(kontumtv.vn) – Giai đoạn 2011-2016, các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn huyện Sa Thầy (Kon Tum) đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực giúp hội viên phụ nữ có cơ hội vươn lên thoát nghèo. Phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng đã phát triển sâu rộng ở địa phương.

Để góp phần hỗ trợ hội viên, phụ nữ, đặc biệt là gia đình hội viên, phụ nữ nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, xóa nghèo bền vững, trong những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Sa Thầy đã vận động các tầng lớp phụ nữ phát huy nguồn lực, truyền thống tương thân tương ái trong hội viên. Qua đó nhiều cách làm hay đã được nhân rộng và cho hiệu quả thiết thực. Chị Lê Thị Thanh (thôn 3, thị trấn Sa Thầy) nói: “Mỗi thành viên tham gia đóng góp 2 triệu đồng/1 năm, nhóm có 20 người. Đến nay đã đóng góp được hơn 70 triệu đồng, giải quyết cho chị em thiếu vốn vay, từ 5 đến 15 triệu đồng. Mô hình này rất phù hợp, mình không có tiền, mỗi người góp vốn sẽ có số tiền lớn để phát triển kinh tế”.

Đến nay, các cấp Hội Phụ nữ huyện Sa thầy đã xây dựng được 147 tổ, nhóm phụ nữ tiết kiệm, thu hút hơn 6.600 hội viên, phụ nữ tham gia, với số tiền tiết kiệm được 1,3 tỷ đồng. Nhờ số vốn này, các chi, tổ, hội đã hỗ trợ, giúp đỡ cho gần 350 lượt hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn vay phát triển kinh tế gia đình.

Mô hình trồng nấm sò của phụ nữ Sa Thầy
Mô hình trồng nấm sò của phụ nữ Sa Thầy

Cùng với việc nhân rộng các mô hình tiết kiệm, hỗ trợ vốn vay, các cấp hội còn vận động, giúp đỡ cho hơn 4.400 hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn về ngày công lao động; cho vay vốn không tính lãi gần 500 triệu đồng và hàng ngàn cây, con giống để phát triển kinh tế gia đình. Đồng thời, hỗ trợ hội viên, phụ nữ xây dựng được 15 mô hình phát triển kinh tế. Nhờ tham gia các mô hình này, đã giúp phụ nữ tiếp cận và nâng cao trình độ sản xuất, phát triển kinh tế theo hướng đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Chị Hồ Thị Thủy, (thôn Nghĩa Long, xã Sa Nghĩa) chia sẻ: “Từ ngày tham gia vào Hội, được tổ chức Hội hỗ trợ vốn vay, mở lớp học nghề bó chổi đót, hướng dẫn trồng nấm. Gia đình trồng 700  bịch nấm sò, trừ chi phí mỗi tháng có 3 triệu đồng, có thêm thu nhập”.

Nhờ triển khai các hoạt động thiết thực, từ năm 2011 đến 2015, toàn huyện đã có 226 gia đình hội viên, phụ nữ được Hội Phụ nữ giúp thoát nghèo. Bà Nguyễn Thị Tuyết, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Sa Thầy cho biết: “Để góp phần nâng cao đời sống cho hội viên phụ nữ, nhất là hội viên phụ nữ vùng ĐBDTTS, chúng tôi sẽ tiếp tục cụ thể hóa chương trình hành động thực hiện khâu đột phá: Tạo chuyển biến mới về chất lượng, hiệu quả vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển sản xuất, thực hành tiết kiệm. Hướng dẫn hội viên, phụ nữ mạnh dạn vay vốn, áp dụng các kiến thức khoa học, kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, duy trì và nhân rộng các mô hình phụ nữ phát triển kinh tế có hiệu quả trên địa bàn”.

Những hoạt động thiết thực, hiệu quả Hội Phụ nữ các cấp huyện Sa thầy triển khai đã và đang thu hút đông đảo hội viên tham gia, góp phần từng bước cải thiện và nâng cao đời sống cho chị em, tiến tới xây dựng gia đình No ấm – Bình đẳng – Tiến bộ – Hạnh phúc, khẳng định vai trò, vị trí của phụ nữ trong công cuộc xây dựng, phát triển địa phương.

          CTV Trang Nhung

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *