(kontumtv.vn) – Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (viết tắt là PCI) là chỉ số đánh giá và xếp hạng chính quyền các tỉnh, thành của Việt Nam về chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp dân doanh. Đối với tỉnh Kon Tum, Chỉ số PCI những năm gần đây đạt thấp, thậm chí còn xụt giảm về thứ hạng. Để tìm hiểu về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này và những giải pháp để cải thiện Chỉ số PCI của tỉnh trong thời gian đến, Phóng viên Đài Phát thanh – Truyền hình Kon Tum đã có cuộc trao đổi với ông Phan Văn Tùng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT).
Phóng viên: Đầu tiên, xin cám ơn ông đã nhận lời trao đổi cùng phóng viên Đài PT-TH tỉnh Kon Tum. Thưa ông, xin ông cho biết, kết quả thực hiện Bộ chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong 3 năm trở lại đây?
Ông Phan Văn Tùng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: Thời gian qua, công tác cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, theo kết quả công bố của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong 3 năm gần đây có xu hướng giảm điểm và thứ hạng. Cụ thể, năm 2019 (đạt 63,54 điểm và đứng thứ 56/63), năm 2020 (đạt 62,02 điểm và đứng thứ 56/63), năm 2021 (chỉ đạt 58,95 điểm và đứng thứ 61/63 tỉnh thành).
Phóng viên: Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến việc chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đạt kết quả chưa cao?
Ông Phan Văn Tùng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: Thực trạng trên do nhiều nguyên nhân có cả khách quan và chủ quan. Về nguyên nhân khách quan, việc tập trung tối đa cho công tác phòng chống dịch cũng là nguyên nhân dẫn đến các Chỉ số thành phần của PCI bị giảm mạnh điểm. Cụ thể: việc khống chế khả năng lây lan của dịch làm hạn chế khả năng đi lại, tiếp cận và thực hiện thủ tục hành chính của doanh nghiệp; làm ảnh hưởng đến việc gặp gỡ, giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp…Thứ hai, hiện nay một số thủ tục, quy định pháp luật về Đất đai, Đầu tư, đất rừng, quản lý tài sản công, đất từng còn nhiều bất cập. Về nguyên nhân chủ quan: Định hướng quy hoạch 1 số ngành, lĩnh vực, còn chồng chéo, manh mún. Công tác thu hút, xúc tiến đầu tư chưa tạo được đột phá, cái này cũng có một phần trách nhiệm của Sở KH-ĐT, Trung tâm xúc tiến và hỗ trợ khởi nghiệp. Công tác phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong giải quyết thủ tục hành chính và việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và nhà đầu tư còn nhiều hạn chế.
Phóng viên: Thưa ông, để cải thiện hiệu quả chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong thời gian tới, vậy sở KH&ĐT sẽ tham mưu cho UBND tỉnh những giải pháp gì?
Ông Phan Văn Tùng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: Với vai trò là cơ quan thường trực, Sở KH-ĐT đã và đang tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị triển khai các giải pháp để cải thiện chỉ số PCI, trong đó có:nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của các tổ chức Hiệp hội, Hội doanh nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ làm cầu nối hỗ trợ doanh nghiệp, tiếp nhận thông tin, phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp để chính quyền tỉnh tháo gỡ kịp thời; thành lập Ban chỉ đạo cải thiện, nâng cao Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Thực hiện chủ trương chuyển từ tinh thần đồng hành cùng nhà đầu tư sang tinh thần chủ động tiếp xúc, kêu gọi, làm việc với nhà đầu tư. Đẩy mạnh chuyển đổi số, hiện đại hóa hành chính. Giải pháp cuối cùng, trực tiếp đến Sở KH&ĐT đó là kiện toàn Trung tâm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ khởi nghiệp, nâng cao năng lực và đổi mới, đa dạng các hình thức, hoạt động xúc tiến đầu tư để từ đó nâng cao hiệu quả, tăng cường hoạt động thu hút đầu tư.
Phóng viên: Một lần nữa xin cám ơn ông!
Cát Tiên – Văn Hiển