 2017 và 2019.

Qua mỗi chuyến thăm của cả lãnh đạo hai bên đều để lại những dấu mốc mới, mở ra những giai đoạn mới cho quan hệ hai nước. Hai bên đã thông qua 8 Tuyên bố chung. Đặc biệt, Tuyên bố chung năm 2013 đã thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ với 9 lĩnh vực hợp tác trọng tâm, trong đó lần đầu tiên xác định nguyên tắc hợp tác cùng có lợi, bình đẳng, tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Tuyên bố chung năm 2015 đưa ra tầm nhìn chung cho quan hệ hai nước, nhấn mạnh làm sâu sắc quan hệ đối tác lâu dài, tăng cường hợp tác trên các vấn đề khu vực và toàn cầu. Tuyên bố chung năm 2017 đề ra lộ trình đưa quan hệ hai nước đi vào chiều sâu…

Chú thích ảnh
Ngày 7/7/2015, tại Nhà trắng ở Thủ đô Washington  D.C, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Đặc biệt, việc Hoa Kỳ đón tiếp trọng thị Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2015 đã thể hiện sự “tôn trọng đầy đủ” thể chế chính trị của Việt Nam và vai trò lãnh đạo toàn diện đất nước của Đảng ta. Chính quyền, Quốc hội Hoa Kỳ nhiều lần khẳng định coi trọng tăng cường quan hệ Đối tác toàn diện, ủng hộ phát triển quan hệ với một đất nước Việt Nam “hùng mạnh, độc lập và thịnh vượng” và đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong chính sách khu vực của Hoa Kỳ.

Kinh tế-thương mại-đầu tư là động lực thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển

Cùng với quan hệ chính trị-ngoại giao tốt đẹp, trong suốt 26 năm qua, hợp tác giữa hai nước Việt Nam-Hoa Kỳ trên tất cả các lĩnh vực ngày càng được mở rộng, đi vào chiều sâu và mang lại những hiệu quả thiết thực. Trong đó, hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư là một mảng sáng nổi bật trong mối quan hệ kinh tế Việt Nam-Hoa Kỳ với sự tăng trưởng mạnh mẽ, trở thành trọng tâm và là động lực quan trọng cho sự phát triển của quan hệ song phương trong suốt 26 năm qua.

Kim ngạch thương mại hàng hóa hai chiều đã tăng hơn 170 lần, từ 450 triệu USD năm 1995 lên 77,6 tỷ USD vào năm 2019. Năm 2020 là năm đầu tiên tổng kim ngạch trao đổi thương mại giữa hai nước vượt qua mốc 90 tỷ USD (đạt 90,8 tỷ USD) và hai nước đặt mục tiêu đạt kim ngạch 100 tỷ USD vào năm 2021.

Chú thích ảnh
Năm 2019, Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam chiếm 28,5% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa. Trong ảnh: Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (Thái Nguyên) chuyên sản xuất sản phẩm bao bì, nhựa làm túi nilon, nguyên phụ liệu và sản phẩm may mặc, xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN

Trong 6 tháng đầu năm 2021, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 44,9 tỷ USD, tăng 42,6% so với cùng kỳ năm trước và nhập khẩu của Việt Nam từ Hoa Kỳ đạt 7,7 tỷ USD, tăng 9,5%.

Tính chung trong giai đoạn 5 năm vừa qua, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã tăng 230%, trong khi xuất khẩu từ Hoa Kỳ vào Việt Nam cũng tăng trưởng tới hơn 175%. Hoa Kỳ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 10 của Hoa Kỳ.

Một điểm nổi bật là Việt Nam và Hoa Kỳ có quan hệ thương mại theo hướng bổ trợ cho nhau. Hoa Kỳ có nhu cầu nhập khẩu những sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh như các sản phẩm nông nghiệp, dệt may, da giày, máy móc, thiết bị điện tử. Việt Nam lại có nhu cầu nhập khẩu các loại máy móc, thiết bị công nghệ cao, thiết bị hàng không, viễn thông và nông sản nguyên liệu là những mặt hàng mà Hoa Kỳ có nguồn cung dồi dào.

Trên lĩnh vực đầu tư, Việt Nam luôn được đánh giá là một điểm đến đáng tin cậy của đầu tư trực tiếp (FDI) từ Hoa Kỳ. Trong 26 năm qua, Việt Nam đã chứng kiến 4 làn sóng đầu tư từ Hoa Kỳ, trong đó làn sóng thứ nhất là giai đoạn 1994-2001, sau khi Hoa Kỳ tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam và trước khi BTA song phương được ký kết. Làn sóng thứ hai là trong giai đoạn 2001-2006 khi Việt Nam và Hoa Kỳ phát triển quan hệ thương mại song phương. Làn sóng tiếp theo là từ năm 2007-2010 sau khi Việt Nam gia nhập WTO – giai đoạn chứng kiến sự tăng trưởng mạnh nhất của dòng FDI từ Hoa Kỳ. Làn sóng đầu tư thứ tư xuất hiện khi hai nước xác lập quan hệ Đối tác toàn diện năm 2013.

Với thị trường khoảng 100 triệu dân và có tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trung bình gần 7%/năm, đồng thời là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới và sở hữu nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt từ Hoa Kỳ.

Trong thời gian tới, các Bộ, ngành Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục chủ động hợp tác để giải quyết một cách toàn diện những quan tâm của Hoa Kỳ và Việt Nam, qua đó duy trì quan hệ thương mại ổn định, hướng tới cán cân thương mại hài hòa, bền vững, hai bên cùng có lợi.

Tiếp tục làm sâu sắc thêm quan hệ Đối tác toàn diện

Từ ngày 22 đến 26/8, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris thực hiện chuyến thăm hai nước Đông Nam Á là Singapore và Việt Nam. Chuyến thăm này nối tiếp ngay sau một loạt chuyến thăm trước đó của các quan chức Hoa Kỳ, cho thấy tầm quan trọng của khu vực Đông Nam Á trong chính sách của Hoa Kỳ và được kỳ vọng sẽ nâng tầm mối quan hệ hợp tác giữa Hoa Kỳ và Đông Nam Á trong các vấn đề từ an ninh khu vực, đối phó với dịch COVID-19 cho đến biến đổi khí hậu.

Chú thích ảnh
Sáng 29/7/2021, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Lloyd Austin thăm chính thức Việt Nam. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Trước đó, hồi cuối tháng 7/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đã thăm Singapore, Việt Nam và Philippine. Đây là thành viên đầu tiên trong chính quyền của Tổng thống Joe Biden đến thăm khu vực Đông Nam Á. Tiếp đó vào đầu tháng 8 vừa qua, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã tham gia các cuộc họp trực tuyến với các Bộ trưởng ASEAN trong khuôn khổ của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54 (AMM-54) và các hội nghị liên quan. Theo các nhà quan sát, những hoạt động trên đã tái khẳng định tầm quan trọng của khu vực Đông Nam Á trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.

Có thể thấy rõ, kể từ khi nhậm chức hồi đầu năm 2021, chính quyền của Tổng thống Joe Biden luôn ưu tiên tăng cường ảnh hưởng của Hoa Kỳ ở châu Á và xem Đông Nam Á là một phần quan trọng trong mục tiêu chiến lược của Washington. Không chỉ là nơi sinh sống của hơn 660 triệu dân với một số nền kinh tế đang có tốc độ phát triển nhanh, khu vực Đông Nam Á còn nằm cạnh Biển Đông – tuyến đường vận chuyển quan trọng, nơi lưu thông của hàng nghìn tỷ USD hàng hóa mỗi năm.

Còn nhớ trong bản Hướng dẫn Chiến lược an ninh quốc gia tạm thời được chính quyền mới của Hoa Kỳ công bố ngày 3/3/2021, về các biện pháp cụ thể nhằm hiện thực hóa các mục tiêu và định hướng lớn về đối ngoại, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã khẳng định cần củng cố và đổi mới quan hệ với các đồng minh, đối tác, trong đó nhấn mạnh sự hiện diện của nước này sẽ tập trung nhiều vào Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và châu Âu. Nổi bật trong đó, các quốc gia thành viên ASEAN cũng được Hoa Kỳ nhắc đến như những đối tác quan trọng và hai điểm đến trong chuyến thăm lần này của Phó Tổng thống Kamala Harris là Singapore và Việt Nam cũng đã được nêu đích danh trong bản Hướng dẫn Chiến lược an ninh quốc gia tạm thời của Hoa Kỳ (cùng với Ấn Độ và New Zealand).

Bản Hướng dẫn nêu rõ: “Chúng tôi sẽ làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác với Ấn Độ và làm việc cùng với New Zealand, cũng như Singapore, Việt Nam và các quốc gia thành viên ASEAN khác, để thúc đẩy các mục tiêu chung”. Điều này cho thấy, Hoa Kỳ đang triển khai chính sách đối ngoại kiên trì với phương châm phối hợp chặt chẽ, thúc đẩy các lợi ích và gìn giữ những giá trị cơ bản với các đồng minh và đối tác.

Với Việt Nam, một trong hai quốc gia Đông Nam Á được nhắc đến trong Hướng dẫn Chiến lược an ninh quốc gia tạm thời của chính quyền Biden, càng khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ trong tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của chính quyền Tổng thống Joe Biden, tạo cơ hội thuận lợi cho Việt Nam nâng cao thế và lực trên trường quốc tế.

Chú thích ảnh
Hơn 2 triệu liều vaccine Moderna phòng COVID-19 về đến sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội), sáng 10/7. Ảnh: TTXVN phát

Đặc biệt thời gian qua, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ đã hợp tác chặt chẽ, ủng hộ và hỗ trợ lẫn nhau ở cả bình diện song phương và trong cơ chế hợp tác ASEAN-Hoa Kỳ để phòng, chống bệnh dịch và chuẩn bị các biện pháp phục hồi kinh tế, tiếp tục thúc đẩy quan hệ kinh tế-thương mại-đầu tư. Năm 2020, Chính phủ Việt Nam cùng nhiều địa phương, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã gửi tặng chính phủ, nhân dân Mỹ, cộng đồng người Việt tại Mỹ các trang thiết bị y tế. Chính phủ Mỹ cũng đã trợ giúp Việt Nam hơn 10 triệu USD để chống dịch và phục hồi kinh tế… Năm 2021, Việt Nam cũng đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn về tài chính, trang thiết bị từ Hoa Kỳ, đặc biệt là nguồn vaccine phòng COVID-19.

Đến nay, Việt Nam là một trong 10 nước được Mỹ viện trợ nhiều vaccine nhất với 5 triệu liều vaccine cùng nhiều sự hỗ trợ khác trị giá 20,9 triệu USD. Sự giúp đỡ của Hoa Kỳ trong thời điểm này được đánh giá là cần thiết và kịp thời khi tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.

Theo kế hoạch, trong chuyến thăm Việt Nam lần này của Phó Tổng thống Kamala Harris, phái đoàn Mỹ sẽ dự lễ khai trương văn phòng khu vực của Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ.

Có thể thấy, trong 26 năm qua, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đã ghi nhận những thành quả ấn tượng, góp phần tạo dựng nền tảng vững chắc thúc đẩy quan hệ song phương lên tầm cao mới.

Trọng Đức/TTXVN (Tổng hợp)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *