(kontumtv.vn) – Điểm chung trong các đại án tham nhũng này là chỉ bị phát hiện từ những giám sát bên ngoài, không phải từ trong cơ quan, đơn vị đó hay từ cơ quan thanh tra, kiểm tra.

Dư luận đang quan tâm đến việc xét xử hai trong 8 vụ án trọng điểm Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng yêu cầu đưa ra xét xử trước Đại hội XII của Đảng.

Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh vẫn đang xét xử sơ thẩm vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “cố ý làm trái”, “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn – chi nhánh 6, thành phố Hồ Chí Minh và Công ty dệt kim Đông Phương. Mặc dù biết hợp đồng vay vốn của doanh nghiệp không đủ điều kiện nhưng nguyên giám đốc ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh 6 thành phố Hồ Chí Minh vẫn chỉ đạo cấp dưới giải ngân cho vay. Vụ việc chỉ được biết khi đã gây thất thoát thiệt hại cho nhà nước gần 1.000 tỷ đồng.

phong chong tham nhung, vi sao chua hieu qua? hinh 0
Phiên tòa xét xử các bị cáo trong vụ đại án gây thất thoát 966 tỷ đồng tại Agribank chi nhánh 6

Đáng nói, đây không phải là điều gì mới lạ từ các vụ án tham nhũng. Hầu hết các vụ tham nhũng chỉ bị phát hiện khi đã để lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Tính tự phát hiện và đấu tranh phòng chống tham nhũng vẫn là điểm yếu khiến người dân chưa tin vào hiệu quả của nó. Cho đến nay, chúng ta mới chỉ thu hồi được khoảng 20% tài sản tham nhũng

Báo cáo của Chính phủ về phòng chống tham nhũng nhận định: trong 5 năm qua, số vụ phát hiện và xử lý tham nhũng giảm dần đều, đặc biệt là trong năm 2015, giảm đến 29%. Nhưng tình hình tham nhũng còn phức tạp. Cũng trong báo cáo này thì trong 43 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng bị xử lý, chỉ có 3 người bị xử lý hình sự. Chỉ có 19 trong gần 100 bộ, ngành, địa phương có báo cáo về tham nhũng. Trong đó thì đã có 7 Bộ ngành địa phương đánh giá là tình hình tham nhũng ở Bộ ngành địa phương mình là ít nghiêm trọng, 4 Bộ ngành địa phương đánh giá là không nghiêm trọng. Sự thẳng thắn, trung thực và quyết liệt trong phòng chống tham nhũng bị xem nhẹ

Theo đại biểu Hoàng Ngọc Dũng, trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Sơn La, để khắc phục được những khó khăn trong phòng chống tham nhũng vẫn cần quan tâm xây dựng cơ chế: “Ta nói nhiều đến cơ chế không cần tham nhũng, không dám tham nhũng, không thể tham nhũng. Chúng ta đã làm các biện pháp như kê khai tài sản của cán bộ công chức nhưng chúng ta vẫn chưa kiểm soát được. Cần phải minh bạch trong tất cả các hoạt động đầu tư công, trong các lĩnh vực trọng yếu để mọi người dân đều được giám sát thì mới có thể kỳ vọng giảm bớt tham nhũng”, đại biểu Hoàng Ngọc Dũng nêu ý kiến.

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền, đoàn Hà Nội quan tâm nhiều đến vấn đề xác định trách nhiệm công vụ. Sẽ không thể có chuyển biến trong phòng chống tham nhũng nếu như pháp luật không phân định rõ trách nhiệm cá nhân và tập thể.

“Chúng ta còn thiếu luật vô cùng quan trọng là Luật Công vụ. Trong Luật Công vụ xác định phạm vi trách nhiệm của mỗi vị trí trong nền công vụ đó như thế nào, đồng thời chúng ta có nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách thì trong trường hợp nào trách nhiệm là của tập thể và trong trường hợp nào trách nhiệm cá nhân phải rạch ròi và minh bạch. Bây giờ chúng ta vẫn đang lẫn lộn. Đó là một nền công vụ chưa được minh bạch về trách nhiệm mà cần hoàn thiện hơn nữa”, đại biểu Nguyễn Đình Quyền nêu rõ.

Một cơ chế khác được nhiều chuyên gia nhấn mạnh đó là cần trao độc lập và chủ động cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong phòng chống tham nhũng. Ông Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao cho rằng quy trình xử lý hiện nay vô hình chung làm giảm hiệu quả, kéo dài việc xử lý tội phạm tham nhũng, tạo điều kiện cho người phạm tội “che chắn”, đối phó, tiêu hủy chứng cứ, tẩu tán tài sản… gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử và nhất là thi hành án, thu hồi tài sản tham nhũng.

Ông Trần Văn Độ đề xuất: “Khi có bất cứ dấu hiệu sai phạm nào cơ quan điều tra, viện kiểm sát phải là cơ quan được chủ động và trách nhiệm là được thông báo ngay. Thông thường khi khởi tố vụ án nếu đình chỉ là cơ quan điều tra bị khuyết điểm, phải chịu trách nhiệm, đặc biệt là vụ án tham nhũng. Như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín cơ quan, làm ảnh hưởng đến cá nhân… Điểm này chúng ta phải khắc phục”.

Việc hoàn thiện pháp luật tạo thuận lợi cho công tác phòng chống tham nhũng chỉ là một trong những yêu cầu. Đại biểu Nguyễn Công Hồng, đoàn Đồng Nai khẳng định: thực thi pháp luật phòng chống tham nhũng như thế nào mới là vấn đề quyết định, đặc biệt trong xử lý tội phạm tham nhũng

“Trước đây chúng ta đổ tội cho cơ chế, bây giờ thì chúng ta kiểm điểm thể chế nhưng nếu chúng ta làm thật thì đó không phải là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến kết quả phòng chống tham nhũng chưa như mong muốn. Chừng nào vẫn còn để “một tia hy vọng ở dưới đường hầm”, không phát hiện được tham nhũng, thậm chí phát hiện nhưng chưa chắc đã bị xử lý hoặc chỉ xử lý nhẹ thì tham nhũng vẫn còn diễn ra”, đại biểu Nguyễn Công Hồng nhấn mạnh.

Cơ chế phòng chống tham nhũng hiệu quả không chỉ nằm trong các điều luật. Điểm nghẽn quan trọng cần tháo gỡ chính là thái độ trong thực thi các giải pháp phòng chống tham nhũng, đặc biệt là sự cam kết mạnh mẽ của người đứng đầu./.

Vân Hồng/VOV 1

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *