(kontumtv.vn) – Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo, tiểu học trên địa bàn tỉnh Kon Tum, giai đoạn 2017 – 2020 được triển khai từ tháng 12/2017. Qua đánh giá của các trường được triển khai cho thấy, từ khi sử dụng sữa, trẻ em đã có sự phát triển về chiều cao, cân nặng và đặc biệt là tạo được sự đồng thuận cao của phụ huynh học sinh.

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú – Tiểu học xã Đăk Pne, huyện Kon Rẫy là 1 trong 4 trường trên địa bàn huyện Kon Rẫy được thụ hưởng Chương trình Sữa học đường. Toàn trường hiện có 256 học sinh, gần 100% là người đồng bào dân tộc thiểu số; đa số phụ huynh của các em có thu nhập thấp, chưa có đủ điều kiện để mua sữa cho các em uống thường xuyên. Từ khi triển khai Chương trình Sữa học đường, các em học sinh ở trường đã được uống sữa đều đặn mỗi tuần 3 lần, qua đó góp phần cải thiện dinh dưỡng và các em đã có sự phát triển về chiều cao và cân nặng hơn so với trước. Cô giáo Nguyễn Thị Đào Diễm, Hiệu trưởng nhà trường nói: “Trường này được sự quan tâm của các cấp, ngành rất nhiều về tinh thần, vật chất cho các em. Các em đã có chỗ ăn, chỗ ở, các bữa ăn hằng ngày thì nhà trường tạo điều kiện cải thiện chất dinh dưỡng. Từ khi có Chương trình Sữa học đường về thì các em được uống sữa, các em có phần thích thú đi học, đi học uống sữa, được ăn cơm để tăng phần thể trạng của các em”.

Phu huynh hoc sinh dong thuan cao voi Chuong trinh sua hoc duong

Triển khai từ tháng 12/2017, Chương trình Sữa học đường đã đi vào hoạt động ổn định, có 5.750 học sinh ở 20 trường mầm non và tiểu học thuộc 10 xã khó khăn của 6 huyện, gồm Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Sa Thầy, Ia H’Drai, Kon Plông và Kon Rẫy được sử dụng 03 hộp sữa/tuần, mỗi hộp sữa 180 ml. Chương trình được thực hiện trong 3 năm học 2017 – 2018, 2018 – 2019 và 2019 – 2020, với kinh phí hơn 12,7 tỷ đồng. Sữa được cung cấp với cơ chế ưu đãi, Nhà nước cấp 60%, công ty cung ứng sữa hỗ trợ 30% và gia đình đóng góp 10%. Qua 6 tháng triển khai, Chương trình Sữa học đường đã nhận được sự đồng thuận cao từ các trường học và phụ huynh học sinh ở các địa bàn thực hiện. Bởi vì, mỗi phụ huynh có con đi học chỉ đóng 7.800 đồng/tháng để con được uống sữa. Chị Y Hom (thôn 2, xã Đăk Pne, huyện Kon Rẫy) nói: “Gia đình tôi không có điều kiện để mua sữa cho con uống, nhờ có sữa học đường thì con tôi uống sữa 1 tuần được 3 lần. Bây giờ cân của cháu cũng đỡ hơn hồi trước rất nhiều”.

“Từ đầu năm, thể trạng sức khỏe của trẻ rất kém, nhưng sau khi uống sữa từ tháng 12 đến bây giờ thì tình trạng của trẻ được cải thiện rất nhiều, trẻ được tăng về chiều cao và cân nặng. Có trẻ  đầu năm học có 15,5 kg thôi, nhưng bây giờ đã 17,5 kg rồi, mức độ trẻ ở đây lên tới 2 kg/trẻ. Nên phụ huynh hưởng ứng nhiệt tình trong việc cho trẻ uống sữa tại trường, còn nhà trường làm công tác chăm sóc, giáo dục trẻ thì cảm thấy rất mừng, bởi vì thể trạng của trẻ được tăng lên”. Cô giáo Nông Thị Hương, Hiệu trưởng Trường Mầm non Đăk Pne, huyện Kon Rẫy cho biết.

Mục tiêu của Chương trình Sữa học đường là đến năm 2020 giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em mẫu giáo và tiểu học trung bình 0,6%/năm; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em mẫu giáo và tiểu học trung bình 0,7%/năm tại các địa bàn được chọn triển khai thí điểm Chương trình Sữa học đường. Bác sỹ CKI Y Đứk, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kon Tum cho biết: “Trong quá trình thực hiện, ngành Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, các trường học tập trung triển khai các hoạt động hỗ trợ, đảm bảo việc triển khai chương trình thuận lợi, đạt mục tiêu đề ra, như tập huấn hướng dẫn về công tác bảo quản sữa tại trường học, thực hành cho học sinh uống sữa, xử lý vỏ hộp sữa, ghi chép sổ sách…cho cán bộ, giáo viên các trường tham gia chương trình”.

Chương trình sữa học đường là một chương trình giàu tính nhân văn, có hiệu quả cao trong cải thiện tình trạng dinh dưỡng và vi chất dinh dưỡng của trẻ em, giúp trẻ phát triển toàn diện về thể lực, trí lực. Đồng thời tăng cường được chất lượng giáo dục của các trường và từng bước hình thành thế hệ tương lai phát triển toàn diện.

Ngọc Chí

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *