(kontumtv.vn) – Đái tháo đường là bệnh mãn tính do rối loạn chuyển hóa đường kèm theo các rối loạn chuyển hóa khác, gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Bệnh có thể kiểm soát khi được điều trị kịp thời, thường xuyên. Phóng viên Đài PT-TH Kon Tum đã có cuộc phỏng vấn Bác sĩ Phùng Mạnh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kon Tum về căn bệnh này trên địa bàn tỉnh

PV: Thưa bác sĩ, bệnh đái tháo đường là bệnh tương đối phổ biến hiện nay. Bác sĩ có thể cho biết nguyên nhân nào dẫn đến căn bệnh này và thường thì những đối tượng nào dễ bị đái tháo đường?

Bác sĩ CKI Phùng Mạnh Dũng: Do sự thiếu hụt insulin hay sự khiếm khuyết trong hoạt động của insulin hoặc cả hai trường hợp này đều là nguyên nhân dẫn đến bệnh đái tháo đường. Trong đái tháo đường có 2 typ 1 và typ 2. Trong đái tháo đường typ 1, tuyến tụy của bệnh nhân sản xuất rất ít hoặc không sản xuất insulin.  Trong đái tháo đường typ 2 thường đặc trưng bởi rối loạn của insulin. Các yếu tố nguy cơ bao gồm thừa cân, béo phì, ít vận động thể lực, có người cùng huyết thống mắc đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu.

BS Phùng Mạnh Dũng trả lời phỏng vấn của PV
BS Phùng Mạnh Dũng trả lời phỏng vấn của PV

PV: Thưa bác sĩ, tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường trên địa bàn tỉnh hiện nay như thế nào? Có chiều hướng gia tăng không? Nguyên nhân vì sao ạ?

Bác sĩ CKI Phùng Mạnh Dũng: Hiện chưa có nghiên cứu đánh giá tỷ lệ bệnh nhân trên phạm vi toàn tỉnh hàng năm, tuy nhiên qua một số nghiên cứu tại một số địa phương trong tỉnh cho thấy tỷ lệ mắc đái tháo đường từ 3 – 5%, tương đương tỷ lệ mắc chung của toàn quốc. Số lượng bệnh nhân mắc bệnh ngày càng tăng vì một số nguyên nhân như đái tháo đường tysp 2 chiếm 95%, đồng thời yếu tố nguy cơ mắc bệnh liên quan chặt chẽ với đời sống kinh tế, xã hội và môi trường như lối sống giảm các hoạt động thể lực, thay đổi chế độ ăn uống, chất lượng thực phẩm, môi trường kém đã làm gia tăng người mắc bệnh. Đái tháo đường là bệnh mãn tính, không khỏi hẳn sau khi phát hiện, điều trị nên lũy tích người mắc bệnh càng tăng lên.

PV: Đối với việc điều trị đái tháo đường, bệnh nhân cần tuân thủ chế sinh hoạt và chú ý dinh dưỡng như thế nào?

Bác sĩ CKI Phùng Mạnh Dũng: Người bệnh cần tuân thủ nghiêm túc các chỉ định và hướng dẫn khi điều trị. Một số hướng dẫn chung như sau. Về hoạt động thể lực, cần bảo đảm tối thiểu mức vừa và tập thể dục trên 30 phút/ngày trong 5 ngày/tuần. Cần tập luyện đối kháng ít nhất 2 lần/tuần nếu sức khỏe cho phép và không ngồi một chỗ quá lâu. Về dinh dưỡng thì ăn đủ và đa dạng các nhóm thực phẩm; duy trì ổn định các chất bột, đường và nên sử dụng các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp như thực phẩm nguyên hạt, nhiều chất xơ như gạo lứt, bánh mỳ đen, các loại khoai củ; hạn chế thực phẩm có nguồn gốc động vật nhiều mỡ, sử dụng dầu thực vật thay thể cho mỡ động vật.

PV: Xin cảm ơn bác sĩ đã nhận lời tham gia cuộc trao đổi hôm nay!

Thu Trang – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *